Trong quyển sách Đừng hoang tưởng về biển lớn [1] của mình, Alan Phan có nói về Thế giới phẳng [2] của Thomas Friedman. Ông cho rằng Friedman đã mô tả thế giới đang ngày càng phẳng do xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin là không chính xác. Theo Alan Phan thì thế giới không phẳng, mà ngược lại đang rất không công bằng khi chỉ có một số ít của cải nằm trong tay đa số người nghèo, trong khi phần lớn của cải lại nằm trong tay một số ít người giàu có. Theo bạn thì ai đúng ai sai? Trong bài viết này tôi sẽ phân tích xem nhận xét của Alan Phan về Friedman có chính xác hay không và tìm câu trả lời xem ai mới là người đúng bằng lý lẽ KV-KR [3].
Thế giới có đang phẳng?

Việc thế giới có đang ngày càng phẳng như Friedman nói cũng không có gì lạ và cũng không sai. Khi mà việc giao tiếp giữa các vùng khác nhau trên thế giới là một yêu cầu tự nhiên cho sự phát triển kinh tế của các vùng đó thì trao đổi giữa các quốc gia trên nhiều lĩnh vực cũng là điều tất yếu. Toàn cầu hóa là bước đệm tiếp theo cho một hình thái mới của xã hội loài người, đó chính là sự liên minh các quốc gia trên Trái đất này. Từ việc không có biên giới rõ ràng trong quá khứ đến phân chia ranh giới rõ nét như hiện nay thì tương lai sẽ là sự hợp nhất trở lại với sự lu mờ các biên giới giữa các quốc gia, các dân tộc, các nền văn hóa như một quy luật tất yếu.
Tuy nhiên, xu hướng ngày càng phẳng của thế giới mà Friedman đề cập chỉ tập trung cho lĩnh vực kinh tế, khi mà sự phát triển của công nghệ đã đem những công việc ra khỏi những nước giàu để đến những nước nghèo hơn, có chi phí thấp hơn. Ngoài ra, làn sóng di cư của các sắc dân khác nhau đã kéo theo nhiều sự giao lưu về văn hóa và kinh tế giữa các quốc gia cũng khiến thế giới ngày càng phẳng hơn. Các nước phát triển hơn đầu tư vào các nước đang phát triển để mang ánh sáng văn minh đến những nơi còn lạc hậu, việc làm này khiến các nước giàu càng giàu và các nước nghèo cũng giàu lên. Trong thế giới hiện nay, bất cứ một quốc gia nào đóng cửa biên giới cũng có nghĩa là họ tự làm mình nghèo đi.
Chúng ta thấy rằng Friedman không nói sai về một xu hướng chung của thế giới, ở tầm vĩ mô của tháp kinh tế, đó là thế giới ngày càng phẳng đi.
Sự bất công của xã hội

Alan Phan được coi là một doanh nhân thành công cho đến thời điểm hiện nay, ông đã thể hiện mình là một doanh nhân đích thực qua những gì ông đã làm được và những gì ông viết thành sách. Tuy nhiên, Alan Phan nhìn thế giới của một người đi trong lòng nó và đang từng ngày chiến đấu với nó trên mặt trận kinh tế. Nếu đi vào lĩnh vực này thì ai cũng biết câu “Thương trường như chiến trường”, vì thế mà một người lính yêu hòa bình đang chiến đấu trên mặt trận không thể chấp nhận sự vinh quang trong bất cứ chiến thắng nào vì với họ chiến thắng nào cũng phải trả giá. Kinh tế là lĩnh vực quan trọng và bắt buộc đối với mọi quốc gia muốn tồn tại và phát triển, vì thế những doanh nhân như Alan Phan đã là những người dấn thân vào nó như một người lính xung phong ra chiến trường. Cho dù mục đích là vì lợi ích cho cá nhân mình hay cho cộng đồng thì hiệu quả từ sự phát triển kinh tế cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho toàn xã hội. Nhưng nền kinh tế vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh nên sẽ có những người mạnh giàu lên và những người yếu sẽ phá sản, và những người khác sẽ tiếp bước để tiếp tục giành lấy lợi ích cho mình. Alan Phan cho rằng sự bất công của nền kinh tế chính là luật chơi của nó đã nằm trong tay các định chế tài chính, cùng với sự hoạt động thiếu hiệu quả của các chính phủ. Giới chính trị và giới kinh tế cùng nhau định hình luật chơi và dùng bình phong là các thể chế để bảo vệ lợi ích cho một số ít những người giàu có. Tiền thuế của người dân mà phần lớn là nghèo hơn rất nhiều đã được sử dụng để tạo thêm của cải cho giới nhà giàu số ít. Cách làm này xuất phát từ xa xưa trong xã hội loài người và vẫn tiếp tục cho đến nay, và có thể là mãi về sau nữa. Sự bất bình đẳng trong xã hội luôn tồn tại như một cách tất yếu nhưng phần lớn người dân không để ý đến, bởi vì họ cũng muốn trở thành số ít những người giàu có nếu có thể. Vì thế cho dù thế giới có phát triển đến mức nào thì sự tồn tại giàu nghèo một cách bất bình đẳng vẫn tồn tại. Tôi lấy ví dụ như sau: Ở thập niên 90, nếu ai đó có điện thoại di động thì người đó phải giàu lắm, dù những chiếc điện thoại đó chỉ có chức năng đơn giản hơn cả một chiếc điện thoại phổ thông hiện nay. Nhưng nếu như bây giờ những người nghèo cũng đã có nhưng chiếc điện thoại tốt hơn thời kỳ đó thì không thể nói sự bất công trong xã hội đã giảm xuống đáng kể, vì bây giờ khi người nghèo có những chiếc điện thoại phổ thông thì những người giàu đã có những chiếc smartphone. Những tiện ích mà những chiếc điện thoại mang lại cho cả hai đều có nhưng người giàu nhận được nhiều tiện ích hơn, vì thế họ càng kiếm được nhiều tiền hơn nhờ chiến điện thoại thông minh hơn.
Như vậy Alan Phan nói cũng chẳng sai, thế giới này không phẳng như Friedman đã nói. Như vậy thì vấn đề mâu thuẫn giữa lập luận của họ là gì?
KV-KR:
Theo những phân tích ở trên thì tôi đã cho rằng cả Alan Phan và Thomas Friedman đều đúng nhưng đúng ở hai góc nhìn khác nhau và hai phạm vi khác nhau. Friedman nhìn ở khoảng cách xa, còn Alan Phan nhìn ở khoảng cách gần. Nếu bạn quan sát sao Kim từ Trái Đất thì bạn sẽ thấy một vì sao đẹp nhưng nếu bạn bay đến gần nó sẽ thấy một hành tinh chết, đó chính là hai phạm vi khác nhau của sự nhìn. Quan điểm của Friedman là quan điểm của một nhà nghiên cứu, có nghĩa là quan sát, chứng minh và kết luận. Còn quan điểm của Alan Phan là quan điểm của một doanh nhân, tức là một người thực nghiệm. Friedman đã cắt tỉa khu rừng kinh tế thế giới thành khu vườn Thế giới phẳng, còn Alan Phan là người thợ săn trong khu rừng kinh tế này. Chính vì thế mà họ đã đưa ra nhận xét của mình về thế giới kinh doanh như một chuyên gia, nhưng chỉ là chuyên gia trong phạm vi và góc nhìn của mình.
Tham khảo
Nhận xét
Đăng nhận xét