32. KV-KR: Thần tượng và người hâm mộ

Bạn có từng thần tượng một ai chưa? Nếu có thì thần tượng của bạn có còn được bạn thần tượng đến ngày hôm nay không? Đã bao giờ bạn phát hiện ra thần tượng của mình trở nên rất tầm thường hay mình đã thần tượng một người không xứng đáng?

Trong bài viết này tác giả muốn lý giải cái cách mà chúng ta thần tượng một người cũng như cái cách mà chúng ta trở thành một người hâm mộ một người hay một sự vật nào đó. Những chủ đề này có thể rất tầm thường đối với những học giả nên ít thấy họ lý giải nhưng nó lại là hiện tượng rất phổ biến trong xã hội của chúng ta, đặc biệt là hiện nay.


Tác giả nhận thấy mỗi người chúng ta luôn có xu hướng tiến đến sự hoàn hảo nên đôi khi chúng ta cường điệu những sự kiện để đạt được mục đích đó. Khi chúng ta thương mến một người nào đó, chúng luôn có cái nhìn có xu hướng tốt hơn cho người đó, và ngược lại khi chúng ta ghét ai đó chúng ta cũng phóng đại những cái xấu của họ. Sự mong muốn có sự hoàn hảo có thể xuất phát từ sự mong muốn phát triển bản thân và phát triển xã hội. Từ đó nó có thể đã trở thành định kiến của xã hội mà chúng ta đang sống. Ví dụ như việc đề cao một người nam giới phải có sự mạnh mẽ để gánh vác công việc gia đình có thể khiến những bạn nam luôn muốn thể hiện sự mạnh mẽ của mình trước người khác, đặc biệt là phái nữ. Và đôi khi chúng ta đã vượt qua thực tế là chúng ta không mạnh mẽ như vậy để chứng tỏ bản thân mình.

Ngoài ra, tác giả còn nhận thấy rằng do chúng ta thường hay căn cứ vào những sự lựa chọn của những người xung quanh để đưa ra sự lựa chọn cho chính mình nên đôi khi chúng ta lại góp phần làm gia tăng cường độ của sự việc được lựa chọn. Ví dụ như việc một người đứng trước việc nên chọn điện thoại nào để mua thì chúng ta thường hay lựa chọn những thương hiệu phổ biến nhất trong tầm giá mà chúng ta có thể mua được. Mà sự phổ biến của một thương hiệu nào đó là do có một số người đã lựa chọn nó dựa trên lựa chọn của những người đi trước. Những người đi trước cũng làm tương tự như chúng ta làm lúc này, nghĩa là lại dựa trên sự lựa chọn của những đi trước nữa. Tất nhiên là có những người khác đã lựa chọn thương hiệu điện thoại đó dựa trên sự hiểu biết về nó hoặc bị tác động bởi các chiến lược quảng cảo hay cách thức bán hàng của các công ty. Như vậy sự lựa chọn của chúng ta dù chủ động hay bị động cũng đã góp phần làm nên sự phổ biến của thương hiệu đó, và khi đó chính công ty sở hữu thương hiệu đó sẽ có nhiều tiền từ việc bán được nhiều sảng phẩm để có thể tái đầu tư vào sản phẩm và quảng cáo để lại gia tăng doanh số bán hàng. Có thể theo thời gian, những thương hiệu chúng ta từng lựa chọn không còn đảm bảo chất lượng hàng đầu nữa vì nhiều nguyên nhân, chúng ta lại tiếp xem xét những thương hiệu khác. Việc lựa chọn một thương hiệu nào đó để mua một cách chủ động của chúng ta luôn có việc xem xét đến sự phổ biến của thương hiệu đó, có nghĩa là cũng căn cứ vào sự lựa chọn của những người khác.

Khi các bạn chứng kiến một thiếu niên Việt Nam hôn lên chiếc ghế của một ca sĩ Kpop khi anh ta đã đi khỏi đó thì chắc các bạn sẽ cảm thấy khó chịu cho cái cách hâm mộ của thiếu niên đó. Hay khi thấy một bạn nữ đã khóc nức nở khi nghe tin thần tượng của mình là một cầu thủ bóng đá ở giải Ngoại hạng Anh chuẩn bị lấy vợ chắc các bạn sẽ thấy thật tức cười. Tác giả đã có dịp xem cả hai thông tin trên trên báo chí và đặc biệt đã nghe tiếng khóc của bạn nữ qua Radio trong một chuyên mục tâm sự trên đài.

