21. Phong cách Hàn và Phong cách Samsung
Có một số điều mà có lẽ
nhiều người chưa biết về Tập đoàn công nghệ của
Hàn Quốc này, tôi xin nêu ra như là lời mở đầu cho bài
viết về phong cách Samsung. Đầu tiên, bạn có biết danh
từ Cheabol [1] không? Đây là những “quả đấm thép”
mà người Hàn Quốc ca ngợi trong lĩnh vực kinh tế. Nó
chỉ các tập đoàn lớn, chiếm tỷ trọng cao trong nền
kinh tế của đất nước này. Ngoài Samsung còn có Huyndai,
LG, Deawoo cũng là những Cheabol. Vào thập niên 70, dưới
chế độ độc tài Park Chung Hee, Hàn Quốc đã thúc đẩy
sự hình thành những tập đoàn kinh tế khổng lồ dưới
sự hậu thuẫn của chính phủ để làm động lực phát
triển kinh tế. Những tập đoàn này là những con tàu to
lớn có thể vực dậy kinh tế ở đất nước đang phát
triển này, chúng cũng vươn ra ngoài để trở thành những
tập đoàn lớn trên thế giới. Đó chính là chìa khóa
cho sự phát triển thần kỳ của đất nước này trong
thời gian cuối thế kỷ trước. Và Samsung là một trong
số đó. Bạn có biết các Cheabol chiếm đến 40% GDP của
Hàn Quốc vào năm 2008 không? Trong số đó, Samsung chiếm
đến 20% xuất khẩu cả nước. Bạn có biêt Samsung có
sản xuất xe hơi không? Và bạn có biết tập đoàn này
lớn thứ mấy trên thế giới không? Samsung đứng thứ 21
trong 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới vào năm
2012 [2].
Tôi điểm qua một số đặc điểm
như vậy trước khi chúng ta tìm hiểu tại sao những
Cheabol này lại có thể làm được những điều thần kỳ
như Nhật Bản đã làm trước đó. Có những nguyên nhân
rất rõ ràng như là tinh thần thép của người Triều
Tiên sau chiến tranh, sự giúp đỡ của người Mỹ như
một đồng minh, tấm gương Nhật Bản trước đó. Nhưng
cũng có những nguyên nhân phía sau như là tham vọng nổi
bật của người Triều Tiên, trạng thái chiến tranh luôn
tồn tại khiến họ luôn phải sẵn sàng.
Sau đây tôi sẽ phân tích hai yếu
tố đặc trưng của người Hàn, đó là tinh thần dân tộc
và tham vọng nổi bật của họ. Kế đến tôi sẽ nêu ra
những khuyết điểm của những yếu tố đó khiến Hàn
Quốc nói chung và những quả đấm thép của họ không
thể dẫn đầu thế giới. Trong bài viết này, tôi lấy
Samsung làm ví dụ cho những phân tích của mình.
[1] Chaebol
Tinh thần Hàn
Nếu nhìn qua các sản phẩm công
nghệ của các hãng Hàn Quốc, chúng ta thấy chúng dường
như có một điểm chung, đó là chúng có thiên hướng nữ
tính, tức là đẹp và dễ thương hơn là lịch lãm. Đặc
tính này chứng tỏ người Hàn chú trọng cái đẹp, đôi
khi cũng hơi thái hóa. Tôi nhớ lại các điện thoại nắp
gập của Samsung trong quá khứ, chúng vừa có thiết kế
mềm mại bên ngoài và giao diện vui nhộn bên trong. Nếu
so với các máy Nokia cùng thời thì rõ ràng mọi người
cho rằng Samsung đang nhắm đến phái nữ là chủ yếu.
