26. KV-KR : Bàn về Giáo dục

Bà Montessori
Giáo dục là một lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của từng cá nhân nói riêng và của cộng đồng nói chung. Trình độ phát triển của mỗi cá nhân hay mỗi quốc gia luôn đồng hành cùng trình độ phát triển của giáo dục. Nhận thức đúng về vai trò và mục tiêu của giáo dục là vấn đề quan trọng để vạch ra con đường giáo dục cho bản thân mỗi người và cho nền giáo dục quốc gia.

Ở Việt Nam, có thể coi giáo dục là đề tài tranh luận hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, vì đối với người Việt giáo dục có một chỗ đứng khá quan trọng và vững chắc trong nền tảng văn hóa dân tộc. Cũng như các nước Châu Á có truyền thống Nho giáo, người Việt nhìn nhận quá trình giáo dục như một thước đo cho sự thành công của mỗi người, dù rằng thực tế đôi khi trái ngược với nhìn nhận đó. Cách nhìn nhận một người thành công trong cuộc sống phải gắn liền với sự phát triển giáo dục và có bằng cấp được công nhận bởi xã hội đã dần đẩy con người đi xa bản chất thực sự của giáo dục. Nó cũng góp phần làm chệch hướng chính sách giáo dục quốc gia khi mà người dân quá chú trọng vào việc học của con cái. Hệ quả là nền giáo dục Việt Nam ngày càng tụt lại phía sau so với thế giới bên ngoài.


Sự khác biệt trong cách nhìn nhận về giáo dục giữa Phương Đông và Phương Tây cũng khiến cho sự phát triển giáo dục giữa hai khu vực này không giống nhau, nó làm cho sư thụ hưởng thành quả từ quá trình giáo dục của cá nhân và xã hội cũng khác nhau giữa Đông và Tây. Người phương Tây học ít nhưng hiểu nhiều, người phương Đông học nhiều nhưng hiểu ít. Hiểu ít hơn có nghĩa là thụ hưởng thành quả cũng ít hơn.

Yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc nhận thức về mục tiêu và phương pháp giáo dục. Văn hóa của người Việt coi giáo dục như bình phong cho bản thân, nó khiến người Việt chạy theo những ảo tưởng về sự học của bản thân, kết hợp với sự tù túng trong suy nghĩ bởi truyền thống Nho giáo và sự mất phương hướng của xã hội hiện nay đã khiến giáo dục Việt Nam như một mớ hỗn độn, không lối thoát.

Học và sáng tạo là hai mặt của một quá trình. Tiếp thu kiến thức rồi sáng tạo tri thức rồi lại tiếp thu tri thức sáng tạo để phát triển. Quá trình này cần một yếu tố quan trọng là sự tự do. Tự do trong tiếp thu và tự do sáng tạo. Sự tự do này phải hoàn toàn tự do mới phát huy hết hiệu quả của quá trình giáo dục và sáng tạo.


Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày vai trò, bản chất của giáo dục, ảnh hưởng từ nền tảng văn hóa truyền thống đối với nền giáo dục của một dân tộc. Tôi cũng trình bày về sự quan trọng của việc tạo ra sự tự do trong giáo dục như một cách thức để phát triển.


Vai trò của giáo dục

Mục tiêu chính của giáo dục là chuyển tải tri thức nhân loại từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Từ những tri thức hiện có, các thế hệ sau tìm kiếm và bổ sung thêm cho tri thức nhân loại thông qua hoạt động sáng tạo, khám phá tự nhiên.

