9. Thương vụ Motorola Mobility: ai được, ai mất?

Google đã bán bộ phân Motorola Mobility cho hãng công nghệ Trung Quốc Lenovo, điều đó đã và đang thu hút sự chú ý của giới công nghệ trong thời gian gần đây. Để tìm hiểu rõ hơn về thương vụ mua bán này, bạn có thể xem những bài viết sau đây:

Sau thương vụ này, bên nào sẽ được lợi nhiều hơn và tác động của nó đối với những hãng công nghệ khác như thế nào? Có một điều là giới phân tích ít để ý đến cái tên Samsung trong khi đánh giá thương vụ này, trong khi đó những hãng như Apple hay Microsoft cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.



Những lợi ích Google và Lenovo sẽ có được sau thương vụ

Google mua Motorola Mobility (MM) vào thời điểm tăng tốc cho hệ điều hành Android trong cuộc chiến với iOS của Apple vào năm 2012. Họ đã có điều mình mong muốn là số bằng sáng chế của MM, một vũ khí chống lại xu hướng kiện tụng các hãng công nghệ ngày nay và củng cố niềm tin của các OEM vào Android. Tuy nhiên nếu chúng ta nhìn kỹ hơn thì sẽ có một số câu hỏi cần trả lời sau khi Google mua MM.
  1. Tại sao Google mua MM mà lại để MM hoạt động độc lập?
  2. Tại sao các máy Nexus không do MM sản xuất mà dành cho LG, Asus?
  3. Tại sao Google không sử dụng MM để trở thành một Apple thứ hai?
  4. Tại sao Google lại bán MM cho Lenovo, mà không phải hãng khác? 
Nếu trả lời được bốn câu hỏi trên thì chúng ta sẽ thấy được tính toán đằng sau thương vụ này của Google.

Câu hỏi 1: Trước hết chúng ta cần biết là Google không phải hãng kinh doanh thiết bị. Google là hãng kinh doanh “công nghệ chiến lược”, nghĩa là hãng sẽ tạo ra các công nghệ dẫn đầu và tạo điều kiện cho các hãng khác tham gia ứng dụng các công nghệ này để tạo ra sản phẩm. Về mặt này thì Google giống với Microsoft hơn Apple, nhưng hãng lại tập trung nghiên cứu công nghệ hơn tạo ra sản phẩm. Sau đó Google sẽ bán công nghệ của mình theo một cách thông minh, đó là tạo ra nền tảng để các hãng khác tạo ra sản phẩm trên đó. Google chỉ thu tiền các dịch vụ mà mình tạo ra. Làm cách này, Google sẽ không đầu tư vào tất cả các giai đoạn của các chuỗi sản xuất và cung ứng. Mà trái lại, hãng chỉ tập trung vào giai đoạn R&D, các hãng khác sẽ hưởng phần còn lại. Chính vì thế mà Google sẽ kéo theo một loạt các hãng phụ thuộc vào họ, bởi vì họ luôn nắm phần nền tảng. Android là một ví dụ.

Điều đó lý giải tại sao Google sẽ không tham gia trực tiếp vào các giai đoạn sau của quá trình tạo ra sản phẩm công nghệ. Cũng giống như Youtube, MM sẽ tự hoạt động và Google chỉ giám sát, quản lý chủ yếu ở tầng chiến lược. Google chỉ sử dụng MM như một công cụ theo mục tiêu chính của mình, tức là phục vụ cho chiến lược Android của Google. Vì thế mà hoạt động của MM chỉ ở mức chấp nhận được. Google cũng không muốn MM cạnh tranh với các hãng OEM khác của Android. Còn MM thì sẽ phải chấp nhận số phận con cờ của mình vì nếu không hãng cũng sẽ phá sản vào thời điểm đó.

