16. Thương mại điện tử Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Theo báo cáo mới nhất của comscore [1], Việt Nam có lượng người sử dụng Internet lớn nhất Đông Nam Á với khoảng 16 triệu người dùng hàng tháng, với số người dùng có độ tuổi từ 15-24 chiếm khoảng 42%, và quan trọng nhất là số người dùng đang trên đà tăng trưởng nhanh. Trong khi qui mô thị trường thương mại điện tử chỉ khoảng 1,3 tỷ USD, đây thực sự là lĩnh vực còn chưa phát triển tương xứng với qui mô của nó, trong khi dự đoán qui mô của thi trường năm 2015 là 6 tỷ USD. Cũng chính vì còn nhiều tiềm năng chưa khai phá nên lĩnh vực này đang thu hút sự chú ý của những công ty trong và ngoài nước. Điển hình là Tập đoàn VinGroup của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng đang chuẩn bị xâm nhập vào thị trường này [2]. Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích những tiềm năng của thương mại điện tử tại Việt Nam, tình hình hiện tại với những ưu khuyết điểm của nó, xu hướng trong tương lai của thị trường thương mại điện tử khi mà có nhiều động thái cho thấy các nhà đầu từ nước ngoài đang xâm nhập thị trường này.





Tiềm năng chưa khai phá

Người Việt Nam tốn nhiều thời gian cho Internet, nhưng phần lớn cho mục đích giải trí như nghe nhạc, đọc tin tức, chơi game online, tham gia các mạng xã hội,... Số người quan tâm đến việc tìm thông tin sản phẩm cũng ngày càng nhiều, nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở chỗ xem thông tin, vì nhiều người ngại mua hàng trên mạng. Lý do chủ yếu khiến mọi người ít mua hàng trực tiếp trên mạng là họ không tin vào cam kết chất lượng hàng hóa của bên bán. Vì thế đa số người dùng chỉ xem thông tin hàng hóa, giá cả, địa chỉ nơi bán,... sau đó sẽ gọi điện đến cửa hàng để xem còn hàng không, rồi mới đến trực tiếp xem hàng trước khi mua. Nếu so với một người sống ở Mỹ thì người ở Việt Nam có ít niềm tin vào những gì họ không cảm nhận trực tiếp. Có một số lý do lý giải việc này:

Thứ nhất, người Việt chưa quen với cách sống hiện đại, tức là cách sống kiểu công nghiệp. Tôi ví dụ như ở Việt Nam mọi người có thói quen thích sử dụng tiền mặt, tức là họ chỉ tin tưởng việc cầm tiền trong tay mới yên tâm. Ví dụ khác là nhiều người không thích mua nhà chung cư, vì họ coi căn nhà phải được sở hữu vĩnh viễn, có thể để lại cho con cháu; trong khi mua nhà chung cư thì có thời hạn sở hữu vài chục năm. Mặt khác, nhà chung cư lại không gắn liền với đất đai, vì thế nếu có vấn đề như thiên tai, hỏa hoạn thì có thể sẽ mất luôn căn nhà. Những ví dụ này chứng tỏ người Việt không đặt nhiều niềm tin vào những người khác, ngay cả đó là cơ quan quản lý nhà nước. Điều này phản ánh tâm lý e ngại đối với việc mua hàng trên mạng.

Thứ hai, do trình độ phát triển của Việt Nam chưa cao nên việc tổ chức những quy tắc trong xã hội chưa tốt. Điển hình là việc tham gia giao thông, nếu mọi người tuân thủ luật giao thông thì có thể họ bị ảnh hưởng đến công việc, nhưng nếu họ vi phạm luật giao thông thì cũng ít bị xử lý hay bị xử lý nhẹ. Trong khi cơ quan quản lý nhà nước thì không thể quy hoạch được mạng lưới giao thông tốt, một phần là do nó quá phức tạp nên không thể làm trong vài năm được, nên cơ sở hạ tầng không tốt, pháp luật không nghiêm, người dân không cần ý thức. Điều này được phản ánh trong lĩnh vực thương mại điện tử; người cung cấp hàng hóa và người mua hàng không biết nhau, mua bán phần lớn là tự thỏa thuận, cơ quan chức năng quản lý chưa tốt, xử lý tranh chấp kém hiệu quả, nên người bán và người mua không tin nhau. Qua đó, để bán được hàng thì người bán thổi phồng chất lượng sản phẩm, người mua thì đề phòng, vì thế mới xảy ra tình trạng mua hàng trên mạng không được tin tưởng.

