20. Trào lưu công nghệ mới: Wearable devices

Có thể có nhiều người còn xa lạ với sản phẩm công nghệ này, nhưng nó đang chủ đích của nhiều hãng công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay. Wearable devices [1] là những thiết bị công nghệ có thể đeo được như kính, đồng hồ, dây đeo,... mà tích hợp các công nghệ hỗ trợ cho người đeo. Nếu bạn đã từng nghe về Google Glass [2], Samsung Galaxy Gear [3], Sony SmartWatch [4]... thì chúng được gọi là wearable devices. Trong triễn lãm công nghệ MWC 2014 [5], giới phân tích cho rằng chủ đề nổi bật nhất của triễn lãm này thì các thiết bị có thể đeo được. Điều đó đã cho thấy sự hình thành một trào lưu công nghệ mới, và cũng chứng tỏ một cuộc cạnh tranh mới giữa những hãng công nghệ. Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích cuộc tiến hóa công nghệ từ smartphone đến các wearable devices, cách thức tham gia của các hãng như Google, Apple, Samsung, Sony,... cũng như tương lai của thị trường này. Ngoài ra, tôi cũng đề cập đến tác động của những sản phẩm mà chúng ta đeo trên người này đến cuộc sống của chúng ta, cũng như những nguy cơ an ninh mà chúng mang lại.



[1] Wearable Devices: Everything You Need to Know
[2] Google Glass
[3] Samsung Galaxy Gear
[4] Sony SmartWatch
[5] Mobile World Congress (MWC)

Khi sân chơi smartphone đã chật, một sân chơi mới đang mở ra

Đỉnh cao của cuộc chiến smartphone chính là giữa Apple vs Liên minh Google-Samsung, khi mà iPhone vs Galaxy cạnh tranh nhau quyết liệt trong cùng một phân khúc sản phẩm cao cấp. Đã có lúc các hãng dẫn nhau ra tòa vì cuộc chiến bản quyền các bằng sáng chế [6], nhưng thực sự là họ đang đánh nhau vì thị phần. Đã ba năm trôi qua kể từ ngày Samsung tung ra dòng Galaxy để rút ngắn khoảng cách với iPhone thì cuộc chiến này đã kéo thêm HTC, Sony, LG, Nokia tham gia. Vũ khí của HTC là dòng HTC One, của Sony là dòng Xperia Z, của LG là Optimus, của Nokia là Lumia, cùng với iPhone của Apple và Galaxy của Samsung đã làm nên cuộc cạnh tranh công nghệ quyết liệt, hỗ trợ cho các chiến dịch marketing, nhằm giành giật thị phần. Trong thời gian gần đây, chúng ta thấy HTC One đã tích hợp công nghệ Ultrapixel [7], Sony Xperia Z series có thêm khả năng chống nước và bụi [8], LG Optimus 2 tích hợp các nút cứng điều khiển âm lượng sau nắp lưng [9], Nokia Lumia 920 có công nghệ Pureview cho máy ảnh [10], Samsung Galaxy S4 có công nghệ theo dõi cử chỉ của mắt Smart Roll và Smart Pause [11], iPhone thì có CPU 64 bit cùng với cảm biến mở khóa bằng vân tay [12]. Trong khi đoàn quân Android bao gồm Samsung, HTC, Sony, LG sở hữu màn hình từ 4.7 inches trở lên thì sản phẩm Windows Phone của Nokia cũng có màn hình lớn để cạnh tranh, còn iPhone của Apple tuy vẫn giữ kích thước màn hình lớn nhất là 4 inches nhưng sẽ tăng kích thước màn hình trong thế hệ tiếp theo. Riêng Blackberry thì những sản phẩm của họ không còn được người dùng quan tâm nhiều nữa nên tính cạnh tranh không cao.

Những công nghệ mà các hãng mang lên sản phẩm có thể khiến người dùng bị kích thích sự tò mò nhưng thật sự chúng chỉ là một phần nhỏ được thêm thắt vào cho nhìn đẹp mắt, nghe êm tai mà thôi. Bởi vì chúng chỉ tồn tại trên sản phẩm này mà không có trên sản phẩm khác nên chúng không được đa số người dùng tiếp cận. Ngoài ra thì những công nghệ này cũng khiến người dùng cảm thấy khó khăn hơn khi sử dụng hoặc cảm thấy dư thừa vì thấy chúng không quen hoặc không cần thiết, và thế chúng nhanh chóng chìm vào quên lãng. Trong vài năm trở lại đây chúng ta không thể thấy cuộc cách mạng công nghệ nào vì các hãng dường như đang bảo hòa về sự sáng tạo trong phân khúc smartphone. Nếu muốn tạo ra smartphone đột phá thì cũng không biết chúng sẽ có những tính năng nào nữa, vì người dùng đã thỏa mãn với hầu hết những smartphone hiện nay, chỉ còn thiếu công nghệ có thể kéo dài tuổi thọ pin nữa là đủ. Sự sáng tạo công nghệ cho smartphone đang chậm dần và gần như đang bảo hòa.

