28. Sự lấn sân của Facebook

Facebook là mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay với hơn 1 tỷ người dùng, song song với quy mô lớn đó là lượng thông tin người dùng khổng lồ và có chất lượng về mặt dữ liệu. Nếu mỗi người dùng tạo ra một trang cá nhân như một trang web thì lượng thông tin mà họ cung cấp cho Facebook. Bên cạnh đó, mỗi công ty, tổ chức cũng tạo ra những trang cá nhân trên Facebook thì trang web của họ liệu có cần thiết như trước đây? Khi đó, thay vì mở Google lên và search thông tin về công ty, tổ chức đó thì người dùng đã có thể search thông tin đó trên Facebook và theo dõi bằng cách like hay follow để kết nối thông tin một cách liên tục, tương tác với họ, xem các bình luận về họ từ những người dùng khác. Khi tất cả những cá nhân, công ty, tổ chức đều có trang Facebook và cung cấp thông tin chính xác hơn (vì quyền lợi của họ) thì liệu chúng ta có cần Google như hiện nay? Tôi nhận thấy sự tiến hóa tiếp theo của Facebook chính là thay đổi cách chúng ta tìm kiếm thông tin trên Internet, đó là việc thay vì chúng ta tìm kiếm thông tin trong một lượng thông tin khổng lồ trên Google thì chúng ta sẽ dùng Facebook để tìm kiếm thông tin cùng với thông tin về người cung cấp thông tin đó. Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích về những bước đi đầu tiên của Facebook trong việc tạo ra một nền tảng cung cấp thông tin xác thực hơn Google, bên cạnh những đặc tính của một mạng xã hội ảo.


Những bước đi đầu tiên

Facebook Graph Search (FGS) [1]

FGS chính là bước đi đầu tiên của Facebook. Nếu trước đây chúng ta chỉ có thể tìm kiếm bạn bè, người thân thông qua tài khoản Facebook của họ thì với chức năng mới này, chúng ta có thể tìm kiếm những nội dung của những post cũ của chúng ta và những người trong danh sách bạn bè. Khi những thông tin chúng ta có được chưa được như mong muốn thì FGS có thể tiếp tục tìm kiếm thông tin từ những post cũ của những người bạn của bạn chúng ta, tức là những người trong danh sách bạn bè của những người trong danh sách bạn bè của chúng ta, cứ thế nó mở rộng dần ra khắp nơi thông qua những liên kết trung gian này. Cách tìm kiếm này cũng giống như việc chúng ta truy tìm thông tin thông qua những người trung gian nên có thể tìm ra rất nhanh nếu những người có kết nối gần chúng ta có những thông tin đó. Như vậy, mức độ ưu tiên tìm kiếm chính là khoảng cách bạn bè trung gian thay vì dùng các thuật toán xếp hạng dữ liệu như Google. Lấy ví dụ, nếu bạn muốn tìm thông tin về cách làm bánh kem thì Facebook sẽ tìm trong post những người bạn của bạn, nếu không có thì sẽ tiếp tục tìm trong post của những người bạn của bạn.

Facebook Graph Search

Để thấy sự khác biệt trong bộ máy tìm kiếm của Google và Facebook, chúng ta cần tìm hiểu về cách thức vận hành của bộ máy tìm kiếm Google. Thông tin trên Internet đến từ các trang web của các cá nhân, công ty, tổ chức, chính phủ,... Những thông tin này được Google trích xuất từ dữ liệu mà hãng lưu lại trong máy chủ của mình sau khi tiến hành quét toàn bộ mạng Internet một cách thường xuyên. Sau đó Google tiến hành xếp hạng các dữ liệu này bằng các thuật toán của riêng hãng, mỗi khi người dùng tìm kiếm thông tin từ bộ máy tìm kiếm của Google thì thuật toán tìm kiếm sẽ truy xuất các dữ liệu đã được phân loại để cho kết quả nhanh chóng và chính xác nhất. Sau thời gian tiến hóa, Google đã phát triển thuật toán xếp hạng và tìm kiếm của mình ngày càng hiệu quả hơn bằng cách theo dõi vị trí địa lý và hành vi của người dùng để cho kết quả phù hợp hơn. Tuy nhiên, bộ máy tìm kiếm của Google vẫn là một cái máy nên nó không thể hiểu được  nghĩa của những cụm từ chúng ta cần tìm kiếm nên kết quả tìm kiếm chỉ là những kết quả mà nhiều người khác tìm kiếm nhất. Ví dụ như khi bạn nhập cụm từ “cách làm bánh kem ngon” thì kết quả sẽ hiển thị những trang có chứa cụm từ này. Dựa trên kết quả đó, người dùng nhấp vào trang X nào đó nhiều nhất và đọc lâu nhất thì trang đó sẽ tăng vị trí trong kết quả xếp hạng dữ liệu của Google. Lần sau, một người khác tìm kiếm với cụm từ trên thì trang X này sẽ được hiển thị cao hơn những trang còn lại, nghĩa là công cụ tìm kiếm của Google có thể học từ dữ liệu người dùng. Mặt khác, trang X cũng sẽ có thứ hạng tốt hơn nếu được nhiều trang khác liên kết đến nó, ví dụ như bạn liên kết trang X vào trang của bạn cho bài viết về cách làm bánh kem. Bạn có thể tham khảo thêm về thuật toán xếp hạng tìm kiếm PageRank của Google tại đây [2].