Thứ ba, nếu một người đã quen với lối sống hiện đại, tức là đã quen mua hàng trên mạng ở nước ngoài, anh ta cũng am hiểu sản phầm mình muốn mua, nhưng anh ta sẽ cảm thấy khó khăn khi thanh toán và nhận hàng. Việc thanh toán bằng cách chuyển khoản qua ngân hàng hay qua dịch vụ thanh toán qua tiền ảo như Ngân Lượng, Bảo Kim [3] cũng khiến người mua gặp nhiều phiền phức. Vì thanh toán qua ngân hàng thì phần lớn phải dùng ATM hay đến các điểm giao dịch của ngân hàng, phương thức này có thể mất thời gian nhiều hơn là thanh toán trực tiếp nếu người mua ở trong nội thành. Trong khi thanh toán bằng dịch vụ trực tuyến như Ngân Lượng thì ít người dùng và cũng khá bất tiện mỗi khi nạp tiền vào tài khoản. Trong khi ở các nước phát triển thì phương thức thanh toán trực tuyến khá tiện dụng vì nó kết hợp được người bán, ngân hàng, người mua một cách chặt chẽ. Đối với phương thức chuyển hàng thì gặp khó khăn đối với những hàng hóa đắt tiền, khối lượng lớn, và chỉ gói gọn trong nội thành.

Ba yếu tố trên khiến cho những giao dịch trực tuyến trở nên chưa tương xứng với số người xem hàng. Những người sống ở thành thị thì thường hay muốn đến mua hàng trực tiếp, trong khi những người sống ở ngoại thành hay ở các thành phố, trị trấn nhỏ thì khó tiếp cận được dịch vụ giao hàng. Chính qui mô của thị trường thương mại điện tử còn nhỏ nên nó chủ yếu thu hút những doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào sân chơi này.

Bạn có cảm thấy thắc mắc là tại sao những doanh nghiệp bán lẻ như Sài gòn Co-op, Điện máy Nguyễn Kim không bán hàng qua mạng không?


Sân chơi của những doanh nghiệp vừa và nhỏ

Có bao nhiêu doanh nghiệp lớn thực sự bán hàng qua mạng? Con số này quả thật rất ít nếu bạn có nghĩ đến câu hỏi trên. Điểm qua những trang web thương mại điện tử, chúng ta thấy chúng tập trung vào một số lĩnh vực sau:

Rao vặt, cho thuê gian hàng

Đây là hình thức mà các trang như vật giá.com, mua bán.net, chợ tốt.vn, chợ điện tử.vn... đang thực hiện. Các doanh nghiệp này chỉ tạo ra hệ thống cho người buôn bán nhỏ lẻ chào hàng. Những người bán có thể là cửa hàng hay cá nhân. Hình thức này chỉ là tạo sân chơi cho người mua và người bán tìm đến nhau trên mạng, sau đó họ thường phải gặp mặt trực tiếp để xem hàng và thanh toán. Do không có sự đảm bảo từ chính những doanh nghiệp cho thuê gian hàng trực tuyến nên việc mua bán chỉ là thỏa thuận cá nhân giữa người mua và người bán. Chính vì vậy mà độ tin cậy trong hình thức này rất kém, đó cũng là lý do người mua thường hay đến xem hàng trực tiếp trước khi mua. Khi xảy ra tranh chấp thì cơ quan chức năng cũng rất khó giải quyết và họ cũng không quan tâm nhiều đến việc quản lý hình thức mua bán kiểu này.

Hiện nay riêng lĩnh vực công nghệ, có một số diễn đàn cũng mở chức năng mua bán cho các thành viên như 5 giây.vn, nhật tảo.vn,... Những người bán trên các diễn đàn này đăng tin như một bài viết, người mua có thể trao đổi trực tiếp trong diễn đàn. Đối với hình thức này người mua có thể tố cáo người bán nếu xảy ra lừa đảo cho ban quản trị diễn đàn, nhưng việc xử lý của ban quan trị cũng hạn chế vì họ chỉ có quyền hạn trên diễn đàn chớ không có chức năng của cơ quan quản lý nhà nước.


