13. Flappy Bird: Nhìn nhận sự thật
Tôi
đã đọc những bài báo đó, tôi cảm thấy rất khó chịu
với những gì mọi người đang nói về Flappy Bird và tác
giả của nó. Tôi cũng thấy khó chịu với những người
viết những bài báo đó cũng như những người mà họ
phỏng vấn. Cho tới khi bắt đầu viết bài này, tôi vẫn
thấy khó chịu với ông Phó Thủ Tướng Vũ Đức
Đam. Ngược lại tôi cũng thấy đồng tình một số
điểm với phần trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn
Tử Quảng
dù không nói thẳng ra nhưng tôi có cảm giác ông
Quảng đã nhận định đúng. Còn những người
khác nữa mà các bạn có thể đọc các bài báo ở trên.
Tôi sẽ nói rõ tại sao tôi có cảm xúc như vậy trong
phần sau của bài viết.
Về
Flappy Bird và tác giả của nó, mọi người đang tung hô
họ một cách thái quá. Nói về tài năng lập trình game
đó, không có gì quá khó với đa số những lập trình
viên khác, điều này thì những ai đang là lập trình viên
hay các công ty phần mềm đều biết rõ như thế. Chỉ có
những người không phải dân trong nghề mới ca tụng một
cách thái quá tài năng lập trình như vậy. Flappy Bird chỉ
là một game đơn giản, Nguyễn Hà Đông chỉ viết trong
vòng 3 ngày, không xử lý đồ họa tốt, không có nhiều
tính năng cho người chơi lựa chọn, còn về mặt coding
thì nó chẳng thể gọi nó một dự án phần mềm đúng
nghĩa. Còn tài năng về ý tưởng, tôi cũng xin nói là nó
cũng chỉ góp nhặt từ những ý tưởng của những game
khác. Nếu bạn là một người phát triển phần mềm
game, thì bạn sẽ tham thảo rất nhiều ý tưởng của rất
nhiều phần mềm khác. Có thể ý tưởng chính là của
bạn nhưng những ý tưởng cụ thể để xử lý từng
phần cụ thể trong game thì một mình bạn không thể tự
nghĩ ra hết. Ngay cả những thuật toán, soucre code cũng
tham khảo của người khác, đó là cả một nguồn kiến
thức rất lớn mà bạn không thể tự nghĩ ra hết được.
Nói tóm lại, Nguyễn Hà Đông cũng như những người
khác, sự thành công ở đây không phải ở tài năng gì
đó to lớn, như một số người còn gọi Đông là thiên
tài. Vậy tại sao Flappy Bird lại thành công?
Nếu
những hãng công nghệ chỉ hơn thua nhau ở những phát
minh công nghệ thuần túy thì có lẽ chẳng có Facebook, vì
Facebook không phải một phát minh công nghệ. Vấn đề ở
đây là sự thành công này chính là thành công về mặt ý
tưởng. Một ý tưởng không hoàn toàn là công nghệ, cũng
chẳng có gì gọi là một phát minh. Ý tưởng ở đây
chính là một ý tưởng kết nối xã hội, đó là một
cách để kết nối những người dùng. Giống như việc
có ai đó đưa ra ý tưởng chuỗi cafe nguyên chất đang
tràn ngập đường phố Sài Gòn. Sau khi ý tưởng được
triển khai thực tế thì đến việc của đầu tư,
marketing, kinh doanh.
Như
Nguyễn Hà Đông đã nói, anh ta cũng chẳng ngờ game của
mình có thể thành công đến vậy. Vì thật sự nó không
có gì phức tạp về mặt công nghệ, cũng chẳng có gì
đặc biệt về ý tưởng. Nhưng nó thành công vì được
mọi người quan tâm. Vậy tại sao mọi người lại quan
tâm? Làm thế nào để được mọi người quan tâm đến
game của mình?
Hiệu ứng truyền thông
Để
hiểu về hiệu ứng truyền thông, bạn có thể liên tưởng
đến những scandal mà những người muốn nổi tiếng
nhanh tự tạo ra, họ thu hút nhiều người quan tâm đến
mình thông qua báo chí và mạng internet, có thể mọi người
khen hay chê, yêu hay ghét họ đều được, cái chính là
họ muốn được mọi người biết đến.