Tuy nhiên, mục tiêu của giáo dục lại không quan trọng bằng phương pháp giáo dục. Tri thức nhân loại luôn được bổ sung ngày càng nhiều, khiến nó trở nên quá đồ sộ so với một bộ não người, nó khiến cho con người không thể học hết tất cả mà chỉ có thể lựa chọn những gì phù hợp, cần thiết cho bản thân, gia đình, xã hội mà học. Khi đó, giáo dục của một quốc gia phải hướng đến mục tiêu của quốc gia đó, nghĩa là đào tạo con người phù hợp với văn hóa dân tộc, đáp ứng được nhu cầu đất nước. Điều này làm xuất hiện việc định hướng giáo dục quốc gia. Định hướng giáo dục phải song song với định hướng phát triển đất nước nên làm nảy sinh chiến lược giáo dục trong từng giai đoạn phát triển đất nước. Để hình thành được chiến lược giáo dục vững chắc và thuyết phục người dân, nền giáo dục quốc gia cần phải có một triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục này phải được sinh ra từ văn hóa dân tộc và nhu cầu thực tiễn xã hội. Mỗi triết lý giáo dục khác nhau cần những phương pháp giáo dục khác nhau. Lấy ví dụ, giáo dục theo kiểu truyền thống Nho giáo thì lấy người dạy làm trung tâm, giáo dục theo kiểu phương Tây thời nay thì lấy người học làm trung tâm. Mỗi phương pháp chỉ phù hợp cho một số mục tiêu và trong hoàn cảnh lịch sử nào đó. Khi triết lý giáo dục của một quốc gia thay đổi thì phương pháp tiếp cận tri thức cũng phải thay đổi theo.

Mặt khác, giáo dục không phải chỉ diễn ra trong cơ sở giáo dục mà thực tế nó tồn tại từ trong gia đình đến các ngõ ngách của xã hội. Mọi hoạt động dạy và học đều là giáo dục, nghĩa ai cũng có thể là thầy và cũng có thể là trò. Sự công nhận trình độ giáo dục thông qua bằng cấp được cơ quan nhà nước chứng nhận không nên là quan trọng trong thời đại hiện nay và cả sau này. Giáo dục là một quá trình tự nhiên có từ thời xa xưa khi con người vẫn còn là vượn, vì thế khi nhà nước độc quyền công nhận trình độ giáo dục trên tất cả các lĩnh vực đã hạn chế sự phát triển của giáo dục của người dân, vì khi đó mọi người luôn bỏ qua những hình thức giáo dục không được công nhận để theo đuổi sự công nhận của nhà nước. Nó làm mất đi sự đa dạng giáo dục, mất đi tính tự chủ giáo dục của mỗi cá nhân, nó không phản ánh được sự đa dạng của cộng đồng trong sự phát triển giáo dục.

Sự đa dạng trong tự nhiên chính là nền tảng cho sự cân bằng, nó giúp tự nhiên tồn tại bằng sự biến đổi liên tục. Giáo dục cũng là một quá trình của tự nhiên nên nó cũng cần sự đa đạng. Sự đa dạng đó là đa dạng về chủ thể như đa dạng người dạy, người học, đa đạng về phương pháp, mục tiêu. Để cho từng chủ thể hình thành nên mục tiêu và phương pháp giáo dục chính là tạo ra sự da dạng cho giáo dục.


Trong phần tiếp theo tôi sẽ bàn về một phương pháp giáo dục nổi tiếng trên thế giới, nó giúp tạo ra sự đa dạng của các chủ thể giáo dục và mang lại thành quả cho người thụ hưởng nó.


Phương pháp Montessori [1]

Hai người đồng sáng lập Google là Larry Page và Serey Brin luôn tự hào là hai trong những người được dạy học theo phương pháp Montessori ở trường phổ thông [2]. Họ không chỉ minh chứng cho sự thành công trong sáng tạo mà còn minh chứng cho sự dũng cảm trong tự do sáng tạo.


Giai đoạn giáo dục phổ thông là quan trọng nhất cho sự phát triển của một cá nhân, mà trong đó giai đoạn giáo dục khi bạn còn là một đứa trẻ là quan trọng nhất cho sự phát triển. Ở giai đoạn này, nếu bạn được cha mẹ cung cấp cho sự tự do, điều kiện vật chất, những hình tượng tốt thì bạn sẽ có điều kiện phát triển tốt về mặt giáo dục sau này. Nhà giáo dục người Italia, Bà Montessori đã chú trọng vào giai đoạn giáo dục đầu đời của trẻ tạo điều kiện cho trẻ phát triển những khả năng tự nhiên của chúng.

Phương pháp Montessori đã giúp tạo ra sự đa dạng cho chủ thể là người học, nó cũng giúp hình thành nên đội ngũ người dạy đa dạng tương ứng. Những đứa trẻ đã được tạo điều kiện để tự do sáng tạo và phát triển khả năng của bản thân, những người thầy cũng phải đa dạng các kiến thức và kỹ năng để “phục vụ” những đứa trẻ của mình. Quá trình dạy và học không còn diễn ra trực tiếp nữa mà trở thành gián tiếp thông qua các hoạt động vui chơi, khám phá tự nhiên và xã hội.

Điều đó chứng tỏ là việc dạy và học sẽ rất đơn giản nếu chúng ta xác định được những gì phù hợp với bản thân ngay từ khi còn bé, giống như việc chọn món ăn mình thích trong bữa tiệc Buffet. Điều này khiến quá trình sống và học trở nên rất gần nhau, gần nhau đến nỗi mà nhiều người đã nói đến cụm từ “học suốt đời”.


Bản chất của sự học

Khi một chú chó con học sủa, một chú chim con học bay, một đứa bé học nói, ... thì những hoạt động đó đều thể hiện sự học. Đối với sự học của con người thì những hoạt động học còn đa dạng hơn vì ngoài học cách sinh tồn, con người con học cách tư duy về sự tồn tại, học cách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tự nhiên và nghệ thuật. Tôi lấy ví dụ về một câu nói của nghệ sĩ hài Hoài Linh, đó là đối với những nghệ sĩ cải lương thì những người nào học theo trường lớp đào tạo bài bản lại hát không hay bằng những người học theo cách truyền dạy trong dân gian. Theo tôi thì nguyên nhân của việc này là các nghệ sĩ học theo cách học truyền dạy có nhiều sự tự do hơn trong quá trình học. Họ không phải tuân thủ nguyên tắc mà trường lớp đào tạo đặt ra và có nhiều điều kiện hơn trong thực hành. Nghe có vẻ hơi nghịch lý nhưng tôi nghĩ là khi bạn có thêm nhiều kiến thức thì bạn cũng đang trở thành nô lệ cho khối kiến thức đó. Điều này đặc biệt đúng đối với vấn đề của những nghệ sĩ hát cải lương. Những nghệ sĩ trưởng thành trong dân gian đều học một cách rất vô tư chỉ vì niềm yêu thích môn nghệ thuật này. Họ hát mọi lúc mọi nơi và cũng học mọi lúc mọi nơi thông qua những người khác. Vì họ không cần cái bằng cấp công nhận họ là nghệ sĩ cải lương mà chỉ quan tâm đến sự đánh giá của đồng nghiệp và khán giả, đây lại là thước đo chính cho sự thành công của một người nghệ sĩ. Có rất ít những nhà nghiên cứu về nghệ thuật có thể hoạt động nghệ thuật được đánh giá cao, tôi chỉ biết có Giáo sư Trần Văn Khê và Tiến sĩ, nghệ sĩ Bạch Tuyết là tương đối cân bằng giữa nghiên cứu và hoạt động nghệ thuật.

Sự học không thể tách rời với thực tại vận động của tự nhiên và cũng không thể tách rời giữa các chuyên môn khác nhau của bản thân sự học. Nó diễn ra từ cấp độ thấp như đối với động vật thông qua quá trình thích nghi với môi trường sống đến cấp độ cao như quá trình con người khám phá vũ trụ. Việc tạo ra ranh giới giữa quá trình học thông qua trường lớp (học có chứng nhận) và học từ tự nhiên (không được chứng nhận) đã khiến sự học bị méo mó về bản chất. Sự việc một ông nông dân có thể chế tạo các thiết bị cơ giới, quân sự ở Tây Ninh thông qua việc mày mò tìm hiểu nhiều năm đã không được chính quyền công nhận [3] là một ví dụ điển hình cho việc nhìn nhận bản chất sự học một cách sai lệch. Ngược lại, xu hướng tuyển dụng nhân sự cho các công ty IT hiện nay lại ít quan tâm đến bằng cấp mà chỉ quan tâm đến năng lực, kinh nghiệm thông qua CV lại là một bước tiến đáng kể trong quá trình công nhận sự học một cách thực tế hơn là giáo điều.


Văn hóa và giáo dục

Tại sao nước Anh và những nước có liên hệ lịch sử với nước Anh như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand, Singapore lại có nền giáo dục tiên tiến hơn phần còn lại của thế giới? Tại sao cộng đồng Mỹ-Latin lại không quan tâm nhiều đến giáo dục? Tại sao truyền thống hàng ngàn năm của Nho Giáo lấy việc học thông qua trao dồi kinh sử lại không đưa được Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trở thành cường quốc về giáo dục cho đến tận cuối thể kỷ 20?

Tôi không tin rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ vượt Phương Tây về giáo dục, Khoa học, Công nghệ. Chỉ đơn giản là văn hóa của người Trung Hoa có thể khiến họ rất mạnh về bản sắc dân tộc, giao thương, chính trị nhưng nó không hỗ trợ tốt cho quá trình sáng tạo nếu không nói là kiềm hãm, mà sáng tạo là cốt lõi của giáo dục, Khoa học, Công nghệ. Việc có nhiều quy tắc trong xã hội khiến xã hội trở nên nề nếp hơn nhưng nó cũng khiến xã hội khô cứng hơn với những quy tắc đó. Những quy tắc đó cũng tạo ra một xã hội với những ảo tưởng về danh vọng, điều mà Nho Giáo đã làm rất tốt. Ngay cả những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, mặc dù đã tiếp thu nhiều tư tưởng của Phương Tây nhưng vẫn còn nặng tính Nho Giáo, khiến cho sự xung đột nội tại của xã hội vẫn âm ĩ. Bao giờ người Nhật chấp nhận vai trò của phụ nữ cao hơn nữa và bao giờ người Hàn bớt tự ti về cái đẹp thì họ mới cảm thấy những ảo tưởng về danh vọng không lấn át quá trình sáng tạo.

Xu hướng toàn cầu hóa đã đưa các nền văn hóa đến gần nhau và hòa trộn với nhau, khiến cho việc ảnh hưởng của bản sắc văn hóa lên sự phát triển của giáo dục ngày càng ít đi. Tuy nhiên, có những thứ bản sắc văn hóa trong mỗi con người của mỗi dân tộc phải cần nhiều thời gian hơn nữa mới pha loãng được. Người Mỹ đã pha loãng được những bản sắc này, nhưng họ cũng không làm tốt hơn được nữa khi đụng đến giá trị cốt lõi của bản sắc dân tộc trong mỗi cá nhân. Điều đó được chứng tỏ bằng việc phần lớn những người Mỹ-Latin, Mỹ-Phi không mặn mà với việc học đại học, trong khi người Mỹ-Á thì lại quá quan trọng đến việc học, hơn cả người Mỹ-Âu. Nhưng thành công nhất vẫn là những người Mỹ-Âu khi họ cân bằng được quá trình giáo dục bản thân và hiệu quả cuộc sống.

Yếu tố quan trọng của nền văn hóa để có thể hỗ trợ tốt cho sự phát triển của giáo dục chính là sự tự do. Tự do trong tư duy cũng đồng nghĩa với tự do trong hoạt động. Những xã hội có nền văn hóa quá cứng nhắc sẽ hạn chế sự tự do rất nhiều và cũng kiềm hãm đi sự sáng tạo. Cựu Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói trong cuốn Những người khổng lồ Châu Á của Tom Plate [4] rằng những người Hồi giáo sẽ không thể phát triển được vì họ tin rằng chỉ cần sống theo Kinh Koran và cầu nguyện Thượng Đế hàng ngày là họ sẽ có tất cả.

Bất cứ xã hội nào cũng cần phải được tổ chức dựa trên các nguyên tắc đồng thuận từ các phần tử trong xã hội đó. Nhưng những nguyên tắc này nếu được tạo ra và tiến hóa theo sự phát triển của thực tiễn thì nó sẽ hỗ trợ tốt cho sự phát triển của giáo dục. Nếu ngược lại, nó sẽ kiềm hãm và làm chệch hướng sự phát triển này.

Hệ quả từ Nho giáo

Nho giáo có những quy tắc tổ chức gia đình, xã hội, đất nước rất nghiêm khắc, những quy tắc này được lấy làm thước đo cho sự phát triển của đất nước. Những nguyên tắc như “Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử” nhìn theo khía cạnh tổ chức xã hội thời phong kiến thì có nhiều mặt tích cực, nhưng chiếu theo lăng kính hiện tại thì tồn tại những nghịch lý, bất công trong xã hội. Giáo dục được Nho giáo đề cao nhưng cũng góp phần làm hạn chế nó. Việc quá đề cao vai trò của người Thầy và cho họ thêm nhiều quyền lực đã khiến tạo ra sự bất công trong giáo dục. Có sự xung đột giữa những nguyên tắc tổ chức gia đình, xã hội với sự tự do, sáng tạo. Tại sao con cái phải luôn nghe lời cha mẹ, học trò phải luôn nghe lời thầy giáo, trong khi bản chất nội tại của mỗi cá nhân khác nhau? Trong khi dạy con, cha mẹ chỉ nhìn thấy quá khứ của mình, thầy giáo chỉ nhìn thấy sách vở của mình, họ không thể nhận biết được cái nhìn thấy thực tại của đứa trẻ, không cảm nhận được rằng những cảm nhận của họ về quyển sách nào đó không còn đúng đối với đứa trẻ nữa, do tự nhiên đã vận động ở trạng thái khác.

Lấy những quy tắc, cho dù hay đến đâu, để áp dụng cho nhiều đối tượng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau là đều trái với tự nhiên. Hãy để cho Nho giáo yên vị trong quá khứ và hãy bắt đầu xây dựng nền văn hóa toàn cầu, trong đó tôn trọng bản sắc riêng của từng cá thể và tôn trọng sự tự do, cùng với sự đa dạng của sự tự do đó.


Hệ lụy của giáo dục Việt Nam

Giáo dục Việt Nam không có một bản sắc nào rõ ràng, điều đó thể hiện chúng ta không có một triết lý giáo dục bền vững. Nền giáo dục Việt Nam vẫn còn “vương vấn” những quy tắc của Nho giáo, nhưng lúc nào cũng “làm ra vẻ” có xu hướng hội nhập nền giáo dục Phương Tây. Tình trạng này khiến cho người học và người dạy không nhìn nhận một cách rõ ràng vai trò của mình. Liệu một người học có những phán xét của mình về người dạy có được mọi người chấp nhận không? Tôi cho là vừa chấp nhận, vừa không. Bởi vì ngoài mặt thì họ sẽ phản bác do xung đột với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, nhưng vấn đề chính vẫn là cách hiểu và diễn giải câu nói trên theo cách cứng nhắc thái hóa. Tôn trọng là một thái độ tốt nhưng không thể không phản biện những cái chưa tốt của người dạy. Mặt khác, bên trong tâm tư của người học và phụ huynh của họ thì cũng có những suy nghĩ tiêu cực về người dạy, nhưng người học không muốn thể hiện vì sợ vai trò được của người dạy được xã hội thừa nhận quá lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập của họ.

Một trong những nguyên nhân khác khiến cho vai trò của người dạy vẫn còn độc tài trong xã hội là do thể chế toàn trị của đất nước, nó khiến cho những người công chức nhà nước, mà trong đó có người dạy, thể hiện sự độc tài, quan liêu của mình đối với người dân, trong đó có người học.

Nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang lấy người học hay người dạy làm trung tâm? Nếu xác định được vai trò của người học và người dạy, ai là người phục vụ ai thì lúc dó nền giáo dục sẽ bớt giáo điều hơn như hiện nạy.