Ngoài ra, với việc có nhiều hãng công nghệ tham gia thị trường cùng với các hệ điều hành di động ngày càng nhiều thì cũng khiến sự cạnh tranh trên thị trường càng căng thẳng. Sắp tới chúng ta sẽ thấy các smartphone tầm trung và tầm thấp chạy các hệ điều hành mới như Ubuntu Touch OS [13], Firefox OS [14], Tizen OS [15]. Đó chính là nền tảng cho những hãng công nghệ nhỏ hơn tham gia thị trường như Alcatel, Huwei,... Có thể nói dù dân số thế giới đang tăng lên, smartphone cũng tăng theo không kém, nhưng những người có thể xài smartphone cao cấp thì đã mua chúng, còn những người còn lại đa số là người bình dân thì đã ngắm đến các sản phẩm tầm thấp. Vì thế thị trường smartphone dù có tăng doanh số thì chủ yếu là người dùng thay đổi smartphone của họ từ hãng này sang hãng khác hoặc nâng cấp từ sản phẩm tầm thấp lên cao hơn.


Google và Apple đã cho thấy họ có tầm nhìn xa như thế nào khi mà họ đã chuẩn bị cho ngày mà smartphone không còn là thứ mọi người quan tâm nhiều nữa vì nó đã phổ biến. Vào năm 2011, Google đã bị phát hiện đang nghiên cứu Google Glass, còn Apple thì cũng tiết lộ về iWatch năm 2009, đó một chiếc đồng hồ thông minh. Dù hiện nay Google Glass đã xuất hiện trên thị trường, Samsung đã cố gắng qua mặt Apple để cho ra chiếc đồng hồ Galaxy Gear nhưng chúng vẫn chưa thật sự đủ hoàn hảo về mặt công nghệ và đủ hấp dẫn về giá để người dùng quan tâm. Tuy vậy, việc các hãng đều chuẩn bị cho ít nhất một sản phẩm có thể đeo được thì có thể thấy sân chơi này đang mở ra, còn người dùng thì đang chú ý dần đến những thứ có thể tương tác được với smartphone, TV, xe hơi và có thể theo dõi sức khỏe, điều khiển thiết bị gia đình... mà giới công nghệ gọi là wearable devices.

[15] Tizen

Những phát súng đầu tiên

Chúng ta đã biết về Google Glass, Samsung Galaxy Gear, Sony SmartWatch như đã nói ở phần trên. Ngoài ra, nếu điểm qua các sản phẩm có thể đeo được tại MCW 2014 ở Bacerlona thì chúng ta sẽ thấy một số sản phẩm sau [16]:
  • LG Lifeband Touch
  • Meta
  • Pebble Steel
  • Sony Core
  • Razer Nabu
  • Neptune Pine
  • Movea G-Series
  • Jaybird Reign
  • Garmin Vivofit
  • Mio Link

Ngoài ra, đã xuất hiện trên thị trường là các đồng hồ của Pebble [17] từ lâu, dù không tích hợp các tính năng theo dõi sức khỏe nhưng chúng lại giúp đồng bồ (sync) thông tin với một số sản phẩm Android và iOS, trong khi vòng đeo tay theo dõi sức khỏe Gear Fit [18] của Samsung đã được trình làng trong sự kiện MWC 2014, còn Qualcomm đã xuất xưởng đồng hồ thông minh Toq [19] từ cuối năm 2013.

Mặt khác, hãng công nghệ Đài Loan Asus đã xác nhận sẽ tham gia thị trường này [20], trong khi ngày ra đời của đứa con đã ấp ủ quá lâu của Apple là iWatch được dự đoán là trong năm 2014 này. Ngoài ra, Google SmartWatch cũng được cho là sẽ xuất hiện trong thời gian tới [21].

