12. Mạng xã hội báo chí

Khi đọc một bản tin trên mạng, ít khi nào chúng ta quan tâm đến tác giả thật sự của bản tin là ai. Không giống như báo chí ở các nước Phương Tây, tên phóng viên chính là thương hiệu quan trọng thứ hai sau tên của tờ báo. Vì thế những phóng viên nổi tiếng thu hút một lượng độc giả nhất định như các fan của mình. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, cách thức biên tập và xuất bản một bài báo đã trở nên nhanh chóng và đơn giản hơn rất nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực báo mạng. Như một xu hướng tất yếu, những tờ báo in dần dần sẽ biến mất, thay thế chúng là những bản tin điện tử. Với những ưu thế của báo mạng, những bản tin có thể lan truyền khắp nơi một cách dễ dàng. Giới hạn duy nhất hiện nay là rào cản ngôn ngữ, điều mà sẽ dần được khắc phục do tính toàn cầu hóa và sự phát triển của những công cụ dịch trực tuyến như Google Translate.



Nếu nhìn nhận những bản tin chỉ như những thông tin thì hiện nay những bản tin đã vượt ra khỏi ranh giới của những tờ báo. Chúng ta có thể có được thông tin các forum, các mạng xã hội, các trang chia sẽ trực tuyến như Youtube. Đối với nguồn thông tin này, những người tham gia vào chúng là những người cung cấp tin cho mọi người. Ví dụ như bạn xem một video trên Youtube để biết được thông tin từ một cuộc biểu tình ở Thái Lan do một người tham gia biểu tình tải lên. Những thông tin đó có thể chưa được biên tập chuyên nghiệp và kiểm chứng như thông tin của một hãng tin. Nhưng với một số người, họ sẽ hiểu được những thông tin đó một cách chân thực hơn từ một hãng tin. Như vậy, người xem video đó cũng chính là người tự tạo bản tin cho mình và hiểu những thông tin đó theo cách của mình. Với những người có kiến thức trong lĩnh vực mà video đó phản ánh sẽ đánh giá thông đó chính xác chẳng kém một phóng viên. Nếu có nhiều người đánh giá video đó thì nó sẽ được xem như được phân tích một cách đa chiều. Đó cũng chính là điều mà các hãng tin đang áp dụng cho các bản tin của mình. Việc đọc cùng một thông tin và có cách hiểu, cảm nhận khác nhau là một điều hết sức tự nhiên. Vì vậy, thông tin không bao giờ là chính xác tuyệt đối theo cách trình bày của phóng viên, đó chỉ là cách hiểu và cảm nhận của anh ta. Điều đó mang đến cho chúng ta một sự thật là mỗi người chúng ta có thể là nguồn tin, là phóng viên, và là độc giả. Mọi người cùng nhau chia sẽ, cùng nhau đánh giá những bản tin. Bản tin đó sẽ có giá trị khi nó được đánh giá, xác nhận hoặc không gì cả. Nhưng nó vẫn là một thông tin cho mọi người.

Vì thế, trong bài viết của mình, tôi sẽ định nghĩa lại thế nào là một bản tin trong thời đại công nghệ như hiện nay, cách thức nó lan truyền đến mọi người, cách mọi người tham gia cung cấp nguồn tin, biên tập, phát hành, xác nhận, đánh giá những bản tin đó.

Thế nào là một bản tin

Khi chúng ta quay một video về cảnh kẹt xe ở Sài Gòn và đưa nó lên Youtube cho những người khác vào xem. Họ sẽ thấy một cảnh tượng kẹt xe ở một khu vực mà có thể họ biết rõ hay không biết. Nếu trong video đó có một ít thông tin về thời gian và địa điểm thì nó có thể xem như một bản tin mà không cần chữ, không cần giới thiệu, không cần xác minh, không thuộc một hãng tin nào. Nhưng phần lớn mọi người tin tưởng bản tin đó là thật, nghĩa cảnh tượng kẹt xe đó là thật. Nếu một số người có mặt trong video bình luận thêm thì nó càng được củng cố sự chân thực của video đó. Nó thật hơn cả những bài báo viết về cảnh kẹt xe đó, vì bài viết đã thay đổi tính chân thực, dù là ít, qua con mắt của phóng viên. Bản tin đơn giản chỉ là vậy.

Một bản tin trong thời đại công nghệ hiện nay chỉ đơn giản là cung cấp thông tin bằng chữ, hình ảnh, bằng audio, video qua mạng. Trong khi những cảm nhận, xác minh thông tin hay đánh giá bản tin là của tất cả mọi người.

Vấn đề ở chỗ là một bản tin như vậy sẽ được kiểm chứng tính chính xác bằng cách nào? Khi bản tin được công bố trên internet thì mọi người sẽ xác minh được tính chính xác của bản tin. Nếu quả thật không có cảnh kẹt xe ở khu vực đó vào thời điểm mà video đề cập, những người có liên quan có thể phản bác, vạch trần sự thật. Mặt khác, nếu thông tin là đúng thì mọi người có thể bổ sung thêm thông tin cho bản tin đó, khiến nó đầy đủ thông tin hơn.

