27. Xu hướng tích hợp công nghệ

Uber
Những thiết bị công nghệ đang chiếm nhiều thời gian của mỗi người chúng ta, từ  laptop cho đến smartphone, rồi đồng hồ thông minh, kính thông minh, vòng đeo tay theo dõi sức khỏe,... lần lượt đi vào cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, những thiết bị này thuần túy là những thiết bị công nghệ, chúng đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng sang những lĩnh vực khác. Còn có một chiều hướng ngược lại cũng đang dần định hình, đó là những lĩnh vực khác của cuộc sống đang dần tích hợp công nghệ trong chúng. Những lĩnh vực đang được ứng dụng nhiều công nghệ là giáo dục, y tế, giao thông, tự động hóa trong sản xuất, hành chính công,... Cùng với sự phát triển của công nghệ, một số hình thái mới của tích hợp công nghệ đang xuất hiện nhiều hơn, mở ra nhiều ứng dụng hơn nữa cho công nghệ.

Trong bài viết này tôi sẽ trình bày những xu hướng tích hợp công nghệ trong những lĩnh vực truyền thống như giao thông vận tải, thời trang, thiết bị gia dụng, sản xuất ô tô, thanh toán cá nhân ... Qua đó, chúng ta sẽ thấy được những thuận lợi cũng như thách thức trong việc tích hợp công nghệ vào những lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Tôi cũng sẽ đưa ra những dự đoán cho tương lai về xu hướng này và vai trò của nó đối với sự phát triển của dự án Internet of things [1], cái mà các hãng công nghệ khổng lồ như Google, Facebook, Microsoft đang hướng tới.

[1] Internet of Things


Uber là công ty công nghệ hay công ty vận tải?

Trong khi tôi đang viết bài này thì Uber đang làm mưa làm gió trên khắp thế giới, cũng như việc nó đang gặp phải những thách thức từ các chính phủ và các hãng taxi ở các nước mà nó đến. Nếu bạn chưa biết đến Uber thì có thể tham khảo thêm link bên dưới.

Câu hỏi tôi đặt ra ở đây là Uber thật sự là một công ty công nghệ hay là một công ty vận tải? Nếu Uber là một công ty công nghệ thuần túy thì nó kiếm tiền bằng cách nào nếu chỉ phát hành ứng dụng gọi taxi qua ứng dụng Uber trên điện thoại? Mặt khác, Uber đang tham gia vào việc vận tải hành khách mặc dù hãng không sở hữu bất cứ chiếc taxi nào, và cũng chính vì thế mà hãng bị các hãng taxi truyền thống phản đối khắp nơi trên thế giới. Uber không có chiếc taxi nào thì có được coi là một hãng vận tải không?

Câu trả lời có thể có từ hai hướng:

1. Hãng là công ty công nghệ vì hãng cung cấp ứng dụng để kết nối người lái xe với khách hàng của mình. Chỉ có điều là Uber đang thu tiền không phải bởi bán ứng dụng của mình cho các hãng vận tải mà là thu tiền trực tiếp từ hành khách và trả một phần cho người lái xe.

2. Uber là một công ty vận tải, tích hợp công nghệ để tăng tính hiệu quả của công việc vận tải hành khách bằng cách cung cấp dịch vụ gọi xe qua ứng dụng trên điện thoại. Chỉ có điều là Uber lại không sở hữu bất kỳ chiếc xe nào, các tài xế cũng không thuộc sự quản lý từ Uber mà thực sự họ chính là đối tác của hãng.


Tôi cho rằng Uber không hoàn toàn thuộc lĩnh vực nào, chỉ đơn giản nó là một công ty tích hợp công nghệ. Uber khiến chúng ta quên đi những lĩnh vực truyền thống mà thừa nhận rằng có một lĩnh vực mới là lĩnh vực tích hợp công nghệ.
Victoria Secret

Những thiết bị wearable mới

Ngoài những thiết bị đeo được như đồng hồ thông minh, vòng đeo sức khỏe, mắt kính công nghệ mà tôi đã giới thiệu trong bài viết 20. Trào lưu công nghệ mới: Wearable devices, gần đây đã xuất hiện thêm một số thiết bị mới như chiếc áo lót dành cho phụ nữ có thể theo dõi nhịp tim đến từ hãng đồ lót nổi tiếng Victoria Secret [2]. Sony gần đây đã giới thiệu module có thể gắn lên những chiếc kính mắt thông thường để biến chúng thành những chiếc kính thông minh như Google Glass [3]. Những thiết bị truyền thống giờ đây đã được bổ sung thêm công nghệ để tăng tính hiệu quả, tăng khả năng kết nối với các thiết bị khác, và đây có thể coi là xu hướng hiện nay.


Công nghệ bước ra khỏi lĩnh vực IT

Theo như cách nghĩ thông thường thì những thiết bị được tích hợp thêm công nghệ thường được coi là những sản phẩm công nghệ cao. Nhưng điều đó giờ đây dường như đã thay đổi nhiều, khi mà một cái máy nước nóng hay một cái tủ lạnh có thêm những module tích hợp có thể theo dõi một cách chính xác những thông số kỹ thuật và truyền tải chúng cho những thiết bị khác để xử lý và phân tích như điện thoại, máy tính. Gần đây có những thông tin từ báo chí cho rằng Google đang thể hiện tham vọng mang hệ điều hành Android lên những chiếc xe hơi với tên gọi là Android Auto [4], sau khi đã mang Android Wear lên các thiết bị đeo được. Nếu Google thực hiện được tham vọng của mình thì những chiếc xe hơi sẽ hoạt động như một thiết bị độc lập với đầy đủ các kết nối không dây và GPS mà không cần đến smartphone. Bỏ qua tham vọng thu thập dữ liệu khổng lồ từ những chiếc xe này, Google đã tiến gần hơn với việc đưa công nghệ tích hợp vào những thiết bị truyền thống. Song song với động thái của Google thì nếu thật sự Apple mua lại hãng xe điện Tesla thì sau này chúng ta không biết Google và Apple có còn là những công ty công nghệ thuần túy nữa không.