Nhưng bạn nên biết rằng người dân Hàn lại xài điện
thoại của các hãng trong nước là chủ yếu. Với họ
Samsung là số một, Pantech là số hai và số ba là LG. Điều
đó chứng tỏ người Hàn có tinh thân dân tộc rất cao,
vì ở một đất nước hội nhập như Hàn Quốc, những
nhãn hàng ngoại có thể xâm nhập dễ dàng nhưng lại
không thuyết phục được người dân. Nếu nói về chất
lượng thì các sản phẩm nội địa của họ cũng tốt
nhưng không phải là số một thế giới. Việc chú trọng
vào tiêu dùng nội địa cũng là một chính sách kinh tế
khôn ngoan của chính phủ, điều này thì họ cũng giống
với người Nhật, tức là củng cố nội lực.
Tôi có một người bạn là người
Hàn, khi tôi hỏi anh ta thích xài điện thoại của hãng
nào nhất thì anh ấy trả lời là Samsung, vì đó là điện
thoại tốt nhất thế giới, đồng thời anh ta cũng không
quên nói rằng mình rất ghét iPhone. Sự nhận xét không
được công bằng cho lắm của anh bạn này làm tôi thấy
thật khó thuyết phục anh ta rằng Samsung chỉ là số 2
thôi. Đối với lĩnh vực xe hơi thì cũng tương tự. Phần
lớn người dân điều sử dụng xe của các hãng trong
nước như Huyndai, Kia,... Đến đất nước này dường như
bạn sẽ thấy những nhãn hiệu lớn trên thế giới rất
ít xuất hiện trên đường phố. Có lẽ một phần cũng
vì chất lượng sản phẩm của người Hàn khá cao, những
sản phẩm ngoại cao cấp thì chỉ dành cho một số ít
người quá giàu có.
Tôi có nghe một số người sống
ở Hàn Quốc nói rằng nếu bạn đến đất nước này
thì bạn sẽ nhận được sự hiếu khách và thân thiện
như đến Nhật, nhưng nếu bạn muốn trở thành công dân
của họ thì bạn mãi mãi sẽ không được coi là người
Hàn Quốc mà chỉ như một người khách.
Cách đây vài năm khi Park Ji Sung
đến Việt Nam, anh ấy cũng chọn khách sạn Kumho làm chỗ
nghỉ chân [3]. Điều này dù không nói lên được nhiều,
nhưng nếu bạn để ý đến tính dân tộc cao của người
Hàn thì sẽ thấy nó không phải là một điều ngẫu
nhiên. Người Hàn đi đến đâu thì các dịch vụ như nhà
hàng, khách sạn, ngân hàng cũng đi theo.
Bạn có biết các CEO của
Samsung, LG, Huyndai luôn là người Hàn không? Nếu so với
người Nhật, thì người Hàn hơi dân tộc thái quá trong
vấn đề này. Sony, Toyota sẵn sàng mời một người nước
ngoài làm CEO cho họ, nhưng những tập đoàn Hàn Quốc thì
không bao giờ. Người Nhật có thể coi iPhone là số một
dù họ có nhiều cái tên khác không thua kém iPhone nếu
xét về mức độ phù hợp với người dùng Nhật. Nhưng
người Hàn thì rất ít người nghĩ như vậy.
Tham vọng nổi bật
Khi bài hát Gangnam Style nổi tiếng
khắp thế giới, tác giả của nó là anh Psy đã được
mời đến New York để biểu diễn và gặp gỡ Tổng Thư
ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon thì ông Tổng Thư ký nói
rằng ông không ngờ anh ta cũng là một người Hàn nổi
tiếng khắp thế giới, điều mà trước đây chỉ có ông
là làm được [4]. Sự nổi tiếng trên thế giới luôn là
ước mơ cháy bỏng của dân tộc này.
Nếu nhìn sang lĩnh vực giải
trí, chúng ta thấy thật lạ lùng là giới giải trí Hàn
Quốc có thể làm được điều mà nhiều quốc gia khác
không thể làm, đó là xuất khẩu Kpop và điện ảnh Hàn.
Đã từng có một phong trào gọi là Làn sóng Hàn Quốc
[5], nó là tạo ra một cuộc tiến công về văn hóa Hàn
ra khắp Châu Á. Với một đất nước có dân số vài
chục triệu dân, một nền văn hóa bị ảnh hưởng nặng
nề từ Trung Hoa, nhưng họ luôn muốn làm cho mình khác đi
và trở nên nổi bật. Đây cũng là điều đáng khâm phục
họ.