Ưu điểm của hình thức này là nó phù hợp với những người bán nhỏ, những cửa hàng kinh doanh hộ gia đình. Ngưới bán có thể bán bất kỳ hàng hóa gì từ cũ tới mới, nghĩa là bán cho người cần. Hàng hóa đem bán cũng đa dạng, nhiều chủng loại, nhưng tập chung chủ yếu trong lĩnh vực tiêu dùng.

Khuyết điểm của hình thức này chính là rất nhiều người bán không có tư cách pháp lý trong kinh doanh. Do việc mua bán chỉ là thỏa thuận cá nhân nên có nhiều thông tin hàng hóa không chính xác mà người bán tìm cách che đậy để qua mặt người mua. Sau khi bán hàng kiểu lừa đảo một thời gian có thể thay đổi gian hàng trên mạng để tránh bị vạch trần. Ngoài ra, hình thức này cũng không đóng thuế nếu như người bán không đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý.

Chuỗi cửa hàng các sản phẩm công nghệ

Trong lĩnh vực công nghệ, các công ty bán lẻ có hệ thống của hàng được mở khắp các quận nội thành và một số tỉnh thành, họ chính là Thế giới di động, Viễn Thông A, Bách Khoa Computer, FPT shop, Viettel Store,... Khi lĩnh vực các sản phẩm công nghệ trở nên cạnh tranh quyết liệt vì ngày càng có nhiều công ty bán lẻ tham gia, các công ty này bắt đầu triển khai hình thức bán hàng online để tăng doanh thu bên cạnh doanh thu bán tại các showroom. Các công ty khuyến khích khách hàng mua hàng online bằng cách giảm giá sản phẩm, khuyến mãi dịch vụ cộng thêm như tặng quà. Tuy nhiên, doanh số bán hàng online hiện nay rất ít, chỉ chiếm khoang 5% - 10% tổng doanh số của công ty [4]. Không giống như ở Mỹ, rất nhiều người order một chiếc laptop qua mạng, ở Việt Nam mọi người muốn đến xem trực tiếp chiếc laptop đó trước khi mua, đó cũng là do thói quen mà tôi đã phân tích ở trên.

Ưu điểm của việc các công ty bán lẻ sản phẩm công nghệ triển khai thương mại điện tử là họ sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí trong việc mở showroom. Đối với các thành phố, thị xã trực thuộc các tỉnh, họ chỉ cần có một showroom tại trung tâm, sau đó họ có thể bán hàng cho các khu vực lân cận qua mạng.

Khuyết điểm của hình thức này là đổi lại việc mở showroom, các công ty phải phát triển hệ thống giao hàng ra ngoại thành. Mặt khác, như tôi nói ở trên, rất nhiều người e ngại việc mua hàng qua mạng, đặc biệt là người dân ở ngoại thành.


Mua hàng theo nhóm

Khi hình thức mua theo nhóm theo kiểu Groupon [5] xuất hiện ở Việt Nam thì những người tiên phong chính là những doanh nhân Việt Kiều. Họ mang hình thức kinh doanh này từ Phương Tây về Việt Nam với những công ty như muachung.com, nhommua.com, Hotdeal.vn... Hình thức này cũng dễ đánh trúng tâm lý người tiêu dùng Việt Nam là ham rẻ, khi nhiều người cùng lập nhóm mua một món hàng thì giá cả sẽ giảm khá nhiều. Hình thức mua bán này kích thích tiêu dùng rất tốt vì có thể người mua không có ý định mua món hàng đó nếu nó có giá gốc, nhưng khi có nhiều người tham gia cùng mua thì giá sẽ giảm nhiều nên họ lại thay đổi ý định. Người bán cũng được lợi là dù bán với giá thấp hơn bán lẻ nhưng lại bán được nhiều sản phẩm.


Hình thức này tồn tại được chính là nhờ có Internet, vì để tìm những người cùng có nhu cầu mua một món hàng là rất khó nếu không có Internet. Các doanh nghiệp kinh doanh hình thức này chỉ việc đăng thông tin sản phẩm cho những người có cùng nhu cầu muốn mua đăng ký tham gia, khi đủ số lượng thì họ phát hành phiếu mua hàng chung (Voucher).

Nhưng với việc xảy ra tranh chấp trong nội bộ công ty nhommua.com vào năm 2012 [6], đồng loạt những Voucher của công ty này phát hành đã không được các cửa hàng cung ứng sản phẩm chấp nhận, khiến cho người mua bực tức. Tất nhiên đây là việc ngoài ý muốn, nhưng nó cũng khiến người tiêu dùng mất niềm tin phần nào vào hình thức này.