Dựa vào hai cách tìm kiếm của Google và Facebook, có thể chúng ta sẽ có những kết quả khác nhau với cùng một cụm từ. Hiện nay, Google vẫn đang chiếm lĩnh lĩnh vực tìm kiếm trên Internet nhưng cách thức của Facebook lại cho thấy nó có tiềm năng trong tương lai khi lượng thông tin chuyên môn được người dùng post lên nhiều hơn. Chất lượng thông tin cá nhân của Facebook hơn hẳn Google vào thời điểm hiện nay nhưng thông tin chuyên môn thì ngược lại. Vài người bạn của tôi đã bắt đầu viết bài theo chuyên môn của họ và post lên Facebook thay vì đưa lên trang web cá nhân rồi chia sẻ link trên Facebook như trước đây. Họ đã không cần đến trang web cá nhân nữa mà trang web cá nhân đã được thay thế bằng trang cá nhân trên Facebook. Khi các cá nhân, công ty, tổ chức chuyển hẳn nội dung từ trang web của họ sang trang Facebook thì Google sẽ mất một lượng lớn dữ liệu được cập nhật. Tuy nhiên, những hạn chế mà trang Facebook cá nhân hiện nay đang tồn tại là sự giới hạn của nó trong phạm vi những thông tin chia sẻ mà không có người dùng cách thiết kế trang cá nhân có tính chất đặc trưng hơn. Nếu người dùng có thể tự mình thiết kế trang Facebook cá nhân như những trang blog của Blogger, Wordpress thì tốc độ gia tăng thông tin chuyên môn sẽ cao hơn rất nhiều. Có một điều mà các bạn cần biết là công cụ tìm kiếm của Google không thể truy xuất nội dung từ những trang Facebook nên Google không thể tìm kiếm được những gì Facebook có thể tìm.

Câu hỏi đặt ra ở đây là khi lượng thông tin chuyên môn trở nên to lớn và người dùng quan tâm đến việc tìm kiếm trực tiếp trong Facebook hơn thì thuật toán tìm kiếm kiểu như FGS có còn hiệu quả không? Và khi đó Facebook có thay đổi cách tìm kiếm của mình giống như Google không? Tức là tìm kiếm trực tiếp nội dung thông tin thay vì tìm kiếm thông qua trung gian những người trong danh sách bạn bè, những người đang follow, like. Tôi cho rằng Facebook sẽ xét đến cả hai loại thông tin là nội dung và người chia sẽ nội dung đó.



Facebook và mạng xã hội cho doanh nghiệp

Như tôi đã trình bày về ý tưởng mạng xã hội cho doanh nghiệp qua bài viết 2. Mạng xã hội doanh nghiệp [3], Facebook đến thời điểm hiện nay vẫn chỉ là mạng xã hội cho người dùng phổ thông là chính. Nếu như một doanh nghiệp nào đó cần một giải pháp cho việc quản lý doanh nghiệp và quảng bá thương hiệu thì họ phải tự tạo ra giải pháp hay mua từ những công ty phần mềm khác, trong khi sự xác thực sự tồn tại trên mạng Internet của doanh nghiệp lại chính là tài khoản Facebook của chính doanh nghiệp đó.

Đối với việc quảng bá thương hiệu, tôi đã phân tích như trên, nghĩa là Facebook cần cho người dùng thêm quyền can thiệp vào việc thiết kế các trang cá nhân của họ. Khi những trang cá nhân này có thể tạo được đặc trưng riêng của họ thì nó mới hỗ trợ được việc quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp.

