8. Bitcoin - Một loại tiền ảo hay liều thuốc phi chính trị
Trước khi đọc
tiếp, bạn hãy tìm hiểu về Bitcoin nếu bạn chưa hiểu
rõ về nó bằng các link sau:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Bitcoin
http://en.wikipedia.org/wiki/Bitcoin
http://bitcoin.org/en/
https://en.bitcoin.it/wiki/Main_Page
http://en.wikipedia.org/wiki/Bitcoin
http://bitcoin.org/en/
https://en.bitcoin.it/wiki/Main_Page
Từ một loại tiền ảo
Tại sao Bitcoin
thực sự là tiền ảo? Bởi vì nó không có thật. Thật
sự là vậy. Nếu bạn đem so sánh Bitcoin với Paypal thì
rõ ràng Paypal chỉ là một dịch vụ thanh toán, còn
Bitcoin mới thật sự là tiền vì nó có tỷ giá thay đổi
đối với đồng USD. Nếu bạn muốn chuyển tiền cho một
người nào đó bằng phương thức thanh toán ảo thì bạn
sẽ dùng tiền thực của mình chuyển thành tiền Paypal
rồi chuyển cho họ. Khi đó họ sẽ đổi tiền Paypal
thành tiền thật. Paypal chỉ thu lợi nhuận từ chi phí
đổi tiền và chuyển tiền, nó không có tỷ giá thay đổi
theo thị trường. Bitcoin thì khác, nó tự thân là một
loại tiền vì nó có tỷ giá thay đổi theo sự quan tâm
của thị trường. Nó chỉ khác các đồng tiền thật là
nó không được in ra thành vật chất và cũng không ai có
quyền in nó ra. Không một ngân hàng nào có thể phát hành
Bitcoin vì nó không thuộc sự quản lý của bất cứ Ngân
hàng Trung ương nào. Vì thế cũng không có Ngân hàng nào
xác định tỷ giá cho nó.
Vậy tại sao bạn
có thể đổi USD lấy Bitcoin và ngược lại? Nó không
giống Paypal sao? Nếu bạn chuyển tiền vào tài khoản
Paypal để thanh toán trên mạng thì bạn chỉ đang sử
dụng dịch vụ của Paypal vì số tiền của bạn trên
Paypal sẽ không thay đổi. Còn nếu bạn đổi USD lấy
Bitcion, tiền của bạn trên các Wallet sẽ thay đổi hàng
ngày theo tỷ giá thị trường. Với số Bitcoin đó có khi
bạn đang có được 100 USD, cũng có khi bạn đang có được
1triệu USD. Như thế, đổi USD lấy Bitcoin thì bạn chỉ
là một người đang đầu tư vào Bitcoin như đầu tư một
loại cổ phiếu. Vì vậy mà người dùng Bitcoin còn được
nói là đang chơi Bitcoin.
Nếu nó như một
loại cổ phiếu thì sao nó là tiền được? Nó là tiền
vì nó có thể dùng để thanh toán một cách trực tiếp
và nó không do một công ty nào nắm giữ. Những dịch vụ
thanh toán nào chấp nhận Bitcoin thì họ cũng đang kinh
doanh Bitcoin. Bitcoin vừa là phương tiện thanh toán vừa là
một hàng hóa để đầu tư.
Có một số người
đang khai thác Bitcoin bằng máy tính như khai thác vàng, vậy
Bitcoin có phải giống như vàng? Nếu xét về lịch sử
các phương tiện thanh toán thì quả thật vàng là chất
được mọi người chấp nhận như một tài sản và một
phương tiện thanh toán. Bitcoin hiện nay cũng đang ở trạng
thái này. Chỉ có khác là Bitcoin không được tất cả
mọi người thừa nhận, nên nó chỉ có giá trị đối
với những người chấp nhận nó như một tài sản và
một phương tiện thanh toán.
Bitcoin chỉ là
một đồng tiền được quy ước là đồng tiền ảo,
không ai sở hữu quyền tạo ra nó, không ai có quyền tác
động đến tỷ giá một cách riêng biệt. Nếu mọi người
coi nó là đồng tiền thì tự thân nó trở thành phương
tiện thanh toán, nếu không thì nó chẳng là gì.
