7. Phần mềm tự do nguồn mở - người Việt nên dùng
Nếu bạn là dân công nghệ
thông tin chắc là bạn đã biết thế nào Phần mềm tự
do nguồn mở (PMTDNM). Đối với những người không biết
cũng không sao, vì bài viết này chủ yếu dành cho bạn
đó. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu về Phần
mềm tự do nguồn mở và những ưu điểm cũng như nhược
điểm mà nó mang lại. Sau đó tôi sẽ gợi ý cho bạn một
số PMTDNM hay và thông dụng. Kế đến đó là tôi phân
tích tại sao những phần mềm loại này lại phù hợp với
đa số người Việt. Qua bài viết, tôi cũng mong rằng
PMTDNM sẽ được phổ biến hơn, đặc biệt là đối với
đa số cá nhân và các cơ quan công quyền. Vì như thế,
chúng ta sẽ thay đổi quan điểm về thế nào là phần
mềm, thay đổi thói quen sử dụng phần mềm của chúng
ta. Qua đó, tôi cũng hy vọng là chúng ta bớt sử dụng
những phần mềm lậu, mà thay vào đó hay sử dụng những
phần mềm miễn phí nếu chúng ta không muốn bỏ tiền
ra. Đó là thói quen cần thay đổi, nhất là trong thời
đại toàn cầu hóa như hiện nay.
Nếu bạn hỏi tôi có sử
dụng phần mềm lậu không, tôi trả lời là có. Tôi đã
sử dụng máy tính từ rất lâu, tôi đã sử dụng rất
nhiều phần mềm không có bản quyền, từ những phần
mềm Hệ điều hành Windows đến những phần mềm tiện
ích khác như office, antivirus, media, convert,... Đã có thời
gian phong trào đua nhau sử dụng phần mềm lậu đã bùng
phát, đến nỗi ngay cả một số tờ báo về Thủ thuật
máy tính cũng giới thiệu cách download những phần mềm
lậu hay cách để crack nó. Khi đó, bỏ ra khoảng 5 nghìn đồng,
chúng ta sẽ mua được một đĩa CD phần mềm đã crack,
nó bao gồm những phần mềm thông dụng và những phần
mềm hay. Thói quen sử dụng phần mềm lậu dần dần ăn
sâu vào mỗi người. Sau này, khi Internet phát triển, chúng
ta không còn đi ra tiệm mua đĩa CD mỗi tuần nữa, chúng
ta download trực tiếp từ những trang web được lập ra
bởi phần lớn là những người người Việt hay người
Nga, Trung Quốc. Có thể nói việc sử dụng phần mềm lậu
là thói quen mỗi khi chúng ta muốn tìm một phần mềm nào
đó, đến nỗi chúng ta quên rằng chúng ta đang làm một
việc xấu mà không nghĩ tới. Với việc dễ dàng download
và không bị ai kiện cáo khi mà phần lớn những phần
mềm được sản xuất từ những nước Phương Tây, chúng
ta tự do một cách đáng ngạc nhiên trong suy nghĩ của
chúng ta về việc sử dụng phần mềm. Khi có ai đó mua
đĩa phần mềm bản quyền với giá vài trăm nghìn đồng,
chúng ta chắc hẳn sẽ cười họ, phí tiền. Nếu khi đất
nước chúng ta phát triển về công nghệ phần mềm, những
phần mềm Việt sẽ được nhiều người Việt sử dụng,
khi đó những người sử dụng máy tính mà đặc biệt là
dân công nghệ sẽ cảm thấy sự vi phạm bản quyền sẽ
kinh khủng thế nào. Tôi không đi sâu vào những chi tiết
về vi phạm bản quyền phần mềm hay vi phạm bản quyền
công nghệ, tôi chỉ xin giới thiệu với các bạn một sự
lựa chọn khác, không tốn tiền, chỉ tốn chút thời
gian, để các bạn có thể thay đổi thói quen của mình,
đó là những phần mềm tự do nguồn mở.