Đối với vấn đề quản lý doanh nghiệp, Facebook cần một cơ chế xác thực đa cấp cho nhiều người dùng đối một tài khoản Facebook. Nghĩa là cho phép các doanh nghiệp tạo ra một mạng xã hội nhỏ bên trong Facebook, chớ không chỉ là những trang Page và Group như hiện nay. Ngoài ra, Facebook cần phải cho doanh nghiệp tích hợp những công cụ phần mềm vào mạng xã hội đó, những công cụ này có thể đến từ một bên thứ ba, nghĩa là Facebook cần một chợ ứng dụng như là Facebook Appstore.

Đã có thông tin về việc Facebook đang phát triển những công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp [4], tôi hy vọng rằng đây chính là những gì đã nói ở trên.

Có lẽ Linkedin là mạng xã hội hỗ trợ nhiều nhất cho việc tìm kiếm việc làm hiện nay, nhưng những cái Linkedin mang lại chỉ là một mạng chia sẽ thông tin về các công ty và những ứng viên của họ. Những người tham gia Linkedin chủ yếu làm trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ, và tất nhiên là họ đều là nhân viên của một công ty nào đó. Hầu hết nhân viên các tập đoàn lớn đều tham gia mạng xã hội này. Linkedin chỉ là một Facebook thu nhỏ cho một nhóm đối tượng người dùng là các nhân viên doanh nghiệp nên những chia sẻ của họ trên mạng xã hội này chỉ xoay quanh những thông tin về nhân sự là chính. Tuy nhiên, Facebook có thể học hỏi cách tiếp cận của Linkedin đối với người dùng này.


Facebook và Youtube

Facebook, Twitter, Youtube
Youtube đã quá phổ biến với vai trò là một mạng chia sẻ video trực tuyến, cùng với việc nằm trong hệ sinh thái của Google nên nó ngày càng vững chắc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Youtube không có những hạn chế to lớn. Tôi chắc rằng khi bạn mở Youtube lên thì điều đầu tiên bạn làm là gõ vào thanh tìm kiếm nội dung video mình muốn xem. Mặc dù mạng chia sẻ video trực tuyến này đã bổ sung chức năng Subscribe để bạn có thể theo dõi các kênh video mà mình yêu thích và gợi ý cho bạn những video nên xem dựa vào lịch sử tìm kiếm của bạn, nhưng Youtube vẫn luôn khiến bạn suy nghĩ nên xem gì mỗi khi mở nó lên. Điều này hoàn toàn trái ngược với trang Facebook của bạn, khi mà bạn mở trang cá nhân của mình lên thì những nội dung Newsfeed đã cung cấp cho bạn những video mới nhất của bạn bè hay của một kênh nào đó mà bạn đã theo dõi. Sự khác biệt giữa Youtube và Facebook là việc có một sự tách biệt giữa cá nhân bạn và những gì bạn đang xem. Đối với Facebook thì bạn chỉ xem những video của bạn bè hay do bạn bè giới thiệu và chia sẻ, còn Youtube thì bạn có thể xem bất kỳ video nào, chính điều này lại làm cho Youtube trở nên rối rắm. Ví dụ như việc tôi muốn xem video tin tức từ kênh BBC, tôi đã follow tài khoản Facebook của BBC, nhưng mỗi lần click để xem một video nào đó thì nó lại được chuyển qua trang Youtube. Điều này sẽ không diễn ra nếu như Facebook hỗ trợ thêm cho việc biên tập và chia sẻ video nhiều hơn thì BBC không cấn đến Youtube nữa. Ví dụ như bổ sung thêm chức năng tìm kiếm video từ tài khoản Facebook khác khi họ đã chia sẻ ở dạng public. Nó giống như có một mạng Youtube bên trong Facebook. Cái hay chính là chúng ta sẽ xác thực được video đó là sở hữu của ai, nó dễ dàng chia sẻ nhau giữa các tài khoản Facebook, và có nhiều thuận lợi hơn để bảo vệ bản quyền của video đó khi mà thông tin cá nhân trong tài khoản Facebook thì chính xác hơn tài khoản Google. Bạn có biết Facebook đang bắt buộc người dùng phải sử dụng tên thật trong tài khoản của mình không? [5]


Facebook và Instagam

Đôi khi tôi cũng tự hỏi tại sao Facebook không kết hợp Instagam vào chức năng chia sẻ ảnh của mình. Có thể lúc này là chưa cần thiết, và cũng có thể là lượng người dùng của Instagam đang rất lớn nên nó cần hoạt động độc lập để có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn thay vì phải merge lại với người dùng Facebook, vì có thể có nhiều người dùng Instagam không sử dụng Facebook. Nhưng tôi nghĩ đã đến lúc Facebook nghĩ đến việc cung cấp một dịch vụ lưu trữ và chia sẻ ảnh tích hợp trong tài khoản Facebook một cách chuyên nghiệp hơn, giống như Google có Picasa, Yahoo có Flickr. Nghĩa là Facebook cần đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực ảnh.