Khi bạn hâm mộ ai đó thì chuyện đó cũng bình thường, nhưng nếu các bạn có thể gia tăng cường độ của sự hâm mộ như những ví dụ trên thì có lẽ các bạn đã vượt qua thực tế, xa rời bản chất tự nhiên của những đối tượng mà mình hâm mộ. Các bạn đã xây dựng thần tượng của mình bằng chính xu hướng hoàn hảo và bị tâm lý đám đông thúc đẩy để biến việc hâm mộ thành việc tôn thờ. Các bạn đã gia tăng những cái tốt của những thần tượng của mình đến mức cực điểm và không muốn nhìn thấy cái xấu của họ nữa. Lúc này thần tượng của bạn đã thoát lý khỏi người thật và trở thành nên rất trừu tượng. Hình ảnh của họ trong lòng bạn đã trở nên mâu thuẫn với thực tế của họ, bởi vị sự hoàn hảo mà bạn mong muốn ở họ đã mâu thuẫn với con người họ. Sự mâu thuẫn này nảy sinh là vì sự hoàn hảo là một sự mẫu thuẫn trong tự nhiên.

Trong tự nhiên, không có gì là hoàn hảo như mong muốn của con người. Bạn muốn một người bạn gái thật hoàn hảo là bạn đang mâu thuẫn với chính mình, vì nếu có người như bạn muốn thì người đó sẽ không tồn tại, ít nhất là bên cạnh bạn. Bởi vì nếu sự hoàn hảo do bạn đặt ra thì nó có thể không hoàn hảo với những người khác nên sẽ không được nhiều người công nhận, hoặc nếu sự hoàn hảo đó được nhiều người chấp nhận thì chắc hẳn bạn sẽ phải là người tài giỏi và tốt đẹp lắm để có người đó làm bạn gái của mình. Nếu bạn thật sự tài giỏi hơn những người khác thì chắc hẳn sự hoàn hảo mà bạn mong muốn cũng khác những người tệ hơn bạn. Lập luận này chỉ để cho bạn thấy rằng tự nhiên vô cùng đa dạng và cũng vô định đối với chúng ta. Chúng ta chỉ nhìn thấy những gì mà trong đó một phần là chúng ta muốn thấy như thế. Vì vậy mà người bạn gái mà chúng ta thấy phù hợp với mình thì sẽ hoàn hảo với chính mình.

Nếu như Đức Phật là thần tượng của những tín đồ Phật Giáo thì chúa Jesu sẽ không phải thần tượng của họ, mặc dù hai vị có nhiều điểm tương đồng, đến nỗi có thể hiểu là một. Những tín đồ trong các tôn giáo thường gia tăng sự hoàn hảo cho các vị đứng đầu tôn giáo để thu hút thêm tín đồ cho tôn giáo mình. Nếu không xét mục đích tốt đẹp của họ ở đây thì chúng ta có thể so sánh việc một người quỳ lại Đức Phật với người thiếu niên đã hôn chiếc ghế của thần tượng. Như vậy, việc tôn thờ thần tượng của mỗi người chỉ nên được xem xét dựa trên mục đích của họ?

Mục đích của mỗi người hay mỗi cộng đồng vô cùng đa dạng, nếu chúng ta chỉ chấp nhận những mục đích chung cao cả và bài trừ những mục đích cá nhân thì liệu chúng ta có phải đang là người phán xét?

Bây giờ chúng ta hãy xem xét việc thần tượng một người mà những người thần tượng họ cho là vì mục đích cao cả, vị thần tượng đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta. Đã qua bao thế hệ các đảng viên Cộng sản, họ luôn gia tăng tấm lòng yêu nước, yêu dân tộc, sự tài trí một cách phi thường, một tấm gương đạo đức sáng người đến nỗi không có một vết xấu xa nào đối với vị lãnh tụ của Đảng Cộng sản. Họ đã xây dựng nên một thần tượng với tầm vóc bao trùm cả dân tộc qua thời gian và có thể sẽ là mãi mãi. Mục đích của họ có thể coi là cao cả như là để giữ sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, mà theo họ thì sự lãnh đạo của Đảng chính là sự đảm bảo cho sự yên bình của người dân. Nhưng thực tế thì mục đích đó có thật sự cao cả hay không phụ thuộc vào việc mục đích họ đề ra có đúng hay không?

Cái mâu thuẫn ở đây chính là sự tồn tại của mục đích qua thời gian thì nó có còn giữ được tính đúng đắn của nó không? Nếu chúng ta cho rằng mục đích được đề ra sẽ đúng đắn mãi theo thời gian là chúng ta đã phủ nhận sự phát triển của tự nhiên. Sự biến đổi của tự nhiên khiến cho hành động của chúng ta cũng phải biến đổi cho phù hợp, hành động biến đổi thì sẽ tạo ra những mục đích mới. Chúng ta buộc phải bám theo sự vận hành của tự nhiên vì chúng ta là một phần trong nó, vì thế không thể đưa con người vượt ra ngoài khuôn khổ để trở nên siêu nhiên được. Vì sao? Tác giả xin trả lời câu hỏi này trong một bài viết khác về chủ đề tự nhiên và khoa học.