Khi mà trong tương lai không xa nữa, những vật dụng xung quanh chúng ta đều tích hợp ít nhiều công nghệ thì liệu nền kinh tế toàn cầu chỉ còn lại một lĩnh vực là công nghệ hay công nghệ lúc đó trở thành công nghiệp phụ trợ? Câu hỏi này tôi cần một thời gian nữa mới trả lời được.

[4] Google muốn tích hợp Android thẳng vào ô-tô, không cần kết nối smartphone để sử dụng?


Xu hướng tích hợp công nghệ

Nếu bạn đã từng biết về dự án Internet of things (IoT) thì chắc hẳn bạn sẽ không ngạc nhiên về xu hướng này. Hầu như tất cả các công ty công nghệ đang chuẩn bị và chờ đợi thời điểm bùng nổ của IoT. Khi đó mọi thiết bị xung quang chúng ta sẽ được kết nối với nhau theo một tiêu chuẩn thống nhất để có thể giao tiếp với nhau. Intel còn lạc quan hơn khi cho rằng thời điểm đó chính là năm 2015 [5], nhưng tôi không nghĩ nó đến nhanh như thế, nếu có cũng chỉ là giai đoạn khởi đầu chứ chưa gọi là bùng nổ. Những thách thức hiện nay của việc IoT chính là giai đoạn tích hợp công nghệ, khi mà những tiêu chuẩn của những công nghệ đang được tích hợp chưa thống nhất với nhau, như chuẩn kết nối không dây, chuẩn phần cứng khác nhau trên các thiết bị, giao tiếp giữa các hệ điều hành,... Mặc dù các hãng công nghệ đang bắt tay nhau để xây dựng nên IoT [6] nhưng việc xung đột lợi ích lẫn nhau có thể là một hạn chế khiến thế giới công nghệ vẫn còn giậm chân tại giai đoạn tích hợp công nghệ mà chưa tiến lên IoT được.

Một trong những lĩnh vực quan trong đối với IoT chính là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu AI có những thành tựu đáng kể trong tương lai, cùng với việc tích hợp công nghệ trên nhiều thiết bị sẽ hỗ trợ thêm cho sự phát triển của AI. Và khi AI phát triển, IoT sẽ thật sự bùng nổ. Tôi sẽ phân tích về mối quan hệ giữa AI và IoT trong một bài viết khác.

[5] Intel: Điện toán tích hợp sẽ lên ngôi trong năm 2015
[6] Các nhà sản xuất lớn hợp tác để tạo ra chuẩn chung cho IoT


Cạnh tranh trên diện rộng

Quay lại trường hợp của Uber, chúng ta thấy rằng bên cạnh Uber thì cũng có hàng loạt các các công ty công nghệ khác có phương thức kinh doanh tương tự như Uber. Có thể kể đến đối thủ về vận tải hành khách của Uber như Lyft, Grabtaxi,... Trong bài viết về Uber trên Thời báo kinh tế Sài Gòn [7], có một thuật ngữ mới dùng để đặt tên cho hình thức kinh doanh giống như Uber đang làm đó là “Kinh tế chia sẻ (Sharing Economy)”. Uber không những cạnh tranh với những công ty cùng loại với mình mà còn phải đối mặt với những hạn chế về pháp lý của các quốc gia mà nó đặt chân tới. Ngoài ra, khi những hãng taxi truyền thống bắt đầu tích hợp công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ thì có nghĩa Uber sẽ đối mặt thêm sự cạnh tranh.

Xu hướng tích hợp công nghệ không những khiến cho các hãng công nghệ cạnh tranh với nhau trên sân chơi mới mà còn cạnh tranh với những công ty thuộc lĩnh vực khác. Chúng ta biết Apple là một hãng công nghệ nhưng khi hãng tích hợp Apple Pay vào iPhone thì hãng sẽ cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ là các công ty thanh toán như Visa, Mastercard, và cả Paypal nữa. Khi Amazon có thể tạo ra các cỗ máy giao hàng thông minh thì họ đang lấn sân của hãng vận chuyển Fedex.

Các giải pháp cho ngôi nhà thông minh như Smarthome chính là điển hình cho tích hợp công nghệ, nó cũng là khởi đầu cho sự thành công của IoT sau này. Những hãng công nghệ có sản xuất thiết bị gia dụng như Sony, Samsung, LG, Phillip đang có nhiều lợi thế khi đang dẫn đầu trong việc tích hợp công nghệ trong những thiết bị của mình như TV, tủ lạnh, máy giặt, máy nước nóng,... Nếu những hãng này tham gia vào thị trường giải pháp cho ngôi nhà thông minh thì sẽ thúc đẩy quá trình tiến lên IoT trở nên nhanh chóng hơn. Và khi họ tham gia, họ sẽ có thêm thị trường để cạnh tranh với nhau.

[7] Loạt Bài Về Uber: Công Nghệ Phản Động

Nhận xét

  1. là công ty công nghệ b và bước ra khỏi lĩnh vực IT theo như cách nghĩ thông thương thì nói là như vậy đó bạn ah .
    ............................
    thép hòa phát | thép hộp mạ kẽm

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét