5. Tham vọng của Google

Trong bài viết này tôi sẽ phân tích về hãng công nghệ khổng lồ Google, một gã khổng lồ trong lịch vực tìm kiếm, đã xây dựng nên hệ điều hành di dộng Android và nhiều sản phẩm công nghệ khác như Gmail, Map, Chrome Browser, Chromium OS, Youtube,... Đây là những sản phẩm đã tạo được danh tiếng nhất định trên thị trường công nghệ toàn cầu hiện nay.



Tổng quan về Google

Tôi sẽ không giới thiệu với bạn lịch sử ra đời và phát triển của Google. Tôi chỉ giới thiệu với bạn Google thực chất là gì? Một công ty công nghệ, hẳn nhiên rồi. Nhưng Google là công ty công nghệ về lĩnh vực nào? Công ty phần mềm hệ điều hành, công ty sản xuất sản phẩm phần cứng, công ty dịch vụ tìm kiếm trên internet, công ty cung cấp các giải pháp phần mềm cho doanh nghiệp, công ty truyền thông mạng xã hội, công ty cung cấp dịch vụ bản đồ, công ty cung cấp dịch vụ chia s video,… hay còn hơn thế nữa. Có thể nói Google là tất cả.

Google là công ty sản xuất máy chủ lớn nhất thế giới. Có thể bạn không tin điều này, nhưng thực sự số máy chủ trong các trung tâm dữ liệu của Google đặt tại nhiều quốc gia trên thế giới lớn hơn số lượng máy chủ mà các công ty như IBM, HP, Lenovo, … sản xuất. Điều kỳ diệu là tất cả máy chủ của Google đều do Google tự thiết kế và sản xuất. Google không bao giờ công bố số lượng máy chủ của mình nhưng các chuyên gia công nghệ đã ước lượng số lượng máy chủ này bằng các thông số về lưu lượng truy cập các dịch vụ của Google và họ cho rằng Google có hơn một triệu máy chủ. CEO của Microsoft Steve Balmer cũng từng xác nhận Microsoft có một triệu máy chủ, lớn hơn số máy chủ của Amazon, Yahoo nhưng vẫn còn ít hơn Google [1]. Số lượng máy chủ của Facebook cũng là một ẩn số nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn ít hơn các hãng công nghệ trên chứ chưa nói đến Google.

Hệ điều hành Android của Google có khoảng một tỷ thiết bị đã được kích hoạt tính đến thời điểm tháng 09-2013 [2]. Chúng ta biết rằng khi sử dụng các smartphone hay tablet sử dụng hệ điều hành Android thì cũng có nghĩa là chúng ta là thành viên của Google. Bởi vì chúng ta cần phải có tài khoản Google để sử dụng dịch vụ của hãng nên mặc nhiên khi sử dụng một hay nhiều dịch vụ của Google chúng ta cũng phải đăng ký thành viên thông qua Google Accounts. Tính đến tháng 06-2013 thì Facebook có hơn một tỷ một trăm triệu người dùng [3]. Trong khi Google với chỉ riêng Android thì đã có hơn một tỷ người dùng, nếu tính luôn những người không sử dụng thiết bị Android mà chỉ sử dụng các dịch vụ khác của Google như Gmail, Youtube, Google apps, Google Plus, Blogger... thì số lượng sẽ lớn hơn Facebook nhiều. Sở dĩ mọi người ca ngợi Facebook hơn là Google vì chất lượng thông tin người dùng của Facebook tốt hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi đầu của Google, bước tiếp theo là gì thì tôi sẽ nói ở phần sau.

Bạn có biết từ “Google” đã trở thành một động từ trong tiếng Anh không? Khi bạn cần tìm thông tin gì, chúng ta hay google, nghĩa là hãy tìm kiếm trên Google Search [4]. Nói đến ngôn ngữ thì không thể không nhắc đến Google Translate. Theo thống kê đến thời điểm hiện nay, Google Translate có thể dịch hơn 70 ngôn ngữ [5]. Điều này khiến cho sự khác biệt ngôn ngữ khi giao tiếp trên mạng dần dần bị thu hẹp. Bạn có cho rằng điều này là tuyệt vời không khi mỗi người chúng ta chỉ có thể hiểu được nhiều lắm là 5 ngoại ngữ. Nếu muốn biết nhiều hơn thì chúng ta phải có thêm người biết thêm ngôn ngữ mới rồi dịch lại bằng ngôn ngữ mà chúng ta biết. Con người không thể làm được như Google Translate.

Tính tới năm 2013, Google đã mua lại bảy công ty chuyên về robot [6]. Google được biết đến như một hãng công nghệ phần mềm, nhưng giờ họ bắt đầu tham gia vào lĩnh vực robot. Nếu Amazon sử dụng robot để giao hàng thì Google sử dụng robot để làm gì? Có phải ngẫu nhiên khi biểu tượng của hệ điều điều hành Android là một chú robot? Có thể nói rằng Google phát triển robot không chỉ để giao hàng, mà có thể làm mọi thứ trong mọi lĩnh vực cần đến nó. Robot sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống chúng ta trong tương lai, nó sẽ trở thành một sản phẩm công nghệ cao như smartphone ngày nay. Vậy tại sao Google lại đứng ngoài cuộc chơi này.

Bạn đã từng nghe đến Google Lunar XPRIZE? Nếu chưa biết bạn có thể tham khảo website tại đây [7]. Đó là cuộc thi thám hiểm mặt trăng mà Google phát động trên toàn thế giới, với giải thưởng ba mươi triệu đô la cho nhóm đầu tiên tạo ra robot có thể hạ cánh lên bề mặt Mặt Trăng, di chuyển ít nhất 500 met và chụp hình, quay video gởi về Trái Đất. Nếu hoàn thành yêu cầu trên trước khi kết thúc năm 2015 sẽ được thưởng thêm 20 triệu đô la nữa. Các nhóm hoàn thành sau sẽ được ít tiền thưởng hơn. Có phải Google muốn cạnh tranh với NASA?

Google X Lab là một bộ phận bí mật của Google, nó được điều hành bởi người đồng sáng lập Google là Sergey Brin. Với hai dự án đã được bật mí là Google Glass và Google driverless car (xe tự hành Google). Tuy nhiên Google X Lab không chỉ có hai dự án trên mà có thể có nhiều dự án bí mật khác. Họ có tham vọng tìm ra giải pháp cho những vấn đề lớn của thế giới. Hãy đọc bài viết Inside Google secret Lab trên trang Bloomberg Business Week [8].

Còn gì nữa về Google mà chúng ta chưa biết không? Chắc hẳn là còn, nhưng bao nhiêu đã đủ cho chúng ta thấy tầm vóc của một Google, một hãng công nghệ khổng lồ hay đúng hơn là một đế chế công nghệ.


Những sản phẩm của Google

Bạn đã biết nhiều sản phẩm của Google, nhưng liệu đã biết hết chưa. Trong phần này đáng lẽ tôi sẽ giới thiệu những sản phẩm đã được tung ra thị trường của Google, tuy nhiên tôi thấy rằng bạn có thể tìm hiểu về chúng một cách dễ dàng bằng cách “google” chúng. Dưới đây là một link về các sản phẩm của Google trên Wikipedia.

Tôi biết đến Google với sản phẩm đầu tiên là Google Search. Thật ra trước khi sử dụng Google Search tôi cũng không biết là có những Search Engine khác như Yahoo, Altavista. Khi sử dụng công cụ tìm kiếm của Google tôi đã rất ngạc nhiên khi nó phản hồi rất nhanh, hầu như là cho kết quả một cách tức thời. Nó cũng làm tôi thích thú khi ta chỉ cần gõ vào máy tính và máy tính trả lời, quả là một cách làm giống như nói chuyện với cái máy. Kế đến tôi chuyển qua sử dụng Gmail thay vì Yahoo mail khi nghe nói đến ngôn ngữ lập trình Ajax mà Gmail đang sử dụng có thể tải lại một phần trang web khi cập nhật thay vì tải lại cả trang. Điều đó khiến tốc độ nhanh một cách ấn tượng khi check mail. Ngoài ra, Gmail cũng có có giao diện sử dụng đơn giản và thân thiện với người dùng. Kế đến là trình duyệt Chrome. Trước đó, tôi thường hay sử dụng Firefox, vì Firefox có nhiều extension hữu ích. Nhưng khi tôi dùng thử Chrome thì tôi ngạc nhiên với giao diện sử dụng đơn giản, không có thanh công cụ (Toolbars) hay trình đơn (Menu). Dường như trình duyệt này có một khoảng không gian hin thị nội dung trang web lớn hơn tất c các trình duyệt mà tôi sử dụng trước đó. Tốc độ cũng nhanh tuyệt vời. Sau đó tôi biết đến Youtube, một trang xem video mà có nhiều video hài hước rất hay. Rồi đến Blogger, dịch vụ Blog mà Google mua lại đã giúp tôi tạo một trang blog một cách miễn phí và nhanh chóng. Đôi khi tôi cũng phân vân giữa Blogger và Wordpress. Mặc dù lúc đó ở Việt Nam có nhiều người đang dùng dịch vụ Blog của Yahoo nhưng tôi lại thích Blogger hơn. Dần dần tôi bắt đầu sử dụng các sản phẩm khác của Google như Google Drive, Google Docs, Picasa, Google Sync,... Và hiện nay, hầu như tôi cảm thấy mỗi khi sử dụng máy tính thì nhìn đâu cũng thấy Google.


Nếu xem xét một người bình thường hiện nay thì họ cần những sản phẩm gì khi sử dụng công nghệ trong học tập, làm việc, giải trí, kinh doanh? Hầu như Google đều có sản phẩm đáp ứng nhu cầu của bạn trong tất cả những lĩnh vực đó.

Ngoài ra, Google tham gia vào tất cả các lĩnh vực của ngành công nghệ hiện nay, cũng có nghĩa là họ cạnh tranh với phần lớn những công ty công nghệ khác trên toàn thế giới. Có những sản phẩm của Google thành công và trở nên phổ biến (như Google Search, Gmail, Maps, Youtube, Android, Chrome browser,...). Cũng có những sản phẩm hiện đang cạnh tranh với những hãng khác (như Chromium OS, Google Docs, Drive, Google plus,... ). Và cũng có những sản phẩm đã thất bại (như Google Buzz, Google Wave, Google Answer,...).

Tuy nhiên sự thất bại của Google không làm giảm bớt tham vọng của họ. Khi khảo sát qua những sản phẩm Google, dễ dàng nhận ra là họ đang muốn làm ra mọi sản phẩm công nghệ cho người dùng, cũng có nghĩa là họ sẽ bao vây nhu cầu của người dùng và khiến mọi người phải phụ thuộc vào họ. Những nhà sáng lập Google đã từng không quan tâm đến tiền bạc, họ chỉ có tham vọng công nghệ. Nhưng một công ty không có tiền thì không thể đầu tư cho nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới được. Đấy là lý do Eric Schmidt được mời về làm một CEO thực thụ. Tuy ông có nhiều đóng góp cho một công ty Google trở nên to lớn như ngày nay, nhưng nếu không có tham vọng công nghệ của Larry Page và Sergey Brin thì có lẽ Google không như hôm nay. Có một sản phẩm quan trọng mà không xuất hiện trong danh sách sản phẩm Google và cũng khiến nhiều người không biết. Đó chính là cơ sở dữ liệu khổng lồ mà hãng đã có được sau nhiều năm tích lũy. Từ dữ liệu người dùng đến thông tin địa lý, thời tiết, kinh tế, xã hội... Có thể nói Google đang lưu trữ kiến thức của nhân loại. Đây cũng là điều mà Facebook hay Microsoft không thể có được. Việc còn lại của Google mà khai thác những dữ liệu này cho mục đích của họ. Những sản phẩm của họ vừa khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu, vừa bổ sung thêm dữ liệu. Vậy khi bạn sử dụng sản phẩm của Google, với phần lớn chúng là miễn phí, bạn cũng đang làm việc cho Google khi cung cấp thông tin cho họ và kêu gọi người khác làm việc đó. Bây giờ bạn có thấy Google đáng sợ không? Những nhân viên của Google và chúng ta cùng đang xây dựng nên một đế chế công nghệ.


Tầm nhìn của Google

Như tôi đã nói ở phần trên, với những sản phẩm của mình, Google đang muốn làm mọi thứ. Họ không còn chỉ là một công ty tìm kiếm nữa, họ là tất cả. Để làm điều này, hẳn nhiên Google phải có tầm nhìn dài hạn. Họ đang dần chiếm lĩnh những lĩnh vực công nghệ truyền thống với những sản phẩm từ email, hệ điều hành, trình duyệt, ứng dụng văn phòng, bản đồ, lịch biểu, lưu trữ đám mây, message, mạng xã hội. Họ làm những việc này một cách có hệ thống, cạnh tranh dần dần với các đối thủ đi trước. Đây là điều lý thú ở Google, họ đi sau trong tất cả lĩnh vực họ tham gia, nhưng họ đang thành công trong hầu hết các lĩnh vực ấy và khiến đối thủ biến mất hoặc điêu đứng vì họ.

Triết lý kinh doanh của Google cũng như triết lý phát triển của họ khá đặc biệt. Họ không giống các công ty công nghệ truyền thống như Microsoft hay Apple, họ lấy ý tưởng từ những nhân viên và người dùng để tạo ra sản phẩm. Họ biến những cái khó khăn mà các hãng khác đang gặp phải thành lợi thế của mình. Những nhân viên của họ là những kỹ sư thực thụ chớ không phải những người kinh doanh. Vì thế những dự án công nghệ của họ thường là điên rồ khi bắt đầu hình thành, họ có rất nhiều sự điên rồ đó. Nhưng chỉ cần một số ít thành công thì cũng đủ để họ dẫn đầu ngành công nghệ. Tôi lấy ví dụ như Gmail, một email có phép người dùng lưu trữ mail cả GByte vào thời điểm ra mắt, khi mà Hotmail hay Yahoo mail chỉ cho có vài Mbyte. Họ lấy đâu ra đủ ổ đĩa dữ liệu để cho người dùng? Họ sẵn sàng đi thu mua ổ đĩa cũ với giá thành thấp và đổ tiền vào chúng để cho người dùng thấy trong tương lai dung lượng lưu trữ không còn là vấn đề. Các hãng như Microsoft, Yahoo sẽ nói với người dùng rằng bạn hãy tiết kiệm lưu trữ vì bạn đang dùng miễn phí đấy. Còn Google thì bảo người dùng rằng hãy sử dụng cho thoải mái đi, chúng tôi sẽ lo được. Khi số lượng người dùng lớn, Google bắt đầu cho Gmail kiếm tiền bằng cách hiển thị quảng cáo trong hộp mail. Thế là Google thành công.

Mỗi tuần nhân viên Google có thể dành một ngày trong năm ngày làm việc để thực hiện những ý tưởng của mình và Google sẵn sàng hỗ trợ phương tiện cho họ. Khi ý tưởng đó khả thi, nó sẽ được đầu tư thêm và hoàn thiện thành sản phẩm. Còn tác giả dự án đó sẽ hưởng lợi khi trở thành người đứng đầu nhóm phát triển sản phẩm đó. Như vậy bất kỳ nhân viên nào cũng có thể trở thành sếp. Điều này khiến mọi cấp bậc trong công ty trở nên không cố định và con đường thăng tiến của mỗi người, ngoại trừ Ban Giám đốc, phụ thuộc rất nhiều vào thành quả mà họ đạt được mà không lo những vấn đề giống như chính trị trong các công ty lớn.

Google Search đã rất thành công nhưng Google còn muốn nó thành công hơn nữa khi họ thực hiện sự án số hóa [8] những quyển sách in và tạo ra công cụ Google Books Search. Rõ ràng nền tri thức của nhân loại đã được lưu trữ trong khoảng 120 triệu quyển sách tiếng Anh trên toàn thế giới. Vậy thì tại sao Google không số hóa chúng và tạo ra một cơ sở dữ liệu sách để bổ sung vào cơ sở dữ liệu của mình. Tìm trên các trang web và tìm cả trong những quyển sách bằng công nghệ nhận diện chữ từ các file ảnh được scan từ các trang sách. Bên cạnh việc bổ sung cho kho dữ liệu của mình, Google còn bổ sung phương thức tìm kiếm như tìm bằng giọng nói, tìm thông tin trong các hình ảnh, tìm kiếm xuyên qua các ngôn ngữ khác và có thể sẽ là tìm kiếm thông tin trong video, audio. Nếu Google trở thành một Amazon thứ hai thì bạn cũng chớ ngạc nhiên, thực sự họ đang làm điều đó. Có thể trong tương lai, người dùng sẽ không mua một cuốn sách, mà chỉ mua vài trang của cuốn sách đó. Đây quả là một kiểu bán sách kỳ lạ phải không?

Microsoft hay Apple có một thế mạnh là hệ điều hành cho máy tính và trên thiết bị di động. Chính vì sở hữu nền tảng hoạt động cho mọi thiết bị mà họ thống trị thị trường công nghệ trong nhiều năm. Khi Google giới thiệu Android ra thị trường như một hệ điều hành cho thiết bị di động, họ đã làm một việc ngoài lĩnh vực chính của họ nhưng lại rất đáng làm. Đó là tấn công vào nền tảng của các thiết bị di động. Rõ ràng các thiết bị di động là tương lai của thị trường công nghệ nên nó là chìa khóa cho Google bước vào cuộc chiến hệ điều hành. Tại sao Android lại miễn phí? Tại sao Google không tự mình sản xuất smartphone? Đó là điều mà những đối thủ khác không dám làm và đã làm. Khi mà Microsoft ngủ quên trên chiến thắng của hệ điều hành trên máy tính PC, trong khi Apple đang tạo ra thế độc quyền sản phẩm của mình thì Google làm điều ngược lại. Họ cho không hệ điều hành để các OEM mang về thiết bị của mình mà tùy biến theo ý thích. Google không kinh doanh thiết bị phần cứng, những smartphone như Nexus chỉ là bản mẫu cho sản phẩm của họ. Họ không tham gia thị trường này mà họ muốn biến những OEM thành công ty con của mình. Khi các OEM đủ mạnh, họ đã dần thắng thế trên thị trường thiết bị di động thì cũng có nghĩa Android đã thành công. Android là cái nhà mà Google cho không các OEM và người dùng, họ chỉ bán nội thất trong nhà và cung cấp các dịch vụ kèm theo. Đó là các ứng dụng trên Google Play và các sản phẩm của Google, những sản phẩm mà Google đã kiếm tiền từ việc cho người dùng sử dụng miễn phí.

Nếu Android thành công như vậy thì Google tạo ra Chromium OS làm gì? Cả hai hệ điều hành này đều sử dụng nền tảng Linux, vậy chúng cùng tồn tại để làm gì? Thật sự Android chỉ là con cờ ngắn hạn để giành thị trường và tạo ra quyền lực mềm trong công nghệ. Chromium OS mới là hệ điều hành của tương lai, một hệ điều hành đám mây.

Điện toán đám mây (Cloud Computing) là một trong những xu thế của công nghệ hiện nay, hệ điều hành trên mây đã được manh nha từ mấy năm trước. Tuy nhiên cho tới nay thì chưa có hệ điều hành nào thực sự trên mây, có nghĩa là không phụ thuộc vào nền tảng thiết bị. Xu hướng hiện nay là các hãng sản xuất hệ điều hành dần dần chuyển các sản phẩm của mình lên mây. Microsoft Office 365 là một trong những sản phẩm như vậy. Cùng với các hãng cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây ngày càng phát triển như Dropbox, Box.net,... Microsoft SkyDrive lại được tích hợp trong hệ điều hành Windows. Tuy nhiên, không có hãng công nghệ nào làm nhiều sản phẩm trên mây như Google. Với đặc điểm đi sau trong hầu hết các lĩnh vực cạnh tranh, Google xây dựng hẳn sản phẩm của mình trên mây mà không phải phát triển từ sản phẩm trên Desktop. Bạn thấy Google Docs, Picasa Web Album, Google Keep, Google Drive, Google Calendar là những sản phẩm như vậy. Cùng với Youtube, Google Sync, Google đã bao vây người dùng và đưa họ lên mây. Hệ điều hành trên mây cũng cần có thiết bị để chạy các ứng dụng của nó, vì thế mà Chromium OS ra đời. Những chiếc máy tính Chromebook là những sản phẩm mẫu mà Google giới thiệu cho các OEM và lôi kéo họ tham gia vào cuộc chơi của mình, cuộc chơi hệ điều hành. Nhưng nếu Chromium OS chỉ chạy trên các máy ChromeBook thì nó lại phụ thuộc vào thiết bị. Đó không phi là mục tiêu của Google. Một lần nữa Chromium OS và ChromeBook cũng chỉ là con cờ ngắn hạn của Google. Để có thể chạy được những ứng dụng đám mây, Google đã tạo ra Chrome Browser. Trình duyệt này cũng giống như các trình duyệt khác, nhưng nó có thể chạy được các ứng dụng được tạo ra cho nó, và những ứng dụng này thật sự trên mây. Chrome giống như môi trường giả lập cho những ứng dụng trên mây. Google dùng Chromium OS và ChromeBook để cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ và kêu gọi những nhà phát triển ứng dụng tham gia viết phần mềm cho hệ điều hành của mình, như vậy thì Chrome OS phải chứng tỏ được giá trị để thuyết phục các hãng phần mềm ứng dụng, và như vậy thì Google phải sản xuất ChromeBook để lôi kéo các OEM. Với quyền lực mềm từ Android, Google sẽ dễ dàng làm việc với Samsung, Acer, LG, Asus. Các hãng này đã được Google bảo trợ cho sự phát triển của các sản phẩm Android thì họ cũng hy vọng thành công một lần nữa trên Chromium OS. Thành phần chính trong Chromium OS chính là Chrome. Khi Chromium OS phổ biến trên thế giới thì Chrome coi như là lựa chọn bắt buộc của một số người dùng. Với các phiên bản Chrome trên Windows, Mac OS, Linux, Chromium OS, Chrome sẽ trở thành hệ điều hành thực sự với các ứng dụng trên mây. Lúc này Chrome Brower sẽ làm chủ cuộc chơi khi nó không phụ thuộc vào nền tảng phần cứng và hệ điều hành bên dưới là gì. Và lúc này Google chỉ việc gia tăng sự phát triển những ứng dụng trên mây cho Chrome, họ sẽ có thể thành công một lần nữa như đã thành công với Android. Như vậy, có thể nói rằng Chrome Browser mới chính là phần cốt lõi của chiến lược, còn Android hay Chrome OS chỉ là những con cờ tiên phong.

Tuy nhiên, không phải chiến lược nào của Google cũng trở nên thành công. Các hãng đối thủ như Microsoft hay Apple sẽ không đứng nhìn. Trong khi Microsoft đã nhận ra chiến lược này, thì Apple không thèm ngó tới. Đơn giản vì Apple không đi theo con đường của Google. Trong khi nhiều người cho rằng Apple là hãng luôn đi tiên phong trong công nghệ thì thật sự không phải vậy. Apple là hãng tiên phong trong các chiến lược kinh doanh và những phát minh công nghệ của họ chỉ phục vụ cho mục đích này. Họ không phải hãng tiên phong trong phát triển công nghệ. Trong khi đó, Microsoft thật sự là đối thủ của Google, nhưng Microsoft không có tham vọng vượt trên tất cả tham vọng của loài người, còn Google thì có. Apple cố gắng hoàn thiện những công nghệ và mang đến cho người dùng một cách tốt nhất, họ đã làm điều này một cách xuất sắc. Những tham vọng của Apple rất thực tế và không quá xa. Vì vậy mà họ làm ăn rất tốt. Nhưng tương lai không thuộc về họ, mà là của Google và Microsoft. Nhưng một Microsoft già cỗi và bảo thủ luôn sợ ai đó lấy mất phần của mình nên họ không dám đi ra khỏi nhà quá xa. Những sản phẩm của Microsoft vừa cạnh tranh với Apple cũng vừa cạnh trên với Google. Trong khi Apple sắc sảo trong kinh doanh thì Google lại có nhiều con bài cho một sân chơi lớn hơn. Còn Microsoft vẫn cố gắng nhưng lại luôn đi sau. Có thể nói chìa khóa của Google là luôn nhìn về tương lai, dù có xa tới đâu.


Nếu bạn có xem loạt phim Iron man thì chắc các bạn cũng ấn tượng với những thứ Tony Stark làm được. Với khả năng công nghệ siêu đẳng kết hợp với các ngành khoa học khác như Toán học, Vật lý, Hóa học, Stark đã tạo ra Iron man là một bộ giáp giúp con người có những khả năng như robot. Nhưng phần ấn tượng hơn chính là việc Stark điều khiển bộ máy ảo của mình khi thực hiện công việc. Hầu như những trợ lý ảo của Stark có đầy đủ thông tin khi cần, với khả năng xử lý thông tin của một chiếc máy tính, nó luôn phản hồi thông tin tức thời cho Stark. Bên cạnh những thành tựu về Khoa học máy tính, thì bộ phim còn có những thành tựu về những ngành Khoa học cơ bản. Vào một ngày nào đó, khi bạn thấy một thành tựu của công nghệ như Iron man có thật ngoài đời thì có thể đó là sản phẩm của Google. Trong tương lai robot sẽ thay thế con người dần dần trong tất cả những lĩnh vực, bao gồm những lĩnh vực yêu cầu trí thông minh hay sức mạnh cơ bắp. Những chú robot sẽ được sản xuất hàng loạt cho những mục đích khác nhau, từ nhu cầu cá nhân cho tới phục vụ công việc trong các công ty. Người ta sẽ quan tâm đến những con robot này như đang quan tâm đến điện thoại ngày nay. Sẽ có một quá trình xuất hiện và tiến hóa của những con robot, từ những robot làm những việc đơn giản đến những công việc phức tạp hơn. Có thể bạn sẽ cho rằng thời điểm ấy còn lâu. Tuy nhiên các sản phẩm công nghệ luôn xuất hiện dưới dạng từ đơn giản tới phức tạp, nên các công ty công nghệ sẽ không đợi đến lúc có một chú robot có thể nấu cơm rồi mới sản xuất hàng loạt. Chỉ cần chúng làm được những việc đơn giản như lái xe, lau nhà thì chúng sẽ được sản xuất để kinh doanh. Google đã có cơ sở dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để tạo ra robot. Có thể bạn sẽ thấy một con Google robot có thể tự di chuyển như xe tự hành Google driverless car, có thể có đôi mắt như Google Glass, có thể bay được từ tên lửa đẩy trong dự án Google Lunar XPRIZE, có thể trả lời tất cả các câu hỏi của bạn bằng mọi ngôn ngữ giống như khi bạn sử dụng Google Voice Search.

Tham vọng của Google



Khi bạn làm việc cật lực, bạn tạo ra nhiều của cải và danh tiếng cho mình, mọi người sẽ hỏi bạn rằng: Tham vọng của anh là gì? Tại sao anh làm việc nhiều thế? Liệu Google có tham vọng của một Vatican hay một White house? Hay tham vọng của Google là một tham vọng kiểu mới ở Mountain View, tham vọng quản lý thế giới bằng công nghệ? Ở nước Mỹ, người ta đã nhận ra rằng có một “con quái vật Google”. Khi mà Google là quyền lực của nước Mỹ đối với phần còn lại của thế giới thì Google cũng là một Thượng nghị sĩ quyền lực trong lòng nước Mỹ. Chính nền dân chủ Mỹ cổ súy cho việc tạo ra một Google như ngày nay thì cũng chính Google tham gia định nghĩa lại nền dân chủ Mỹ. Thật may mắn là Google sẽ không phản bội lại nước Mỹ, nếu không đất nước sinh ra nó sẽ là nạn nhân đầu tiên của chính nó. Các hoạt động của Google cũng bí mật như CIA hay NSA. Nếu không phải vì cần tiền đầu tư vào các tham vọng của mình, thì Google cũng không tham gia thị trường chứng khoán, để bị buộc phải công bố những thông tin kinh doanh ra bên ngoài. Chính phủ Mỹ quản lý hơn ba trăm triệu người dân của mình còn Google quản lý hàng tỷ người trên toàn thế giới. Google đã tạo ra quyền lực mềm cho nước Mỹ, nhưng tham vọng của nó cũng chẳng thua gì tham vọng của nước Mỹ. Vậy tham vọng lớn nhất của Google là gì? Tôi cũng không biết nữa, vì Google luôn định nghĩa lại tham vọng của mình sau mỗi lần thành công, nên chúng ta không thể xác định được mà chỉ thấy nó quá lớn. Khi bạn thấy cái gì quá to lớn thì cũng có nghĩa bạn thấy mình thật nhỏ bé. Các quốc gia trên thế giới bây giờ dần dần trở nên nhỏ bé so với Google.

Xin giới thiệu với các bạn bài viết lý thú sau: 

WHY IS GOOGLE BUILDING A ROBOT ARMY?


Điều cuối cùng tôi muốn nói là về Google Map. Đã có một số quốc gia phản đối việc chụp hình từ vệ tinh của Google vì nó đã trở thành nguy cơ cho những bí mật của những quốc gia khác, nhất là những lo ngại về lĩnh vực an ninh. Nhưng chỉ có trời mà biết thực sự những vệ tinh đó đang theo dõi những gì? Có thể tôi đang ngồi viết bài này thì Google đang nhìn xuống Trái Đất từ trên cao như một đấng sáng thế.

Nếu muốn biết thêm về Google một cách chi tiết hơn, các bạn hãy đọc cuốn Nội soi Google của Steven Levy

Nhận xét