Những người tạo
ra Bitcoin mong muốn có một đồng tiền chung của thế
giới, không bị kiểm soát bởi các chính phủ, không bị
chi phối bởi những định chế tài chính, không bị ràng
buộc bởi biên giới quốc gia, mọi người đều có quyền
ngang nhau với Bitcoin, và nó được quản lý một cách
công khai bởi cộng đồng những người sử dụng. Nó
được gọi là một đồng tiền mở nên nó cũng giống
những phần mềm mã nguồn mở. Nếu bạn có hành vi chiếm
hữu nó thì mọi người sẽ thấy vì nó công khai các
giao dịch và thế là nó sẽ bị thay đổi tỷ giá thành
một đồng tiền ít giá trị do mọi người mất niềm
tin vào nó. Lúc đó bạn sẽ thu được tiền Bitcoin ít
giá trị hơn đồng tiền thực mà bạn dùng để chiếm
hữu nó. Hãy xem bài viết về một vụ trộm Bitcoin từ
nhà cung cấp dịch vụ Bitcoin Mt. Gox [2].
Bitcoin được
quản lý theo giao thức peer-to-peer nên mỗi thành viên tham
gia sở hữu Bitcoin đều có phiếu trong việc định giá
Bitcoin. Quả thực Bitcoin là một loại tiền ảo có tính
dân chủ đúng không? Nhưng nếu bạn hay tổ chức của
bạn sở hữu quá nhiều số phiếu (trên 50%) trên tổng
lượng phiếu thì mọi người sẽ e ngại, thế là Bitcoin
mất giá, bạn sẽ mất tiền
Đến tham vọng phi chính trị ngành tài chính
Khi Trung Quốc giữ
cho đồng Yuan (Nhân dân tệ) giá thấp hơn giá trị thực
của nó trên thị thường tài chính thế giới để giữ
lợi thế về xuất khẩu (giá trị hàng hóa xuất khẩu
sẽ thấp, tăng tính cạnh tranh) thì rõ ràng đồng Yuan
đang bị kiểm soát cho mục đích chính trị của Trung
Quốc [3]. Hay chính sách phá giá đồng Yen của Chính phủ
Nhật bởi chính sách Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe
làm cho các công ty Nhật tăng cường xuất khẩu và tăng
chỉ số lạm phát nhằm kích thích tiêu dùng nội địa,
cũng nhằm giải quyết sự suy thoái kinh tế Nhật. Rõ
ràng khi tham gia vào thị trường toàn cầu, các nước chỉ
tuân thủ luật chơi khi nó có lợi cho mình, còn không thì
họ có thể đơn phương gây hại đến người tiêu dùng
hay các công ty nước khác. Bitcoin không tuân theo luật
chơi của nước nào, ngay cả Liên Hợp Quốc, vì vậy nó
được những người có xu hướng chống lại chính phủ
các nước ủng hộ. Điều này thể hiện rõ qua vụ việc
về Wikileaks. Có lẽ ông Assange cũng không bất ngờ lắm
khi Paypal quyết định chấm dứt sự đóng góp của cộng
đồng những người ủng hộ Wikileaks thông qua tài khoản
Paypal [4]. Đơn giản vì Paypal chịu áp lực từ Chính phủ
Mỹ. Hơn ai hết, Wikileaks cần Bitcoin hơn cả. Chính phủ
Mỹ sẽ không làm được gì nếu mọi người đóng góp
cho Wikileaks bằng tiền Bitcoin. Và đây cũng chính là mục
tiêu của những người tạo ra Bitcoin, một đồng tiền
không bị kiểm soát bởi các hoạt động mang tính chính
trị của các nước.
Khi Bitcoin được
cả thế giới chấp nhận sử dụng rộng rãi thì nó sẽ
thách thức đầu tiên đồng USD. Khi đó tham vọng đưa
đồng Yuan trở thành phương tiện thanh toán chủ yếu
trên thế giới của Trung Quốc cũng bị đe dọa. Liên
minh Châu Âu (EU) đang thận trọng với Bitcoin, Trung Quốc
tỏ rõ lập trường chống đối, Quốc hội Mỹ thì thừa
nhận Bitcoin là một đồng tiền có thể thanh toán, các
nước còn lại thì đang quan sát. Quan ngại chủ yếu mà
họ đưa ra chính là các tổ chức tội phạm có thể giao
dịch hay rửa tiền thông qua Bitcoin. Điều này rõ ràng là
hoàn toàn có thể vì Bitcoin giữ bí mật thông tin tài
khoản, chỉ công bố thông tin giao dịch dưới dạng các
tài khoản được tạo ra để sử dụng một lần.
