31. KV-KR: Đạo đức và tri thức

Chúng ta cần có đạo đức, chúng ta cũng cần có tri thức để trở nên hoàn thiện tính người của chúng ta. Nhưng đạo đức và tri thức có đi đôi với nhau không? Nghĩa là càng có nhiều đạo đức, chúng ta càng có nhiều tri thức và ngược lại? Hoặc là càng có nhiều tri thức chúng ta càng hiểu rõ những giá trị của đạo đức và ngược lại? Có lẽ có nhiều người trong chúng ta sẽ trả lời những câu hỏi trên một cách nhanh chóng, nhưng chúng ta chỉ có thể giải thích những câu trả lời đó dựa trên những ví dụ thực tế mà ít suy luận ra chúng. Trong bài viết này, tác giả mong muốn trình bày một cách suy luận để trả lời những câu hỏi trên.

Tác giả sẽ không bắt đầu bằng cách định nghĩa đạo đức là gì và tri thức là gì? Bởi vì chính tác giả cũng không hiểu hết những khái niệm này một cách đầy đủ. 

Chúng ta chỉ biết đạo đức là những thể hiện, những hành động mà đa số mọi người trong cộng đồng chúng ta đang sống cho là đúng và đánh giá cao tấm lòng của chúng ta đối với người khác hay loài vật khác. Chúng ta biết thương yêu gia đình, nhưng chúng ta không đối xử tốt với người khác thì có coi là đạo đức không? Chúng ta yêu đất nước chúng ta nhưng thù ghét đất nước khác thì chúng ta chỉ được coi là có đạo đức trên đất nước của mình, trong cộng đồng của mình. Như vậy muốn có đạo đức nhiều hơn chúng ta phải có tinh thần quốc tế hơn, nghĩa là phải có đạo đức quốc tế. Nói như thế thì chúng ta có thể liên hệ với tinh thần đạo đức của các cộng đồng tôn giáo, bởi vì một tôn giáo thì có nhiều dân tộc khác nhau cùng theo. Nhưng chúng ta lại phải phân biệt đạo đức của tôn giáo này với tôn giáo khác. Phật giáo xem con vật cũng như con người, còn những tôn giáo khác có thể không như vậy. Việc biết giúp đỡ những người nghèo khó là việc làm có đạo đức, hầu như mọi dân tộc, mọi tôn giáo đều đề cao hành động này. Nhưng nếu chúng ta có nhiều tiền, chúng ta nên giúp người trong cộng đồng mình trước hay cộng đồng khác trước? Chắc hẳn chúng ta sẽ giúp những người cùng dân tộc, cùng tôn giáo trước phải không? Có lẽ chúng ta cho rằng giúp những người xung quanh thì dễ hơn nhưng người ở xa. Nhưng nếu các bạn đều biết đa số dân Châu Phi đang đói khổ, có thể chết vì đói, trong khi dân Châu Á thì phần lớn không chết vì đói thì bạn có nên quan tâm đến dân Châu Phi hơn không? Quả thật những hành động mang tính đạo đức của chúng ta từ xưa đến nay không thể hiện một định nghĩa đạo đức như chúng ta vẫn nghĩ. Nếu người giàu bớt hưởng thụ thì người nghèo sẽ bớt chết đói, nhưng chúng ta cũng không thể để người giàu làm việc để nuôi người nghèo. Nếu xét sự giàu có của một cộng đồng hay một quốc gia thì có sự giàu nghèo hội tụ, nhưng xét từng cá nhân riêng rẽ thì trong cộng đồng giàu có cũng có người nghèo, và ngược lại. Như vậy nếu lấy của cộng đồng giàu có đem chia cho cộng đồng nghèo khó thì vô tình cũng lấy của người nghèo trong cộng đồng giàu chia cho người giàu trong cộng đồng nghèo. Như vậy để đơn giản hơn thì người giàu trong cộng đồng giàu nên giúp người nghèo trong cộng đồng mình, tương tự thì người giàu trong cộng đồng nghèo chỉ nên giúp người nghèo trong cộng đồng của mình. Khi đó người giàu trong cộng đồng giàu có thể giúp thêm cho người nghèo trong cộng đồng nghèo một cách đơn lẻ. Như vậy hành động có đạo đức mang tính hiệu quả hơn, phải không?

Vấn đề nảy sinh ở đây là tính hiệu quả của hành động đạo đức. Như vậy chúng ta có thể thể hiện đạo đức của chúng ta nhưng tốt hơn là làm cho nó hiệu quả. Muốn làm việc gì đó hiệu quả thì chúng ta phải hiểu và có phương pháp. Điều này đang dẫn chúng ta đến việc chúng ta cần phải có tri thức thì chúng ta mởi hiểu và làm việc có phương pháp. Các bạn nên nhớ tri thức không chỉ là những thứ chúng ta được dạy ở nhà trường mà nó có thể đến với chúng ta từ thực tế cuộc sống, từ việc nghiên cứu, học hỏi từ những người khác. Vậy thì nếu chúng ta có nhiều tri thức thì sẽ thực hiện hành động đạo đức tốt hơn chăng? 