Tôi
không nói Nguyễn Hà Đông làm theo cách này, nhưng có một
số người đã làm một cách vô tình. Một vài người
chơi Flappy Bird lúc đầu, thấy một game tuy đơn giản
nhưng khó chơi, vì việc điều khiển một chú chim bay
giữa các ống cống tưởng chừng như dễ dàng nhưng lại
khó khăn. Nội dung quá đơn giản nên có nhiều người
không ngần ngại tham gia, giống như việc thói quen xoay
cây bút trên tay của các bạn học sinh, sinh viên; khi thấy
một số người làm được thì những người khác cũng
muốn thử, vì chỉ cần có cây bút là được nên có rất
nhiều người thử và một số họ đã thành công. Khi
người chơi Flappy Bird chia sẽ sự bực tức hay vui mừng
trên mạng đã khiến những người khác muốn thử và họ
tham gia một cách dễ dàng mà không cần học cách chơi
như thế nào, thế là nó lan truyền nhanh chóng. Khi đạt
đến một sự phổ biến nhất định thì tốc độ lan
truyền sẽ nhanh lên một cách bất ngờ như một cấp số
nhân. Tôi không nghĩ Nguyễn Hà Đông có suy tính đến
những yếu tố trên mà chỉ là một sự ngẫu nhiên.
Những
công ty phát triển game khác không làm được như Đông vì
họ cũng không tính đến những yếu tố đó, họ bị
ràng buộc bởi trình độ và vị thế của mình, hay là
tính tự tôn, họ không muốn làm những game nhỏ và đơn
giản như vậy. Ngay cả phần đồ họa của game, sẽ
không có công ty phần mềm chuyên nghiệp nào để phần
đồ họa kém như vậy. Có hàng ngàn game phức tạp hơn
và đẹp mắt hơn nhưng không thu hút được người dùng
nhiều vì khi bắt đầu chơi những game như thế mọi
người phải làm quen dần, thao thác phức tạp hơn và
không biết kết thúc của game như thế nào. Điều đó
khiến việc chơi game rất mất thời gian, chỉ những
người mê game lắm mới chơi những game như vậy. Trong
khi Flappy Bird chỉ đơn giản là chơi xem ai cao điểm hơn
và chơi một cách đơn giản. Nghĩa là Flappy Bird vô tình
đánh trúng tâm lý đám đông, chính là những người
không hiểu biết nhiều về IT, không chơi game chuyên
nghiệp.
Mặt
khác, khi Apple đưa ra ý tưởng chợ ứng dụng là App
Store thì cách tìm kiếm, download, cài đặt một ứng dụng
di dộng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều.
Nó tập trung tất cả những ứng dụng vào một chỗ và
mọi người cũng tìm kiếm cùng một chỗ. Chính điều
này mà khi có một ứng dụng nào được mọi người yêu
thích thì nó nhanh chóng được những người khác biết
đến. Thế là nó càng trở nên nổi tiếng.
Ngoài
ra, chúng ta cũng phải lưu ý là cái gì nhiều người yêu
thích thì chưa hẳn cái đó là hay. Có rất nhiều thứ
trong cuộc sống chúng ta được nhiều người quan tâm
nhưng nó thật sự chẳng có gì đặc sắc. Nó đơn thuần
chỉ là trào lưu trong một thời gian sau khi bùng phát. Ví
dụ như hàng ngàn người xếp hàng để được vào mua
MacDonald, trong khi nó chỉ là một loại thức ăn nhanh, có
bán khắp thế giới, và đối với nhiều người nó cũng
chẳng ngon lành gì. Nhưng người ta xếp hàng vì nó là
MacDonald, vì báo chỉ nói đến nó. Rồi khi nó phổ biến
ở Việt Nam thì chẳng ai quan tâm nhiều đến nó nữa.
Đây chính là tâm lý đám đông mà các hãng marketing lợi
dụng để tiếp thị sản phẩm.
Phân
tích như trên cho thấy rằng sở dĩ Nguyễn Hà Đông thành
công là sự may mắn, và Đông cũng không ngờ đến điều
này. Nói như ông Nguyễn Tử Quảng, Đông đã trúng số
độc đắc, là chính xác nhất.
Chết do sợ hãi
Do bất
ngờ trước thành công của mình nên Đông đã không chuẩn
bị trước tinh thần và anh ta đã tỏ ra thiếu chuyên
nghiệp. Tại sao Đông lại gỡ bỏ game của mình khi nó
đang nổi tiếng? Vì sợ hãi.