Giới thiệu phần mềm
tự do nguồn mở
Thế nào là phần mềm tự
do nguồn mở? Các bạn có thể tham khảo tại wikipedia
[1]. Khi tìm hiểu về khái niệm về phần mềm tự do
nguồn mở, các bạn nên phân biệt giữa phần mềm tự
do (free software), phần mềm nguồn mở (open source
software) và phần mềm tự do nguồn mở (free open
source software). Trong bài viết này, tôi sẽ đề cập
đến cả ba loại phần mềm trên, nhưng sẽ chú ý đến
những phần mềm miễn phí, đó là mục tiêu
bài viết này. Không phải phần mềm tự do hay phần mềm
nguồn mở nào cũng miễn phí hoàn toàn, đặc biệt là
đối với các doanh nghiệp, vì vậy tôi chỉ muốn giới
thiệu đến các bạn sử dụng vơi tư cách cá nhân những
phần mềm miễn phí. Ngoài ra, tôi cũng giới thiệu đến
các bạn một số trang web về phần mềm tự do nguồn mở
[2]. Kế đến tôi sẽ giới thiệu với các bạn những
phần mềm tự do nguồn mở thông dụng có thể đáp ứng
được nhu cầu công việc của chúng ta.
[1]http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A7n_m%E1%BB%81m_t%E1%BB%B1_do_ngu%E1%BB%93n_m%E1%BB%9F(Tiếng
Việt),
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A7n_m%E1%BB%81m_t%E1%BB%B1_do_ngu%E1%BB%93n_m%E1%BB%9F(Tiếng
Anh)
[2]http://vnfoss.blogspot.com/
(Trang blog của tác giả Lê Trung Nghĩa), http://vfossa.vn/
(CLB PMTDNM Việt Nam), https://fossbazaar.org/,
http://flosshub.org/biblio
(Bài bài viết học thuật thuộc lĩnh vực PMTDNM),
http://freeopensourcesoftware.org/index.php?title=Main_Page
(Trang wiki của PMTDNM)
Những phần mềm tự do nguồn mở thông dụng và nổi tiếng
Với người dùng bình thường thì có một
số phần mềm nền tảng đáp ứng những nhu cầu thông
thường (và phần này của bài viết này thật sự hướng tới những
người như vậy chớ không phải những người chuyên về
IT). Chúng ta cần phần mềm hệ điều hành, phần mềm mà
đối với nhiều người chỉ biết có hệ điều hành
Windows và cũng nghĩ rằng trên thế giới này chỉ có
Windows là hệ điều hành. Kế đến là phần mềm ứng
dụng văn phòng giống như Microsoft Office, và cũng giống
như trên, có nhiều người chỉ biết có Microsoft Office là
phần mềm văn phòng. Kế đến là phần mềm mạng, cái
này thì chúng ta có thể sử dụng dễ dàng vì Google
Chrome hay Mozilla Firefox cũng chạy được trên tất cả các
hệ điều hành. Các phần mềm hát nhạc, video thì cũng
có những phần mềm miễn phí rất hay và mạnh mẽ, có
khi hơn cả Windows Media Player. Đối với người dùng
Windows thì không thể thiếu phần mềm diệt Virus, điều
này thì không cần thiết lắm khi bạn sử dụng hệ điều
hành Linux. Không kém phần quan trọng đó chính là các
phần mềm game, đây có thể là sự thua thiệt đáng kể
của các phần mềm miễn phí nếu so với người dùng
Windows hay Mac OS. Ngoài ra, người sử dùng Windows cũng hay
sử dụng những phần mềm tiện ích khác cho một số mục
riêng như chuyển đổi file nhạc, video, ebook,... Chúng ta
có thể tìm những phần mềm thay thế miễn phí, có khi
còn tốt hơn những phần mềm trên Windows.
Hệ điều hành
Với hệ điều hành thì
chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn. Có nhiều hệ điều
hành dựa trên nền tảng Linux, tuy không phải cái nào
cũng là phần mềm tự do nguồn mở, nhưng phần lớn là
chúng miễn phí. Tôi không đi sâu vào sự phân loại Linux
Distro, mà chỉ giới thiệu những hệ điều hành dễ sử
dụng và miễn phí. Nếu các bạn muốn biết rõ hơn về
Linux thì có thể google.
Ubuntu
Nếu là người mới sử dụng Linux thì
Ubuntu là sự lựa chọn tốt nhất cho bạn, với giao diện
người dùng khá thân thiện và gần gũi với hệ điều
hành Windows. Ngoài ra, quá trình cài đặt cũng dễ dàng vì
có giao diện đồ họa.
Debian
Ubuntu là hệ điều hành được phát triển
từ Debian nên có thể nói Debian là ông nội của Ubuntu.
Tuy nhiên, Debian cũng khó sử dụng hơn Ubuntu vì có thể phải sử dụng dòng lệnh, nên nó phù hợp cho những
người có kiến thức về Linux thật tốt. Tuy vậy, đổi
lại nó cho phép ta uyển chuyển trong quá trình sử dụng
vì có thể chỉnh sửa nhiều thành phần theo ý muốn. Nếu
bạn đã quen sử dụng thì có thể thấy thích thú với
tính đa năng của nó.