Phá vỡ các ranh giới

Để có thể hội nhập được với nền giáo dục tiên tiến của Phương Tây thì điều cần thiết là chúng ta phải nâng cao vai trò của người học, hạ thấp quyền lực của người dạy. Muốn thực hiện được điều này, chúng ta cần phá bỏ các quy tắc có tính chất Nho giáo về vai trò của Thầy và Trò, phá bỏ các chính sách của nhà nước mang tính bao cấp cho nền giáo dục. Việc phá bỏ này không chỉ thực hiện bằng quyền lực nhà nước, vì chính sách có thể thay đổi nhanh chóng nhưng văn hóa thì cần nhiều thời gian để thích nghi. Để cho người học và người dạy cảm nhận được vai trò của họ một cách rõ ràng trong quá trình giáo dục thì chỉ có để cho họ tự cảm nhận. Sự tự cảm nhận này phải được thực hiện trong sự tự do, tức là để cho lực cung cầu giữa hai bên thức đẩy, tức là giáo dục sẽ cần trở thành một thị trường.

Có một điều nghe tưởng chừng phi lý là chính các bậc phụ huynh mới chính là những lực cản to lớn cho sự phát triển của giáo dục. Hầu hết những vị này đã qua thời gian cắp sách đến trường khá lâu, cái cảm nhận của họ về giáo dục khá lạc hậu, mạch máu truyền thống của họ vẫn còn mạnh mẽ, họ áp đặt những nhận thức sai lệch về giáo dục của mình lên con trẻ mà quên rằng thế giới đã thay đổi nhiều hơn khả năng cảm nhận của họ. Rất nhiều những phụ huynh không được học hành đến nơi đến chốn hoặc đã học trong nền giáo dục xưa cũ, nặng tính Nho giáo, nên họ không có tầm nhìn về giáo dục cũng như thiếu những nhận thức về một nền giáo dục tiên tiến. Phần lớn trong số họ chỉ mong muốn con mình giỏi hơn con người hàng xóm, chứ chẳng quan tâm giỏi đến đâu. Họ lưu giữ những giá trị truyền thống trong người nên trong trường hợp này, truyền thống văn hóa cũng góp phần cản trở sự phát triển của giáo dục.

Khi một nền giáo dục ít sự quản lý, tức là ít có các ranh giới, thì nó sẽ hỗn loạn hay trật tự? Hãy nhìn vào nền kinh tế thị trường, nó bao gồm cả sự hỗn loạn và trật tự. Sự hỗn loạn là cần thiết vì chính nó mới là tiền đề cho sự phát triển của tự nhiên, nhưng trật tự chính là giới hạn của sự hỗn loạn này.


KV-KR: Con người cần tự do để học

Để phát triển đất nước, chúng ta cần những người dân chất lượng. Chất lượng của mỗi người được thể hiện qua trình độ giáo dục của họ. Để có một trình độ giáo dục cao và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của đất nước chúng ta cần cung cấp cho người dân một môi trường giáo dục tự thân vận động. Khi con người phải xác định cái gì cần thiết cho mình thì họ sẽ phát triển được bản thân. Sự phát triển của mỗi người chính là sự phát triển của xã hội. Sự tự do là cần thiết trong mọi lĩnh vực, nhưng nó thật sự cần thiết trong giáo dục hơn cả. Khi có sự tự do, con người sẽ không ngần ngại những thử thách, khi đó họ mới thể hiện được sự sáng tạo của mình. Mỗi người sẽ va chạm nhiều với thực tiễn và xác định được vai trò cũng như phần việc của mình trong xã hội. Hãy nhìn những người học như những người thợ săn trong khu rừng tri thức, họ sẽ buộc phải săn bắt được để có thể tồn tại, họ sẽ phát huy khả năng sáng tạo khi đối diện với những con thú tri thức to lớn, và khi họ trở về nhà, họ sẽ tiếp tục nghĩ về cuộc đi săn ngày mai với con thú lớn hơn.

Điều duy nhất chúng ta cần làm cho họ không phải là giúp học có vũ khí tốt hơn để săn thú lớn hơn mà chính là để họ săn những con thú nào tùy thích cũng như tùy khả năng của họ. Ứng dụng KV-KR trong vấn đề này chính là không bao giờ nuôi thú trong vườn để săn bắn.

Nhận xét