Điều
mà Đông sợ hãi nhất chính là anh ta có thể đã sử
dụng những thành phần trong game là của người khác, từ
giao diện đồ hoạ, âm thanh, đến source code. Như tôi đã
nói ở trên, ý tưởng chính là của Đông, nhưng những
thứ khác thì không phải hoàn toàn như vậy. Tôi lấy ví
dụ, âm thanh trong game có phải do Đông tự tạo ra hay
không hay là search từ Google? Những hình ảnh trong game do
Đông tự vẽ ra hay lấy từ những nguồn game khác? Đông
có viết code hoàn toàn cho game không hay sử dụng của
những người khác? Đây chính là lý do Đông tỏ ra sợ
hãi khi có nhiều tin tức cho thấy một số người xác
định Flappy Bird giống một số game khác ở một số điểm
[1].
Có
nhiều người nói rằng việc sao chép trong lĩnh vực phần
mềm là điều bình thường. Quả thật là phần lớn mọi
người sao chép lẫn nhau, nhưng có một số thứ đặc
trưng thì không nên sao chép, ví dụ như logo, hình ảnh đại
diện, âm thanh xuất hiện nhiều lần trong game. Kế tiếp
là cho dù có nhiều người sao chép lẫn nhau nhưng cái
chính là người bị sao chép có kiện ra tòa hay không? Nếu
anh sao chép mà phần mềm của anh không nổi tiếng, không
mang lại nhiều doanh thu thì có thể người khác không
quan tâm, vì việc khởi kiện cũng phải chịu án phí và
phí luật sư. Nhưng ngược lại như Flappy Bird, nếu game
này thuộc về công một công ty phần mềm nào đó có
tiếng thì chắc chắn nó sẽ bị kiện vì bản quyền.
Người ta sẽ truy tìm từng vi phạm bản quyền từ nhỏ
đến lớn và kiện đến cùng. Vì việc đi kiện sẽ mang
đến sự nổi tiếng cho người đi kiện và sản phẩm
của anh ta. Ngoài ra, khi thắng kiện anh ta sẽ có tiền
bồi thường tổn thất, và cuối cùng là người bị kiện
sẽ bị tổn thất nếu hai bên đang cạnh tranh nhau.
Có
thể Đông tuyên bố lý do gỡ game của mình xuống vì
những lý do khác [2] nhưng tôi tin là Đông làm do sợ hãi
bị kiện vi phạm bản quyền.
Nếu
như ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng Đông có thể yêu cầu
hỗ trợ pháp lý từ các hãng luật sư chuyên nghiệp [3] sẽ tốt hơn thì tôi cho rằng điều này không tốt chút
nào. Vì lý do đầu tiên là Đông đã vi phạm bản quyền,
dù ít hay nhiều; kế đến là Đông chưa bao giờ gặp
trường hợp tương tự và cũng chưa tưởng tượng ra quy
trình pháp lý là như thế nào chứ chưa nói đến suy nghĩ
giải pháp. Nếu cho dù Đông thua kiện và chỉ bồi thường
một phần số tiền mà anh ta kiếm được thì cũng vướng
vào sự rắc rối của pháp lý quốc tế, sụt giảm uy
tín, có thể bị cấm bán game trên App Store, Google Play.
Cho dù có giải pháp cho tất cả nhưng rắc rối trên thì
bản thân Đông cũng sẽ không mạo hiểm, đặc biệt là
mạo hiểm với những việc mình không biết.
Cuối cùng là tôi muốn nói đến việc Đông đã kiếm đủ tiền, thậm chí hơn mong đợi của mình; và anh ta, với sự sợ hãi của mình, đã chấp nhận cho Flappy Bird chết trước khi nó hại mình.
Nếu Đông không cảm thấy sợ hãi vì bị kiện vi phạm bản quyền thì đây lại điều đáng lo cho Đông, vì anh ta nên sợ mới đúng.
Hiểu thế nào cho đúng
Tôi
nghĩ chúng ta nên hiểu thế này:
Flappy
Bird chỉ là một hiện tượng của truyền thông xã hội,
giống như một video clip được mọi người chia sẻ trên
Youtube và được hàng triệu lượt xem trong vài ngày. Sau
đó, nó sẽ trôi qua để nhường cho những sự kiên mới,
vì đó chỉ là hiệu ứng truyền thông.
Nguyễn
Hà Đông cũng là một lập trình viên bình thường, không
phải thiên tài hay tài năng công nghệ như báo chí tung
hô.