Cũng nói về lĩnh vực giải trí,
mọi người đều biết các nghệ sĩ Hàn đều phải sửa
sắc đẹp nếu muốn trở nên nổi tiếng. Từ diễn viên,
ca sĩ đến hoa hậu cũng làm tất. Không dừng lại đó,
những người dân thường cũng phải bám theo trào lưu
thẩm mỹ này, khi mà đất nước này chiếm tỷ trọng về
sửa sắc đẹp cao nhất thế giới. Tại sạo lại cần
phải có nhiều người đẹp như thế trong xã hội? Đơn
giản là người Hàn luôn muốn mình đẹp nhất trong mắt
người khác. Trở lại với anh bạn người Hàn của tôi,
anh ấy là một lập trình viên, có lần tôi hỏi ước mơ
của anh ấy là gì và nhận được câu trả lời là muốn
làm trong lĩnh vực giải trí. Lý do anh ấy đưa ra là muốn
được đẹp hơn và nổi tiếng hơn. Đó là một ước
muốn rất tự nhiên và phổ biến trong giới trẻ Hàn nếu
bạn tiếp xúc nhiều với họ.
Trở lại với Samsung, tôi đã
từng nói hãng này có một chiến lược kinh doanh khá kỳ
cục trong bài viết Thương vụ Motorola Mobility: ai được,
ai mất? [6]. Đó là
hãng này chú trọng quá nhiều đến martketing và doanh số,
thay vì cân bằng chúng với nghiên cứu công nghệ. Rõ
ràng Samsung đã thành công khi hất cẳng Nokia để trở
thành hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới,
nhưng không có nhiều người coi họ là hãng công nghệ
hàng đầu. Có lẽ sự ám ảnh của số 1 đã làm họ
quên đi chiến lược dài hạn. Dù rất cố gắng nhưng họ
vẫn được xem như những hãng công nghệ hạng hai, nếu
hạng nhất là các hãng Apple, Microsoft, Google, IBM, Intel. Sở
dĩ tôi nói như vậy vì tôi không xem trọng doanh số bán
hàng mà xem trọng sự sáng tạo công nghệ. Vì một hãng
công nghệ có tính sáng tạo tốt sẽ tồn tại qua nhiều
thời gian, chớ không vụt lên rồi tắt trong ngắn hạn.
Tôi cũng không nhắc đến Facebook vì hãng này chưa thể
đánh giá vào lúc này, bởi họ phải trải qua thời gian
bảo hòa của mạng xã hội, rồi tiến hóa thành một cái
gì khác thì mới có thể đánh giá được. Tương tự
những đánh giá đối với Samsung, tôi cho rằng những
hãng như LG, HTC, Asus, Acer, Lenovo cũng giống như vậy.
Riêng Sony, thì tôi cho rằng họ nằm ở giữa hai thứ
hạng này, bởi vì họ có PlayStation.
Các bạn còn nhớ scandal về việc
thay đổi cách thức hoạt động của smart-phone Samsung mỗi
khi chạy các chương trình benmark không? [7] Hay việc hãng
này bị cáo buộc thuê dịch vụ nói xấu đối thủ trên
mạng ở Đài Loan [8]. Mới đây nhất là việc marketing
trong chương trình trao giải Oscar 2014 [9]. Những việc đó
đã bị phanh phui trên báo chí, cho thấy Samsung đã đi quá
xa của việc marketing đối với một hãng lớn.
Trong email gửi đến toàn công
ty, chủ tịch Lee Kun Hee của Samsung viết:
“Chúng ta phải thay đổi một lần nữa, phải sáng
tạo hơn nữa để có thể dẫn đầu ngành” [10].
Tôi không hiểu hết sự thay đổi ở đây là gì, nhưng
tôi cho rằng cái thay đổi chính là chiến lược. Gia tăng
những công nghệ chiến lược thay vì chỉ cải tiến tính
ứng dụng của sản phẩm được coi như là một bước
đi khó khăn nhưng phải vượt qua.