Cách đây vài năm, tôi biết đến một công ty của doanh nhân Việt Kiều mà tôi không nhớ tên, đang nghiên cứu và phát triển các sản phẩm hỗ trợ theo dõi sức khỏe người dùng. Họ không phải là công ty công nghệ thuần túy, mà chỉ là công ty sản xuất thiết bị hỗ trợ cho y tế, nhưng cái chính là những sản phẩm của họ được tích hợp công nghệ cao, sản xuất cho cá nhân người dùng như những chiếc máy đo nhịp tim có thể đeo ở tay. Vì thế, họ không nổi tiếng trong bản đồ công nghệ thế giới, nhưng họ chính là một trong những người tiên phong cho các sản phẩm có thể đeo được hôm nay. Ngoài ra, dù chưa cho ra đời iWatch, nhưng Apple đã hợp tác với hãng sản xuất đồ thể thao Nike tích hợp tính năng theo dõi thông số bước đi, khoảng cách cho người mang giầy Nike từ năm 2010 mà người dùng có thể theo dõi trên iPod, iPhone [22].

[22] Nike+iPod

Thị trường sẽ sôi động

Qua động thái của các hãng công nghệ lớn, chúng ta có quyền tin rằng thị trường của các sản phẩm có thể đeo được sẽ sôi động thời gian tới. Apple có thể đã lại dẫn đầu thị trường nếu chiếc iWatch của họ xuất hiện sớm hơn. Tuy nhiên, sau khi Steve Jobs ra đi, tôi không hiểu tại sao Tim Cook lại không thể đưa iWatch ra thị trường khi mà iWatch và Apple TV là hai sản phẩm mà Jobs đã ấp ủ và tiến hành nghiên cứu từ lâu. Đến nay, có thể coi như Apple sẽ không còn một mình dẫn dắt thị trường nữa khi mà Samsung đang cải tiến Galaxy Gear đến thế hệ thứ hai. Tôi có cảm giác là Samsung không biết nên làm chiếc đồng hồ thông minh của mình như thế nào cho tốt, điều này lý giải tại sao hãng công nghệ này không thể dẫn đầu thị trường được vì họ không phải công ty sáng tạo thực thụ (tôi sẽ có bài viết về Samsung trong thời gian tới). Họ sẽ chờ xem iWatch như thế nào rồi mới dựa vào đó mà cải tiến chiếc Gear của mình. Chiếc đồng hồ SmartWatch đã qua hai thế hệ của Sony cũng chưa có gì đặc biệt ngoài chất lượng thiết kế và phần cứng, vốn đã làm nên tên tuổi của Sony từ trước đến nay. Còn LG, HTC, Asus, Huwei,... cũng đang chờ xem sản phẩm của Apple. Có thể nói, các hãng Châu Á không có một nền tảng công nghệ vững chắc và có hệ thống, để hoạch định cho một nghiên cứu có tính đột phá, phần nhiều là vì các hãng này vẫn nằm ở phần gia công thiết bị phần cứng hơn là một công ty công nghệ chiến lược như Google, Apple và Microsoft. Ngoài ra, hiện nay Google đang một mình một ngựa với sản phẩm Google Glass, nhưng Apple, Microsoft sẽ không đứng ngoài, vì một chiếc kính thông minh là một thứ có thể thay thế smartphone trong tương lai. Nếu bạn có xem bộ phim Impossible Missions 4: Ghost Protocal [23] thì các bạn sẽ thấy một chiếc kính thông minh sẽ khả thi cho cuộc sống hiện đại như thế nào. Tuy nhiên, tôi không nghĩ nó sẽ phổ biến như smartphone vì nó rõ ràng là không tiện lợi đối với những người không thích đeo kính mát hay những người phải đeo kính cận.


Tuy là còn nhiều khó khăn để đưa sản phẩm vào cuộc sống, nhưng khi đã định hình được một sản phẩm có thể đeo được nên được tích hợp những gì để thu hút người dùng thì các hãng sẽ ồ ạt tung ra sản phẩm. Khi đó, có thể coi như một cuộc cách mạng công nghệ một lần nữa sẽ diễn ra. Nó cũng kéo theo thị trường ứng dụng cho các thiết bị này cũng sẽ sôi động theo. Cho đến nay thì Google được cho là chuẩn bị tung ra được bộ SDK cho lập trình viên viết ứng dụng cho Google Glass [24], trong khi Samsung cũng vừa tung ra bộ SDK cho hệ điều hành Tizen được dùng trên Galaxy Gear của mình [25]. Ngoài ra, Pebble cũng được cho là ra mắt kho ứng dụng của mình trong thời gian tới [26]. Rồi sẽ xuất hiện nhiều kho ứng dụng cho các thiết bị đeo được, nhưng chúng sẽ bị phân mảnh khá nhiều do có nhiều nền tảng hệ điều hành tham gia.