Picasa của Google

Cái khó nhất hiện nay đối với lĩnh vực này chính là tìm kiếm nội dung ảnh. Các giải thuật tìm kiếm nội dung ảnh hiện nay chưa được như mong muốn. Ví dụ như bạn muốn tìm các tấm ảnh có hình một cô gái đẹp trong bức hình phong cảnh. Bạn chỉ việc cho bộ máy tìm kiếm biết ảnh của cô gái đó để nó tìm kiếm những tấm ảnh khác có nội dung tương tự. Cách thức tìm kiếm những tấm ảnh hiện nay chính là dựa vào nội dung mô tả của người dùng khi đưa chúng lên mạng, đối với những tấm ảnh không mô tả hoặc mô tả quá ít thì hầu như không thể tìm được nó theo nội dung. Tuy nhiên, với Facebook thì việc tìm kiếm ảnh trở nên đơn giản hơn rất nhiều, vì mỗi tấm ảnh người dùng post lên có thể đi kèm với mô tả nội dung, bình luận về nội dung và đặc biệt là tag. Điều đó giúp cho dữ liệu về ảnh của Facebook lại giống có metadata, giúp cho việc tìm kiếm tốt hơn nhiều. Ví dụ như tôi muốn tìm ảnh một “chú mèo lông vàng bên cửa sổ”. Tác giả của bức ảnh đã chú thích đây là “chú mèo” của mình, một ai đó bình luận là “Lông vàng đẹp nhỉ...” và một người khác thì bình luận “Cái cửa sổ nhà bạn đấy ah?”. Như thế thì bộ máy tìm kiếm có thể dựa vào những thồn tin này mà cho ra kết quả.

Facebook và smartphone

Bạn có thấy bất tiện không khi phải tìm cách đồng bộ lại Contacts, Calendars, Notes mỗi khi thay đổi nền tảng hệ điều hành di động? Tôi đã từng sử dụng Blackberry, Android, iOS, Windows Phone, mỗi khi chuyển sang nền tảng hệ điều hành (HĐH) mới thì tôi lại phải chuẩn bị sao lưu mọi thứ vào máy tính rồi đồng bộ lại với chiếc smartphone mới. Nhưng rắc rối hơn cả là dịch vụ lưu trữ đám mây, trên Android có Google Drive, trên iOS có iCloud, trên Windows phone có OneDrive. Mỗi khi thay đổi nền tảng HĐH thì tôi lại phải chọn lọc lại nội dung dữ liệu để có thể di chuyển sang dịch vụ lưu trữ đám mây mới vì không thể mang tất cả sang dịch vụ đám mây mới do dữ liệu quá lớn. Chính vì thế mà dữ liệu cá nhân của tôi theo thời gian đã có mặt trong tất cả các đám mây trên, và chúng thật sự đang “phân mảnh”. Mong muốn của tôi là có một dịch vụ của bên thứ ba có thể hoạt động độc lập với nền thảng hệ điều hành để có thể tập trung lại dữ liệu cho dù tôi có thay đổi nền tảng hệ điều hành di động. Sự mong muốn của tôi đang dồn vào Facebook khi thông tin cá nhân của tôi trên Facebook là chính xác nhất, tập trung nhất, giờ chỉ còn đưa Contacts, Calendars, Notes, Data (ảnh, video, ebook, file,...) lên Facebook nữa là hết phân mảnh.

Tôi nghĩ đây là cái Facebook nên hướng tới để có thể tập trung dữ liệu cá nhân của người dùng về một chỗ, tuy là khó mà nhận được sự hỗ trợ từ các hãng sở hữu các hệ điều hành di động như Google, Apple, Microsoft, nhưng tôi hy vọng là có giải pháp trong tương lai.