Có thể bạn không xem những bản tin như vậy là một bản tin đúng nghĩa như bản tin trên các trang báo mạng. Nhưng bạn có thể hiểu là bạn không chỉ đọc tin trên báo mà còn đọc tin từ những trang khác như blog, Facebook, Youtube,.... Trong khi những người đưa thông tin đó lên đâu phải là phóng viên. Điều đó chứng tỏ thông tin thật sự là chỉ được hiểu theo cách của mỗi người. Bước trung gian giữa nguồn tin và người đọc là chính là phóng viên. Nhưng có nhiều thông tin chúng ta không cần bước trung gian này, như việc xem cảnh kẹt xe trong video đã nói ở trên.

Cách thức bản tin lan truyền trên mạng

Khi bản tin được đưa lên mạng, nó sẽ được chia sẽ qua các forum, mạng xã hội, blog. Có người xem trực tiếp nội dung gốc của nó, cũng có người biên tập hay viết lại nó như một bài báo, rồi tiếp tục lan truyền một cách gián tiếp. Mọi người xem, bình luận, đánh giá nó, qua đó cũng xác minh tính chính xác của nó. Tùy theo nội dung bản tin có được mọi người quan tâm hay không mà việc xác minh, đánh giá nó có được nhiều người thực hiện hay không. Khi đó, bất cứ ai cũng có thể cung cấp tin, chỉ là những thông tin thô sơ, rồi có ai đó sẽ biên tập, có ai đó sẽ xác minh, và cũng có ai đó đánh giá, bình luận. Ưu điểm của internet sẽ được thể hiện rõ nét qua cách cung cấp tin này.

Ai cũng có thể là phóng viên

Nếu ai cũng có thể cung cấp tin thì mọi người đều có thể là phóng viên. Quả thật, khi đó chúng ta có nguồn tin ở mọi nơi trên thế giới. Ví dụ như những người dân sống ở Sochi sẽ post những tấm ảnh, video về Olympic mùa đông, những người Mỹ ở vùng Trung-Tây Hoa kỳ post những thông tin về bảo tuyết đang diễn ra ở thành phố của họ, những người ở Bắc Kinh thì đưa thông tin về khói bụi ở Thủ đô Trung Quốc,... Những người này là những nguồn tin đáng tin cậy. Một người nào đó sống ở Nhật xem những thông tin về Olympic và viết lại thành một bản tin hoàn chỉnh theo cách của anh ta và chia sẽ lại lên mạng cho mọi người xem một cách có hệ thống. Mọi người, bao gồm những người là nguồn tin, sẽ xem và xác minh, đánh giá bài viết của anh người Nhật. Có thể một người khác cũng viết một bản tin khác về Olympic và cũng nhận được sự đánh giá của mọi người. Khi đó, bản tin nào được đánh giá cao hơn sẽ được mọi người tin tưởng hơn.

Mọi người là ban giám khảo

Khi mọi người tham gia vào việc đánh giá nguồn tin, bản tin đã biên tập và tác giả của chúng thì sẽ hình thành nên thước đo cho uy tín của tác giả. Những người có uy tín cao sẽ được những người khác tin tưởng và theo dõi thông tin từ họ. Như vậy mọi người sẽ là ban giám khảo để đánh giá những tác giả của bản tin và đánh giá nội dung của bản tin đó. Những đánh giá do một lượng lớn mọi người thực hiện thì chất lượng kết quả đó hẳn nhiên cũng cao. Phát triển thuật toán để đưa ra chỉ số định lượng cho những đánh giá này là yêu cầu cần thiết lúc này.

Chia sẽ như một mạng xã hội

Với trào lưu tham gia các mạng xã hội của nhiều người như hiện nay thì việc lan truyền bản tin và thông tin tác giả của nó là vô cùng thuận lợi. Việc chia sẽ những bản tin như chia sẽ một Tweet trên Twitter là một cách thu hút người dùng tương tác. Trong khi những bản tin này được tổ chức như những video trên Youtube, nghĩa là mọi người có thể tìm kiếm và tạo kênh cho mình. Như vậy, dịch vụ cung cấp và chia sẽ bản tin sẽ hoạt động dựa trên sự kết hợp giữa cách thức tương tác của Twitter và Youtube. Đây chính là ý tưởng cho một mạng xã hội báo chí. Mọi người tham gia mạng xã hội này sẽ cung cấp tin, biên tập bản tin, xác minh, đánh giá bản tin và thu được sự uy tín của cá nhân. 

Ý tưởng cho một hình thức kinh doanh mới

Khi đã hình thành nên một mạng xã hội báo chí thì nó trở nên giống một Facebook của những bản tin. Việc kinh doanh trên mạng xã hội này chính là quảng cáo, thu phí thành viên VIP, cung cấp những ứng dụng tiện ích chỗ việc biên tập và theo dõi bản tin,...

Bạn có cho rằng đây là một ý tưởng khả thi? Nếu có thắc nào xin gởi mail cho tôi theo địa chỉ samiconn@gmail.com.



Nhận xét