Câu hỏi nảy sinh ở đây chính là tri thức có thể nâng cao tính hiểu quả của hành động đạo đức thì nó có thể làm thế với hành động không đạo đức không? Câu trả lời chắc hẳn là có rồi. Trong xã hội của loài người có sẵn mọi cung bậc của đạo đức chứ không chỉ có hai loại là đạo đức và không đạo đức, có đạo đức nhiều-ít, có không đạo đức nhiều-ít. Chính vì thế mà sự bổ sung tri thức có thể làm gia tăng những cung bậc khác nhau, và cũng có thể làm gia tăng cái này và giảm cái kia. Ví dụ như người xấu được tri thức cải tạo để tốt hơn, tức là ít xấu đi. Hoặc cũng có thể người xấu có thêm tri thức sẽ làm việc xấu hiệu quả hơn. Chúng ta có thể lấy Hitler làm ví dụ, nếu không phải là một kẻ có tài năng và lý luận tuyệt vời thì hẳn ông ấy sẽ không thể đưa cả dân tộc Đức thành Đế Quốc Quốc Xã được. 

Vậy thì cái hỗn hợp đạo đức - tri thức có thể tạo ra bất kỳ cái gì, tùy theo bản chất thành phần nguyên liệu, đạo đức và tri thức nhiều hay ít, có hoàn cảnh đóng vai trò là xúc tát xấu hay tốt. Như vậy, việc gia tăng tri thức của nhân loại không có nghĩa sẽ mang đến nhiều hành động tốt đẹp hơn cho chúng ta, nếu xét về tính toàn thể. Nhưng trong một cộng đồng rất nhỏ, khi mà chúng ta có thể nhận biết và kiểm soát được thì chúng ta có thể gia tăng tri thức cho những người tốt, kiềm hãm tri thức của người xấu để cải tạo họ. Nhưng việc giới hạn trong một cộng đồng nhỏ thì chúng ta sẽ gặp lại vấn đề ở trên, đó chính là hành động đạo đức của chúng ta sẽ chỉ là đạo đức trong cộng đồng chúng ta mà thôi, nó có thể không còn là đạo đức nếu chúng ta xét rộng hơn, giống như việc chúng ta yêu loài thỏ, nhưng chúng ta sẽ ghét loài cáo chẳng hạn vì nó ăn thịt thỏ. 

Bây giờ thì chúng ta lại quay lại từ đầu, để có thể có hành động đạo đức nhất thì chúng ta phải hiểu đạo đức ở thang rộng lớn hơn, nhưng như thế thì việc thực hiện hành động đạo đức đó có thể vượt khỏi khả năng của chúng ta hoặc cộng đồng chúng ta đang sống, như việc tại sao chúng ta không cứu đói cho những người Châu Phi trước. Lúc này chúng ta lại cần những người có đạo đức và tri thức để có thể làm những việc như thế một cách hiệu quả, ví dụ như các tổ chức từ thiện quốc tế hay những tổ chức như Liên Hiệp Quốc. Họ sẽ mang tiền của những nước giàu đến cho những người nghèo của những nước nghèo. Bên cạnh đó thì có những người có tri thức nhưng không có đạo đức như những chính phủ độc tài, tham nhũng của những nước nghèo lại đang vơ vét miếng ăn của người dân họ. Đó là những người chúng ta mong muốn họ không có tri thức thì tốt hơn.

Sự đa dạng của của mọi cung bậc đạo đức và tri thức chính là sự hỗn độn của tự nhiên, chúng ta mong muốn tạo ra những khu rừng tươi đẹp là những cộng đồng nhỏ có đạo đức và tri thức có thể kiểm soát được. Nhưng hành động của chúng ta có thể vi phạm đạo đức ở phạm vi rộng lớn hơn. Ví dụ cho ý kiến này chính là nỗi buồn của tác giả bài viết này. Từ tư liệu lịch sử về thảm họa thuyền nhân Việt Nam, tác giả được biết rằng vị Thủ tướng huyền thoại của Singapore đã từ chối tiếp nhận những thuyền nhân Việt Nam chỉ vì muốn bảo vệ sự ổn định và thịnh vượng của đất nước ông ấy [1]. Ông ấy rất có ơn với người dân Singapore nhưng ông ấy cũng có tội với người Việt Nam nếu chúng ta muốn xét về hành động đạo đức của ông ấy. Nếu như ông ấy lấy bớt sự thịnh vượng của Singapore để cứu thêm người Việt thì hành động đó sẽ có đạo đức hơn, và bây giờ đất nước ông ấy sẽ không cần nhiều lao động nhập cư như hiện nay. Đấy chính là bi kịch của những khu vườn tươi đẹp, đến một lúc sẽ dẫn đến khủng hoảng nếu những sinh vật trong nó tách rời với những sinh vật bên ngoài của khu rừng rộng lớn hơn. Đó cũng chính làm tham vọng của con người khi luôn mong muốn sự hoàn hảo ở mức cao nhất có thể, điều đó sẽ phá vỡ sự bền vững của chúng ta. Hãy chấp nhận sự hỗn độn để tồn tại bền vững hơn.

[1] Lý Quang Diệu với thuyền nhân Việt Nam

Nhận xét