Vậy tại sao Quốc
hội Mỹ lại không quan ngại bằng các nước khác? Rõ
ràng người Mỹ có nhiều cái lợi hơn mối lo về những
hoạt động rửa tiền.
Nhưng khó thành hiện thực
Nếu Bitcoin thành
công trong việc trở thành phương tiện thanh toán chính
trong các giao dịch điện tử thì nó cũng không thể thay
thế USD trong các hoạt động kinh tế thực. Những hoạt
động kinh tế này giao dịch hàng chục ngàn tỷ USD so với
con số vài chục tỷ USD mà tổng số Bitcoin đang trị giá
hiện nay. Nếu khi Bitcoin đạt được cột mốc tối đa
21 triệu đồng được tạo ra [5] thì tỷ giá của nó so
với đồng USD có thật sự cao cũng không làm người Mỹ
lo ngại. Với nền kinh tế thị trường hàng đầu thế
giới, nước Mỹ hoàn toàn có thể xem Bitcoin như một
dạng cổ phiếu và chi phối nó một cách công khai bằng
các tác động đến chính sách tài chính. Có thể bỗng
nhiên một ngày Quốc hội Mỹ ra một đạo luật cấm các
công ty Mỹ và đồng minh sử dụng Bitcoin trong giao dịch
vì hoạt động của nó không trong sạch (bị các tổ chức
tội phạm lợi dụng) và gây ảnh hưởng đến an ninh
kinh tế Mỹ. Điều này giống như cấm vận Bitcoin. Nếu
các nước cấm cửa Bitcoin thì nó sẽ sập ngay. Rõ ràng,
quyền hành vẫn nằm trong tay các chính phủ. Nên nhớ
rằng, Bitcoin được tạo ra và có giá trị dựa trên sự
thừa nhận và niềm tin của cộng đồng người dùng. Nếu
các dịch vụ thanh toán không chấp nhận Bitcoin nữa thì
nó sẽ tự mất niềm tin, tự mất giá, tự tiêu tan. Các
dịch vụ thanh toán đều được sở hữu bởi các công
ty, các công ty này tồn tại thực sự trên lãnh thỗ các
quốc gia. Liệu họ có thể không tuân theo luật của nước
sở tại? Nếu Amazon cấm cửa Bitcoin thì khách hàng của
họ sẽ chẳng dùng Bitcoin làm gì.
Bitcoin là một
thực thể, dù là ảo thì nó cũng được tạo ra bởi
những người sáng lập, được quản lý bởi cộng đồng
người dùng, những người này cũng phải tuân theo luật
pháp, luật pháp do các thế lực chính trị tạo ra, nên
nó cũng bị kiểm soát bởi các các thế lực chính trị,
các thế lực chính trị bị chi phối bởi các định chế
tài chính, các định chế tài chính sẽ không để cho một
loại tiền ảo loại họ ra khỏi cuộc chơi nếu nó mang
lại lợi ích cho họ hay chống lại họ. Nếu Bitcoin nằm
trong tầm kiểm soát của các định chế tài chính Mỹ
thì nó sẽ là một công cụ để đồng USD bảo vệ vị
thế của mình trước sự tấn công của đồng Yuan. Còn
Trung Quốc, họ sẽ lo ngại bất cứ cái gì mà Đảng
Cộng Sản không thể kiểm soát hay mang tới nguy cơ cho vị
thế cầm quyền của họ.
Ước mơ tạo ra
một thế giới do mọi người trên thế giới cùng quản
lý chớ không phải các thế lực nào đó là một ước
mơ quá xa vời vì mọi người không thể cùng quản lý
lẫn nhau.
Tóm lại
Nếu bạn đang sở
hữu hoặc muốn sở hữu Bitcoin, bạn phải nghĩ rằng
mình đang đầu tư vào một dạng cổ phiếu mà giá trị
của nó do mọi người từ chính phủ các nước đến các
doanh nghiệp và những người sở hữu khác quyết định.
Rồi nó sẽ bị kiểm soát bởi các thế lực tài chính,
chính trị thế giới chớ không phải người dân.
Nhận xét
Đăng nhận xét