Câu hỏi 2: Các máy Nexus là những sản phẩm demo, đồng thời cũng giúp Google điều chỉnh chiến lược của các hãng OEM. Google muốn có sản phẩm phần cứng để demo các phiên bản mới của Android. Nhưng trước khi mua MM, Google đã hợp tác với HTC, Asus, Samsung, LG để sản xuất các thiết bị demo này. Nếu sau khi mua MM, Google không tiếp tục với các hãng trên nữa thì sẽ gây lo ngại cho các OEM nói chung là Google thiên vị MM. Trong khi đó, Google lại không quan tâm lắm đến lợi nhuận từ MM, chủ yếu là tránh thua lỗ quá nhiều. MM đã được sử dụng như một phòng thí nghiệm công nghệ của Google.

Câu hỏi 3: Như những phân tích trong bài viết Tham vọng của Google [1], rõ rãng chiến lược phát triển của Google và Apple khác nhau nhiều. Một hãng kinh doanh chiến lược công nghệ, một hãng kinh doanh sản phẩm công nghệ. Trong phỏng vấn gần đây của WSJ đối với Tim Cook [2], chúng ta thấy Tim cho rằng Google đã sáng suốt khi bán MM, vì ông cho rằng một hãng vừa kinh doanh phần cứng và phần mềm là vô cùng khó khăn, điều mà chỉ Apple mới làm được. Tôi cho rằng Cook đã đánh giá không chính xác chiến lược của Google. Trên con đường phát triển của mình, Google sẽ sử dụng rất nhiều phép thử, việc mua MM cũng là một phần của phép thử này. Những phép thử để hoạch định con đường phát triển tiếp theo. Công thức của Google cũng giống như công thức của nước Mỹ, không có một chiến lược bất di bất dịch, học thuyết của họ chính là chấp nhận thay đổi và tiến lên. Vì thế có thể nói chiến lược của Google rất đơn giản, đó là chiến lược xây dựng chiến lược.

Câu hỏi 4: Nếu không phải là Lenovo thì hãng nào có thể mua lại MM có lợi nhất cho Google. MM là một bộ phận thiết bị, Apple không cần nó vì họ đã có rồi, Microsoft đã có Nokia, Blackberry đang gặp khó khăn và đang chuyển hướng từ bỏ sản xuất thiết bị, các hãng OEM khác như Samsung, LG, Sony, HTC, Asus đều là các OEM. Như vậy thì chỉ có Lenovo mới cần khi mà bộ phận thiết bị của họ kém nhất, và họ đang có tham vọng bước vào sân chơi smartphone toàn cầu. Tại sao Lenovo có thể mang nhiều lợi ích nhất cho Google? Đó là từ việc Google sẽ sở hữu một phần số sổ phiếu của Lenovo. Google đã từng thất bại ở Trung Quốc khi đưa dịch vụ tìm kiếm của mình đến đây, nên Lenovo sẽ là một phép thử cho một cách tiếp cận khác. Ngoài ra, bán MM cho Lenovo cũng là để đưa Lenovo lên vũ đài thế giới, cũng là để biến hãng này thành một hãng phụ thuộc mới của mình. Tiếp đến, Lenovo sẽ là vũ khí răn đe Samsung. Tôi sẽ nói rõ hơn điều này ở phần sau. 

Nhìn lại bốn câu hỏi trên, chúng ta sẽ không thắc mắc nữa về lợi ích của Google trong thương vụ này. Nhưng Lenovo thì sao, họ sẽ được gì?

Sau khi thành công với thương vụ mua lại bộ phận PC của IBM, để sau đó đưa Lenovo trở thành nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới, giờ Lenovo muốn lặp lại với MM. Cái được nhất của Lenovo chính là đưa thương hiệu smartphone của họ đến với Bắc Mỹ, nơi là thị trường smartphone khổng lồ. Thành công ở khu vực này thì có nghĩa Lenovo đã trở thành hãng smartphone toàn cầu. Để làm được điều này, Lenovo cần công nghệ và thương hiệu của MM, cần sự hậu thuẫn của Google. Và sau thương vụ này, họ đã có chúng.

Hãng công nghệ này cũng như cái vòi bạch tuột của Trung Quốc, vươn xa và hút. Khi Lenovo đến Bắc Mỹ, cũng đồng nghĩa họ sẽ cạnh tranh trực tiếp trên sân nhà của các hãng công nghệ Mỹ. Khi đã có thị phần đáng kể, và khi đó có thể thời gian liên kết với Google sẽ hết, họ sẽ chơi với cả Android và Windows Phone, cuộc chiến tiếp theo là với Samsung và Apple.