[5] Groupon

Quảng cáo trực tuyến

Doanh thu từ quảng cáo online cũng là một nguồn quan trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Các hãng như Google, Facebook là những hãng sống nhờ vào quảng cáo trực tuyến. Hình thức này ở Việt Nam chỉ là số ít, khi mà những mạng xã hội như Zing me, Go.vn,... có số người dùng quá ít. Trong khi đó, những trang tin tức online như vnexpress.net, vietnamnet.vn, dantri.com.vn, 24h.com.vn,... đang cố gắng thu hút người dùng bằng những tin tức giật gân để bán quảng cáo, vì đây là nguồn thu chính của họ. Có thể nói thị trường này thực sự đang nằm trong tay các đại gia công nghệ như Google, Facebook. Đã có ý kiến về việc những đại gia này thu nhiều tiền từ thị trường Việt Nam nhưng họ không đóng thuế cho chính phủ vì họ không có văn phòng kinh doanh quảng cáo trực tuyến tại đây [7].

Qua những phân tích trên, chúng ta thấy thật sự qui mô thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam còn nhỏ, trong khi số người dùng Internet lại khá đông. Trong khi những đại gia thương mại điện tử thế giới như Amazon, eBay là chuẩn mực cho các công ty khác học tập theo thì ở Việt Nam chưa có công ty nào đầu tư đúng mức để có được mô hình như họ, mà chỉ toàn quảng cáo, rao vặt là chính. Trong khi tại Mỹ thì Wal-mark, Bestbuy cũng là những công ty bán hàng trên mạng rất tốt bên cạnh các chuỗi siêu thị khắp thế giới thì ở Việt Nam những đại gia bán lẻ như Sài gòn Co-op, BigC, Maximart, Nguyễn Kim, … vẫn chưa dám dấn thân vào lĩnh vực này. Phải chăng niềm tin của người tiêu dùng đối với lĩnh vực thương mại điện tử còn thấp hay những công ty này chưa đủ khả năng tham gia vào thị trường này?


Thói làm ăn chụp giật

Tôi còn nhớ đến nhận xét của ông Thân Trọng Phúc trên kênh truyền hình FBNC trong chương trình Nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp, ông hiện Giám đốc quỹ đầu tư DFJ Vinacapital, một quỹ đầu tư vào những công ty khởi nghiệp, ông cũng từng là Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, ông cho rằng nếu nhìn vào hai bên những đường phố Việt Nam sẽ thấy rằng người Việt phần lớn đều chỉ buôn bán nhỏ, vì thế mà ít có những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn [8]. Nhận xét này cũng đúng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Nếu xét nhóm ngành Rao vặt, cho thuê gian hàng thì phần lớn người bán đều muốn bán sản phẩm của mình nhanh chóng mà ít chịu đầu tư thương hiệu và giữ uy tín. Điều này thể hiện qua việc khi bạn liên hệ một doanh nghiệp để mua hàng thì bạn sẽ nhận được những lời dễ nghe, nhưng khi bạn khiếu nại về chất lượng sản phẩm sau khi đã mua thì bạn sẽ nhận được thái độ tráo trở mà có thể khiến bạn sốc. Do đặc điểm của tình hình hiện tại mà tôi đã phân tích ở trên thì việc mua bán phần lớn chỉ là thỏa thuận cá nhân nên khi các giao dịch diễn ra thì nó thường ít có giá trị pháp lý. Những doanh nghiệp cung cấp những gian hàng trực tuyến cũng né tránh trách nhiệm của bên thứ ba nên khiến cho việc kinh doanh trên mạng trở thành nơi làm ăn chụp giật.

Cái chính là những người bán phần lớn là những người kinh doanh cá thể mà không có một doanh nghiệp lớn nào tham gia vào thị trường. Đây chính là thời cơ cho các doanh nghiệp nước ngoài tấn công vào thị trường trong nước.