Hạn chế tầm nhìn
Như tôi đã nói ở trên, sự
quan tâm những yếu tố bên ngoài có tính chất ngắn hạn
hơi thái quá của người Hàn đã khiến họ bị hạn chế
trong hòa nhập với quốc tế, đặc biệt là tiếp thu
những cái mới. Quan tâm quá nhiều đến hình ảnh của
mình là không lo phát triển cái bên trong là cách làm
không bền vững. Đến khi nào Samsung thôi không sản xuất
hàng loạt sản phẩm ở đủ loại phân khúc, trên nhiều
lĩnh vực, thì lúc đó họ mới thực sự tạo nên những
sản phẩm đặc trưng của mình. Nếu quan sát cuộc chiến
của bản quyền của Apple và Samsung chúng ta sẽ thấy sự
yếu thế của hãng đến từ Hàn Quốc này. Họ luôn bám
đuổi theo Apple trên thị trường nhưng không thể tạo ra
sự khác biệt được thế giới tôn trọng.
Có lẽ bạn sẽ cho rằng tôi có
cái nhìn phiến diện khi chỉ lấy một vài ví dụ mà đưa
ra một kết luận lớn. Nhưng nếu bạn đã từng theo dõi
hay tiếp xúc với người Hàn thì có lẽ các bạn sẽ
đồng tình với tôi rằng có tồn tại một phong cách Hàn
rõ nét.
Tuy nhiên, nói một cách công bằng
thì các hãng công nghệ Châu Á đều là những hãng hạng
hai chớ không riêng gì các hãng của Hàn Quốc. Họ không
đi tiên phong trong Khoa học như các nước Âu-Mỹ thì họ
cũng không thể tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng
tôi nhìn thấy sự cởi mở của người Nhật, sự chấp
nhận của người Đài Loan, sự tham vọng của người
Trung Quốc nhưng tôi lại thấy sự hào nhoáng ở người
Hàn. Họ đã quá chú trọng đến vẻ đẹp và sự nổi
tiếng nhanh chóng mà quên rằng họ đang làm một việc
không có tính bền vững, đó là đầu tư vào marketing hơn
là chất lượng sản phẩm. Theo quan điểm của tôi thì
sản phẩm của Sony, HTC, Asus có chất lượng phần cứng
tốt hơn Samsung, LG. Nhưng họ lại không tạo ra những
công nghệ trang điểm chỉ để quảng cáo cho sản phẩm
như Samsung, LG. Những công nghệ quảng cáo đó chính là
những công nghệ được đưa lên sản phẩm mà có ít người
sử dụng nhưng lại được quảng bá rầm rộ khi ra mắt,
để rồi sau đó rất ít người sử dụng và nhớ đến
chúng. Đó là những thứ như S-Voice, Smart Stay, màn hình
cong của Galaxy Round, LG G Flex,... Rõ ràng những hãng như
Samsung, LG đang bị sự cạnh tranh lẫn nhau và cạnh tranh
với những hãng nước ngoài làm mờ mắt.
Tôi nghĩ rằng Samsung hoàn toàn
có đủ nguồn lực để có thể tạo ra mảnh đất riêng
của mình. Đầu tiên là họ nên quan tâm đến việc mua
một vài công ty khởi nghiệp ở Sillicon Valey, điều mà
các hãng Mỹ đang làm. Cách làm này giúp họ rút ngắn
con đường để vươn lên trong việc sáng tạo công nghệ.
Họ nên tập trung nhiều vào phần mềm nhiều hơn, nhường
lại việc sản xuất phần cứng cho các hãng Đài Loan và
Trung Quốc. Sau đây là một số đề nghị của tôi đối
với Samsung:
- Cắt giảm những bộ phận không cần thiết về sản xuất chip, panel màn hình, laptop,... mà chuyển sang nghiên cứu và phát triển những thứ này là chính.
- Thôi không sản xuất những thiết bị phổ thông mà tập trung với những sản phẩm cao cấp.