Cái tên Samsung

Hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới lại không bị ảnh hưởng của thương vụ MM sao? Chắc chắn là có. Samsung đang làm mưa làm gió trên thị trường smartphone với chiến lược kinh doanh khá kỳ cục của mình. Đó là tập trung vào marketing hơn là tập trung vào công nghệ. Dù sao, trong ngắn hạn, họ đã thành công. Họ đang dần thể hiện quyền lực ngược lại với Google khi họ là nhà sản xuất chủ đạo cho Android. Bây giờ, Lenovo sẽ là một đối trọng tuyệt vời cho Samsung. Google sẽ góp phần đưa Lenovo cạnh tranh trực tiếp với Samsung, phân tán sức mạnh của Samsung. Có một điều hơi lạ là Google sẽ không muốn Apple chết. Đơn giản vì khi Apple chết, thị trường công nghệ sẽ thụt lùi đáng kể, các hãng OEM sẽ được lợi nhiều nhưng Google sẽ trở thành độc quyền và sẽ bị giới chính trị Mỹ và Châu Âu chú ý. Trong tương lai, Samsung sẽ phải chiến đấu trong nội bộ Android và tiếp tục chiến đấu với Apple, Microsoft. Sam đã nhận thấy số phận của mình nên đang tìm hướng phát triển mới như việc tạo ra hệ điều hành di động mới (Tizen), tập trung vào công nghệ hơn và quan tâm đến trải nghiệm người dùng hơn. Nhưng có lẽ khi Lenovo đến, mọi việc với Samsung sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Chính Google đã đá Samsung một cú thật đau.

Apple lo ngại, Microsoft thận trọng

Nếu Tim Cook vui mừng khi Google bán MM cho Lenovo thì có thể ông sẽ sai lầm. Bởi vì Cook nên lo ngại mới đúng. Việc Lenovo đến Bắc Mỹ, Goolge vào Trung Quốc thì đều ảnh hường trực tiếp đến Apple. Trong khi Apple mới đạt được thỏa thuận phân phối Iphone ở thị trường Trung Quốc với China Mobile [3] thì việc Google hiện diện ở Trung Quốc khi liên kết với Lenovo là hai bước đi song hành. Mặt khác, Lenovo đến Bắc Mỹ sẽ xuất hiện thêm đối thủ cho Iphone trên chính sân nhà của mình. Như tôi đã nói ở trên, có thể Samsung mới là hãng bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng Apple cũng không tránh khỏi.

Nhìn cuộc chiến giữa Android và iOS chắc hẳn Microsoft đang “ngọa sơn xem hổ đấu”. Khi thương vụ mua Nokia hoàn tất [4] thì Microsoft sẽ có vũ khí để chiến đấu tiếp tục. Tuy nhiên, cách Microsoft thực hiện sẽ không giống Android, nghĩa là hãng sẽ không để sự phân mảnh phần mềm xảy ra và sẽ kiểm soát các OEM chặt chẽ hơn. Microsoft sẽ không chiếm quá nhiều thị phần nhưng có đủ để đưa Windows Phone trở nên phổ biến trước khi hợp nhất với hệ điều hành Windows trên PC, tablet. Chính vì thế hãng sẽ thận trọng xem Lenovo, Samsung, Apple chiến đấu thế nào, rồi sẽ kéo các Lenovo và Samsung vào Windows Phone.


Cục diện mới trên thị trường công nghệ

Nếu Lenovo thành công thì một cục diện mới trên thị trường công nghệ sẽ xuất hiện. Đó có thể là sự suy yếu của Samsung, Apple, cùng với sự mạnh lên của Microsoft. Thị phần Iphone sẽ suy giảm nhiều, còn thị phần Android sẽ giảm ít hơn, các OEM sẽ tham gia vào Windows Phone và sẽ khiến thị phần của hệ điều hành tăng đáng kế.

Nếu Lenovo thất bại, cục diện sẽ ổn định trong thời gian dài trước khi Microsoft thành công.

Nhận xét