Nước tới chân mới nhảy

eBay đã vào Việt nam từ lâu với hình thức liên doanh với Chợ điện tử.vn từ năm 2007, sắp tới đây sẽ có Rocket của Đức, Rakuten của Nhật, Alibaba của Trung Quốc, Amazon của Mỹ đầu tư mạnh vào Việt Nam. Riêng hãng Rocket thì đã vào Việt Nam hơn một năm với các trang Lazada, Zalora và FoodPanda [9]. Khi những đại gia này tham gia vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam, nó sẽ kích thích các doanh nghiệp bán lẻ trong nước như Saigon Co.op, Điện máy Nguyễn Kim,... bắt đầu tập trung cho lĩnh vực này. Nó có thể khiến cho thị trường bùng nổ do sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dù là sân nhà nhưng những doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vì họ có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trên lĩnh vực này ở nhiều nơi trên thế giới. Kéo theo nó cũng là sự mọc lên các dịch vụ đi kèm như phương tiện thanh toán, dịch vụ vận chuyển, giao hàng, bảo hiểm hàng hóa,... Có thể nói tình hình hiện nay có thể đã trễ đối với những doanh nghiệp trong nước. Hy vọng hiện nay cho các doanh nghiệp trong nước là chính là Tập đoàn VinGroup sẽ tham gia thị trường này. Họ cũng có tiềm lực tài chính, lại đang được chơi trên sân nhà, họ cũng đã đón đầu xu hướng nên đã âm thầm chuẩn bị.



Sức mạnh của nhà giàu

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian tới sẽ thể hiện sức mạnh của đồng tiền. Khi các công ty nước ngoài xâm nhập thị trường đồng loạt, các bạn sẽ thấy lại bối cảnh mà chúng ta đang thấy trong lĩnh vực thức ăn nhanh. Rõ ràng không có một doanh nghiệp trong nước nào cạnh tranh với Lotte, KFC, Jollibee, Burger King,... trong lĩnh vực này. Chỉ có Trung Nguyên với chuỗi cafe HighLand là đang chiếm lĩnh thị trường cafe trong nước. Chúng ta có quyền hy vọng VinGroup sẽ trở thành Trung Nguyên trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Trong lĩnh vực thanh toán, khi mà các dịch vụ Internet Banking của các Ngân Hàng chưa phát triển đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường thì những doanh nghiệp kinh doanh thanh toán trực tuyến như Ngân Lượng, Bảo Kim không được nhiều người quan tâm và tin tưởng. Nếu Paypal [10] hỗ trợ thị trường Việt Nam thì người Việt sẽ có kênh thanh toán liên thông với quốc tế, nó sẽ thu hút người dùng tham gia thương mại điện tử hơn là các doanh nghiệp trong nước. Và khi đó Paypal lại chiếm lĩnh lĩnh vực toán qua mạng và có thể họ sẽ mua lại Ngân Lượng hay Bảo Kim.

Miếng bánh còn lại cho các doanh nghiệp trong nước chính là dịch vụ giao hàng. Có thể một liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài sẽ hình thành trong lĩnh vực này. Khi doanh nghiệp nước ngoài có qui trình chuyên nghiệp, doanh nghiệp trong nước thì am hiểu trị trường. Đây vẫn là mảnh đất đang chờ doanh nghiệp trong nước khai phá, trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài có thể sẽ không tham gia trực tiếp.

[10] Paypal
 


Lời kết

Nhìn chung thị trường thương mại điện tử Việt Nam có qui mô lớn trong khu vực Đông Nam Á, nhưng với tâm lý tiêu dùng còn cẩn trọng của người Việt, cộng với việc chưa có một doanh nghiệp thương mại điện tử nào đủ lớn và đủ uy tín để tạo lòng tin cho người tiêu dùng nên thị trường đang còn bỏ ngỏ. Khi những đại gia thương mại điện tử nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới, họ sẽ lại làm chủ cuộc chơi với tiềm lực tài chính và công nghệ manh mẽ. Việc khởi động ngay bây giờ của doanh nghiệp trong nước có thể đã không còn kịp. Trong bài viết Mạng xã hội doanh nghiệp [11], tôi đã đưa ra mô hình thương mại điện tử mới như một mạng xã hội gắn kết doanh nghiệp với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc đầu tư vào một mạng xã hội như vậy cần một công ty có tiềm lực tài chính lớn và thu hút được các doanh nghiệp khác tham gia sân chơi của mình. Điều đó thì doanh nghiệp ngoại vẫn có ưu thế hơn.

Cuối cùng, mời các bạn xem Báo cáo chỉ số thương mại điện tự Việt Nam năm 2013 của Hiệp hội Thương mại điện tư Việt Nam (VECOM). Download báo cáo

Nhận xét