- Đẩy mạnh hợp tác với Microsoft để cân bằng với Google.
- Đẩy mạnh việc hoàn thành hệ điều hành Tizen hoặc hợp tác với Mozilla để phát triển Firefox OS.
- Đàm phán để mua lại trình duyệt Opera.
- Phát triển hệ điều hành Linux và sản xuất laptop cho giới developer.
- Ngoài lĩnh vực máy ảnh, TV, hãng nên tham gia vào thị trường thiết bị chơi game và có thể phát triển Tizen theo hướng tập trung cho các thiết bị này.
- Hợp nhất các bộ phận máy ảnh, TV, Mobile, thiết bị chơi game làm một và tập trung vào cách kết nối những thiết bị này.
- Tăng cường hợp tác với các nhóm nghiên cứu ở các Trường, Viện Đại học ở Mỹ và Châu Âu thay gì quá chú trọng vào những nhóm nghiên cứu nội bộ hay trong nước Hàn.
- Và cuối cùng, tôi cho rằng hơi điên rồ nhưng Samsung nên mua một hãng truyền thông như New York Times hay một hệ thống truyền hình có tính chất toàn cầu giống như Sky.
Nhưng khó thay đổi
Nếu dựa vào những phân tích
trên thì tôi cho rằng Samsung khó mà thay đổi những gì
hãng đang làm, vì dù sao thì hãng đang kiếm được nhiều
tiền và sự nổi tiếng từ nó. Nhưng nếu nhìn vào tấm
gương là Palm, Blackberry, Nokia thì sẽ thấy về lâu dài
hãng sẽ bị sụp đổ hay bị mua lại khi không có chiến
lược dài hạn. Như tôi đã nói ở trên, chiến lược ở
đây chính là làm chủ công nghệ có tính chiến lược
chớ không phải là sản xuất sản phẩm bán chạy. Cái
khó ở đây không phải Samsung không thể làm mà là họ
có chịu dừng lại và suy nghĩ hay không. Tôi trở lại
với ông Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki Moon, khi ông bắt đầu ra
tranh cử chức vụ này thì ông đã là một số ít những
nhà ngoại giao trên thế giới vào thời điểm đó muốn
nắm chức vụ này. Bởi vì các cường quốc và những
quốc gia to lớn khác không hề muốn đưa người ra tranh
cử. Việc làm cho người Hàn có thể nổi tiếng trên thế
giới đã khiến ông tham gia vào việc khó khăn này thay vì
tập trung cho giải pháp thống nhiên liên Triều. Ông ấy
đang đi khắp thế giới để nói về những vấn đề
toàn cầu nhưng lại đang làm con rối cho các cường quốc.
Ở vị trí này, ông ấy có giải quyết được gì cho vấn
đề giữa hai miền Triều Tiên. Bên cạnh đó, trong khi
giới giải trí Hàn cố gắng làm cho ngành công nghiệp
này nổi tiếng khắp Châu Á thì đã có hàng loạt những
vụ tự tử của diễn viên, nghệ sĩ Hàn do không chịu
nổi sự khắc nghiệt của tham vọng này. Trong khi người
Hàn đang muốn mình trở nên đẹp hơn bằng cách phẫu
thuật thẩm mỹ hàng loạt thì cũng có hàng loạt người
tự tử vì mình không đẹp nên không xin được việc hay
không thể đậu vào Đại học để có thể giàu có hơn.
Liệu có một đất nước phát triển nào mà áp lực vì
sự nổi tiếng và khát vọng lại khắc nghiệt đến thế
không? Như tôi đã nói về Samsung ở trên, người dân Hàn
đang bị che khuất tầm nhìn về một xã hội hạnh phúc
hơn, tốt đẹp hơn chớ không phải nổi tiếng hơn.
Chắc hẳn các bạn cũng thấy
phân vân là tôi đang nói đến các hãng công nghệ của
Hàn Quốc hay người dân Hàn Quốc? Tôi nói đến cả hai,
vì họ không thể bị tách rời ra được.
Nhận xét
Đăng nhận xét