Công nghệ đi sâu hơn vào cuộc sống

Chúng ta đã có PC, Laptop trên bàn làm việc, smartphone và table trong phòng ngủ, rồi chúng ta sẽ có chiếc đồng hồ đeo tay mà có thể không bao giờ tháo ra ngay cả lúc đi ngủ, thậm chí đi tắm cũng vậy. Mỗi ngày chúng ta sẽ lái xe đi làm, chiếc kính thông minh sẽ giúp ta không bỏ lỡ tin nhắn hay cuộc gọi trên đường đi, thậm chí chúng ta sẽ không bao giờ nhầm đường vì bản đồ có định vị hiện nay trước mắt. Nếu bạn có vấn đề tim mạch hay bị bệnh tiểu đường thì chiếc vòng đeo tay sẽ luôn theo dõi và cảnh báo bạn, mỗi khi nhịp tim nhanh quá mức cho phép, chiếc vòng sẽ báo động, nếu không được phản hồi, chúng sẽ gởi tin nhắn đến người thân của bạn. Khi chạy bộ trên đường, chúng ta sẽ theo dõi được số bước chạy, lượng calo bị đốt cháy, lượng nước đang cần bổ sung,... bằng thiết bị mà chúng ta đang đeo có kết nối với đôi giày đang mang ở chân. Có thể nói công nghệ đang đi sâu vào cuộc sống của chúng ta hơn, khiến chúng ta một lần nữa lại định hình lại thói quen của mình trong cuộc sống với sự hỗ trợ của công nghệ mọi lúc mọi nơi. Ngoài những thứ trên, TV thông minh cùng với Airplay [24] của Apple và những công nghệ tích hợp trong ngôi nhà thông minh như chiếc tủ lạnh side by side của Samsung [25] thì chúng đang kép kín quy trình cuộc sống của chúng ta.

[27] AirPlay

Kèm theo những nguy cơ

Khi cuộc sống chúng ta bị bao quanh bởi công nghệ, cũng có nghĩa là những nguy cơ cũng đang gần kề ta, ngay cả lúc đi ngủ. Chúng ta đã cung cấp cho các hãng Google, Facebook những thông tin về cá nhân, những mối quan hệ, những hành vi của cuộc sống, giờ chúng ta cho Apple và Google biết chúng ta lái xe đi đâu, dừng chân tại đâu, chúng ta nhìn thấy gì hàng ngày, sức khoẻ chúng ta ra sao, rồi chúng ta cũng sẽ nói cho họ biết cảm xúc chúng ta thế nào, thế là chúng ta thuộc về họ. Nếu trước đây, hacker chỉ có thể xâm nhập dữ liệu cá nhân, trộm tiền tài khoản, theo dõi dấu vết các nơi chúng ta từng đến thì giờ họ sẽ biết chúng ta chính xác là đang ở đâu, có thể kết liễu chúng ta bằng tai nạn đụng xe hay vòi nước nóng trong nhà tắm. Những nguy cơ sẽ theo chúng ta moi lúc mọi nơi, càng ngày chúng ta càng bị kiểm soát chặt hơn trong khi lại có cảm giác mình tự do hơn với công nghệ. Trong tương lai, nguyên nhân của sự diệt vong không chỉ là cuộc chiến tranh hạt nhân mà có thể là một loại virus máy tính.

Có một thông tin mà tôi muốn đề cập lúc này là việc chiếc kính Google Glass đang là đề tại của một vụ kiện tụng vì nó có thể làm người đeo mất tập trung khi lái xe [26]. Một số chiếc đồng hồ đeo tay Fitbit Force đang bị thu hồi vì gây ra kích ứng da của người đeo [30].


Lời cuối

Sự hỗ trợ và nguy cơ là những thứ không thể tách rời của các sản phẩm công nghệ đối với chúng ta, có thể bạn cho rằng đó chỉ một thuyết âm mưu mà những người thiếu lạc quan dựng lên. Cho dù những nguy cơ là sự thật, thì con người sẽ không bỏ qua sự tiến triển của công nghệ, đặc biệt là các hãng công nghệ sẽ nói với bạn rằng những nguy cơ đó đã bị làm cho khó xảy nhất có thể. Quan điểm của cá nhân tôi là chúng ta không có cách nào khác là phải chấp nhận những hỗ trợ và những nguy cơ mà công nghệ mang lại, cũng giống như chúng ta chấp nhận điện hạt nhân và bom hạt nhân cùng tồn tại vậy.

Nhận xét

Đăng nhận xét