Internet sẽ là Facebook

Có lẽ bây giờ còn chưa đến lúc để mọi người chuyển mọi thứ thông tin của mình vào một tài khoản Facebook, nhưng viễn cảnh đó không còn xa nữa. Với việc cung cấp sự kết nối tài khoản Facebook với bên thứ ba và nhúng những chức năng bình luận thông qua tài khoản Facebook vào các trang web thì dần dần chúng ta không cần phải đăng ký tài khoản mỗi khi tham gia một trang diễn đàn hay một dịch vụ online nào nữa (nếu như chúng ta không muốn giấu tài khoản Facebook của mình). Khi người dùng bắt đầu di chuyển nội dung của các trang web, thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân vào Facebook thì liệu có người còn lầm tưởng Google chính là Internet hay bây giờ là Facebook mới chính là Internet? Mỗi khi chúng ta online, cái đầu tiên là không phải là Google xuất hiện như hiện nay nữa mà chính là Facebook. Khi đó, tôi nghĩ cái chết trước tiên sẽ là các trang Forum, Blog, và kế đến là các Search Engine.

Google có nên lo sợ?

Tôi nghĩ, Google nên lo sợ. Bởi vì để chống lại Facebook, Google đã cho ra đời mạng xã hội của riêng mình là Google Plus, nhưng vì đi sau nên Google Plus có sự tăng trưởng số người sử dụng rất chậm. Dù được sự hỗ trợ của Google Chrome, Android, Gmail, Chromebook, Google Maps nhưng dường như người dùng không muốn rời xa Facebook để đến với Google Plus. Cái Google chiếm thế thượng phong chính là bộ máy tìm kiếm và nền tảng Android. Có lẽ sẽ có nhiều người nghĩ rằng không thể có một bộ máy tìm kiếm nào có thể qua mặt được Google, nhưng tôi cho đó là những người bên ngoài nước Mỹ và Trung Quốc, Nga. Công cụ Bing của Microsoft và Yahoo đang đuổi theo Google ở Mỹ, Baidu đang làm chủ thị trường Trung Quốc, Yandex là niềm tự hào của người Nga. Với việc Firefox chuyển hướng sang Yahoo Search [6], Apple cũng đang muốn đá Google Search và Google Maps ra khỏi nền tảng của mình [7], trong khi Microsoft có tiềm năng to lớn khi hợp nhất hệ điều hành trên PC và di động (tôi sẽ phân tích vấn đề này trong một bài viết khác) thì Google có cơ sở để lo ngại.

Cái kết của Google không phải đến từ những đối thủ ở trên, mà chính là từ Facebook. Nếu Facebook cung cấp cho người dùng những tính năng đã được phân tích ở trên thì liệu người dùng có muốn phân mảnh thông tin và dữ liệu cá nhân nữa không?


Xã hội thực và xã hội ảo

Khi tham vọng yêu cầu người sử dụng phải đăng ký thông tin thật của Facebook thành hiện thực thì có lẽ khoảng cách giữa xã hội ảo và thực đã rất gần nhau. Có lẽ Facebook chưa có tính năng định vị được láng giềng của bạn, nhưng nếu xu hướng sử dụng Facebook trên mobile ngày càng nhiều thì việc chúng ta có thể thấy láng giềng của mình online thì có lẽ mọi thứ đã giống như xã hội thực. Có lẽ do cuộc chiến trên thương trường sẽ ngăn cản mọi thứ hợp nhất lại trong tương lai gần nhưng tôi cho rằng xu hướng trong tương lai xa sẽ vẫn là sự hợp nhất của tất cả dịch vụ xung quanh người dùng. Và khi đó chúng ta không còn phân biệt thực và ảo nữa.

Internet of things và Facebook

Internet of things [8] đang ngày càng đến gần chúng ta hơn, nhưng có một điều chúng ta ít để ý đến sự kết nối tất cả các thiết bị xung quanh ta với một chủ thể trung tâm chính là chiếc smartphone của chúng ta, trong khi chủ thể trung tâm này lại đang là cầu nối chúng ta ra thế giới thông qua Facebook thì tại sao IoT và Facebook có thể ngăn cách nhau được?

IoT có cần đến Facebook và ngược lại không?
Tôi cho là chúng ta không thể ngăn cách chúng, dù có thể chúng ta không mong muốn vì nguy cơ an ninh mạng. Chiếc smartphone sẽ là chiếc cầu giữa thế giới trong ngôi nhà thông minh của chúng ta với thế giới bên ngoài trên Facebook. Tôi chưa nhận thấy tín hiệu rõ ràng cho xu hướng này, có lẽ nó cần thêm thời gian nữa để có thể được nhận biết rõ hơn, nhưng tôi cho rằng nó là dòng chảy tự nhiên của thông tin, chúng ta không thể ngăn cản dòng chảy thông tin trên Internet, vì sự tự do và dân chủ mà nó mang trên mình.

Nhận xét