Với những phân tích trên thì việc tạo ra một thần tượng để thu hút người hâm mộ là vì một mục đích chung cao cả hay chỉ vì mục đích riêng của một cá nhân hay tập thể nào đó có thể dẫn đến mâu thuẫn theo thời gian. Bởi vì những thần tượng đó được xây dựng dựa trên sự hoàn hảo mà con người luôn hướng tới nhưng sẽ không bao giờ đạt được. Ông Hồ Chí Minh hay Đức Phật chỉ là những thần tượng của một số người chứ không phải tất cả, và họ chỉ nên tồn tại trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định chớ không phải là mãi mãi, đến một lúc nào đó nên để họ trở thành những con người của lịch sử. Ví dụ như trường hợp của ông Hồ Chí Minh, ông ấy là lãnh tụ của Đảng Cộng sản, ông ấy có vai trò lịch sử trong việc giành độc lập cho Việt Nam trong quá khứ, nhưng hiện nay chủ nghĩa Cộng sản đã bộc lộ nhiều khuyết điểm qua thời gian và nó không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay thì cũng nên để ông ấy ở lại trong lịch sử của Đảng Cộng sản và của dân tộc. Những người theo lý tưởng Cộng sản có thể thần tượng ông Hồ Chí Minh nhưng phần còn lại thì họ có thể có những thần tượng khác. Nếu Đảng Cộng sản có thể biến đổi để thích nghi với thời đại hiện nay thì những gì họ phải làm là thay đổi chủ thuyết của họ, như vậy cái gọi là Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ lùi về quá khứ. Sự níu kéo một thần tượng theo thời gian khi hoàn cảnh đã thay đổi có thể dẫn đến mâu thuẫn nội tại và cả mâu thuẫn bên ngoài Đảng Cộng sản. Mâu thuẫn nội tại hiện nay là những Đảng viên Cộng sản không còn sống theo lý tưởng Cộng sản nữa, mà họ đang sống vì chủ nghĩa cá nhân. Mâu thuẫn bên ngoài là sự khác biệt của hệ thống chính trị và kinh tế ở Việt Nam so với phần lớn thế giới đã biến Việt Nam thành một trong một số ít trường hợp ngoại lệ trên chính trường Quốc tế, nó gây khó khăn cho sự phát triển đất nước. 

Đối với trường hợp của Đức Phật thì có thể do Triết lý Phật giáo có tính bao quát rộng lớn hơn lý thuyết Cộng sản nên thời gian tồn tại của thần tượng của họ cũng dài hơn nhiều. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, khi mà sự phát triển của các hình thái kinh tế xã hội tương đối bền vững, thì Triết lý nhà Phật dường như sẽ giậm chân tại chỗ trước khi suy sụp hay biến đổi sang hình thái khác phù hợp hơn. Có thể có nhiều bạn sẽ phản bác rằng hiện nay có nhiều người tu hành hơn trước thì Phật giáo sẽ càng ngày phát triển hơn trước mới đúng? Hiện nay có nhiều người tu hành nhưng phần lớn họ chỉ nương nhờ Phật giáo để có phương hướng cho cuộc sống, phần lớn họ không hiểu dù là chút ít Triết lý của Đức Phật, họ chỉ coi Ngài là thần tượng chớ không phải là người Thầy. Nếu tất cả họ đều thực hành đúng theo hướng của Triết lý Phật giáo thì chắc họ sẽ bị diệt vong, trước hết bởi đồng loại và sau là bởi các loài khác. 

Những phân tích trên cho chúng ta thấy là những thần tượng chỉ là những khu vườn đẹp đẽ mà con người mong muốn có, nhưng cho dù cố gắng chăm sóc đến đâu thì khu vườn đẹp cho sẽ có ngày tàn úa, và rồi phải thay bằng một khu vườn mới. Tác giả chỉ không hiểu là tại sao chúng ta không thấy được vẻ đẹp của một khu rừng, nơi mà không có những thần tượng nhưng lại có những cá thể đơn lẻ cũng xinh đẹp và vượt trội hơn những cá thể còn lại, chúng ta không cần tốn công chăm sóc, những cá thể đó cũng sẽ giống như chúng ta, sinh ra-phát triển-chết đi. Tại sao chúng ta mong chờ sự vĩnh hằng của những thần tượng trong khi chúng ta thì không thể sống mãi để chiêm ngưỡng những thần tượng ấy. Hãy sống trong rừng để có thể nhìn thấy vẻ đẹp của tự nhiên hơn là sống trong vườn chỉ để nhìn thấy vẻ đẹp do mình tạo ra.

Nhận xét