Việc
có nhiều lãnh đạo trong các công ty phần mềm ca ngợi
Đông và “vinh hạnh” được mời Đông cộng tác chỉ
là họ không dám nói thật. Khi các phương tiện truyền
thông nước ngoài nói về Đông thì những người này
không dám coi Đông là bình thường. Mặt khác, họ đang
tiếp thị cho công ty mình khi muốn mời Đông làm việc.
Điều này giống như một số công ty muốn mời Running
Man Vũ Xuân Tiến làm việc vậy, chỉ để quảng cáo mà
thôi.
Việc
ông Vũ Đức Đam có cuộc gặp động viên Đông và được
báo chí, truyền hình đưa tin chỉ là một cách tuyên
truyền của cơ quan công quyền. Bản thân ông Đam là
người phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục và
khoa học nên ông đã tỏ ra mình có quan tâm đến sự
kiện lần này, cũng để thể hiện chính phủ luôn quan
tâm đến những tài năng. Nhưng đáng tiếc là ông đã đi
quá đà, khi Đông cũng chỉ là người bình thường. Ông
muốn nhân sự kiện này khuyến khích giới trẻ trong việc
phát triển phần mềm hay rộng hơn là thực hiện ước
mơ của mình. Nhưng việc một ông Phó Thủ Tướng làm
những việc như thế rõ ràng chỉ có ở Việt Nam. Vì nếu
như Đông bị kiện vì vi phạm bản quyền thì không biết
việc làm này của ông Đam sẽ mang ý nghĩa gì? Việc một
số lãnh đạo trong ngành phần mềm bình luận về sự
kiện lần này cũng nhằm mục đích khuyến khích giới
trẻ hoặc họ bị choáng ngợp trước sự kiện bất ngờ
này.
Việc
báo chí Phương Tây đề cập nhiều đến sự kiện này
vì người Phương Tây quan tâm đến kết quả hơn quá
trình. Nếu một game được nhiều người chơi đến như
vậy mà không viết về nó thì không phải bản tính thực
dụng của người Phương Tây. Nhưng hãy đọc kỹ những
gì họ viết, họ ca ngợi thành quả chớ không ca người
tài năng của Đông. Còn tại sao game nổi tiếng thì tôi
đã phân tích ở trên.
Một
điều cần lưu ý nữa là lĩnh vực IT là một lĩnh vực
quốc tế, nên sự lan tỏa của nó là không có giới hạn,
chính điều này đã làm cho Flappy Bird và tác giả của nó
được báo chí nước ngoài chú ý nhanh chóng. Nếu một
ca sĩ Việt Nam nổi tiếng bậc nhất thì cũng chẳng được
những người nước ngoài quan tâm vì ca sĩ đó chỉ ca
tiếng Việt.
Và
điều quan trọng không phải là có một Nguyễn Hà Đông
thứ hai, mà chính là chúng ta nên có những người chuyên
nghiệp hơn từ đặt ra ý tưởng đến thực hiện ý
tưởng và biết cách bảo vệ thành quả của mình. Điều
trước tiên là chúng ta phải hiểu luật chơi của quốc
tế.
Trong
khi báo chí nước ngoài xem đây chỉ là một sự kiện
thì người Việt Nam lại coi là một biểu tượng. Chúng
ta thích biểu tượng hơn thực tại. Chúng ta muốn người
Việt Nam nổi tiếng nhưng phần lớn chúng ta không muốn
làm. Chúng ta thích nhân tài hơn nhân lực, trong khi nhân
tài chỉ là số ít và không bền vững cho sự phát triển,
còn nhân lực là số đông và là lực lượng chủ chốt
trong bất cứ lĩnh vực nào. Ví như chúng ta có rất ít
người Việt ra làm việc ở nước ngoài, nhưng chúng ta
lại luôn muốn có người Việt Nam nổi tiếng trên thế
giới. Trong khi nếu chúng ta tập trung đưa người Việt
ra nước ngoài thì trong số hàng ngàn người ấy chắc sẽ
có vài người nổi tiếng. Chúng ta luôn bày tỏ lòng yêu
nước nhưng không muốn con mình đi nghĩa vụ quân sự.
Cuối
cùng, dù là vô tình nhưng Đông đã góp phần làm cho thế
giới biết nhiều hơn về Việt Nam, chúng ta cảm ơn Đông
vì điều này.
Nhận xét
Đăng nhận xét