Linux Mint
Một sự lựa chọn khác cho người dùng
mới bắt đầu. Được phát triển dựa trên Ubuntu và
Debian, Linux Mint cung cấp thêm nhiều tiện ích của riêng
mình và tạo ra giao diện người dùng thân thiện như trên
Windows.
Fedora
Một bản phân phối khác của Linux mà
không dựa trên Debian (Fedora theo trường phái của RedHat,
tức là dựa trên chuẩn RPM Packages Manager). Fedora sử dụng
gói quản lý phần mềm yum thay cho apt trên
Debian. Giao diện đồ hoạ cũng đẹp và cũng dễ sử
dụng. Tuy nhiên tôi cho rằng những phần mềm phổ biến
tương tích với Fedora không nhiều bằng Ubuntu.
OpenSUSE
Đây là hệ điều hành
cũng theo trường phái RPM như Fedora, cũng có giao diện đồ
họa đẹp. Tuy nhiên, nó ít phổ biến ở Việt Nam so với
các hề điều hành trên.
Ứng dụng văn phòng
Nếu các bạn đã quen với giao diện của
Microsoft Office 2003 (MS 2003) thì những phần mềm như
OpenOffice hay LibreOffice thật sự rất dễ sử dụng, với
giao diện rất giống MS 2003. Bên cạnh tính năng khá đầy
đủ thì những phần mềm này cũng tương thích với những
file mà bạn đã tạo nở MS. Để gõ Tiếng Việt trên
Linux thì các bạn có thể dùng Unikey. Để đọc các file
PDF thì chúng ta có nhiều phần mềm hay và một số cũng
khá quen thuộc như Adobe Reader, Foxit Reader, tuy nhiện Okular là tốt nhất.
OpenOffice
LibreOffice
Gõ Tiếng Việt
Ibus-Unikey
Sau đây là các phần mềm
đọc PDF.
Adobe Reader
Foxit Reader
Okular
Evince
Phần mềm mạng
Hai trình duyệt Web Google Chrome và Mozilla
Firefox thì tôi khỏi phải giới thiệu vì có nhiều người
đã sử dụng chúng trên Windows.
Mozilla Firefox
Google Chrome
Thunderbird
Nếu bạn hay sử dụng Microsoft Outlook thì
Thunderbird chính là sự thay thế hoàn hảo.
Pidgin
Nếu bạn muốn chat giống Yahoo thì chúng
ta có Pidgin. Tuy không thể bằng Yahoo nhưng đổi lại
Pidgin có thể chat với người dùng của hầu hết các
dịch vụ khác từ Google Talk tới Facebook.
Phần mềm hát nhạc, xem video
Có lẽ ngoài Windows Media Player và iTurn thì
phần mềm nghe nhạc, xem video trên máy tính thông dụng
nhất hiện nay là VLC. Phần mềm này có thể chạy trên
nhiều hệ điều hành và quan trọng hơn là nó miễn phí.
Ngoài ra, nếu bạn thích xem video từ các đĩa DVD có chất
lượng tốt thì Xine là một phần mềm khá mạnh mẽ có
thể đáp ứng nhu cầu này. Trong khi đó Rhymthmbox là phần
mềm nghe nhạc mp3 cũng phổ biến trên Linux.
VLC
Xine
Rhymthmbox
Game
Có nhiều game trên Linux bạn
có thể thấy thích thú nhưng nếu so sánh với game trên
Windows thì không thể sánh bằng. Đổi lại, game trên
Linux đều miễn phí và có một số game cũng giống một
số game nổi tiếng trên Windows. Các bạn có thể tham khảo
link bên dưới để tìm hiểu thêm về game của Linux.
Riêng với các bạn là fan của Age of Empires (AOE) thì có
game thay thế trên Linux là 0 A.D, một game miễn phí và khá
giống với AOE.
Nếu có chút kỹ năng về
Linux và đọc được Tiếng Anh thì bạn có thể dễ dàng
tìm được game mình yêu thích. Ngoài ra, đối với các
game chạy trên nền web thì bạn hoàn toàn không bị phụ
thuộc vào hệ điều hành nào.
Phần mềm diệt Virus
Cái hay của Linux chính là
không cần thiết lắm phần mềm diệt virus. Do là phần mềm nguồn
mở và miễn phí nên phần lớn những virus được viết
ra không phải để tấn công Linux mà tấn công Windows và
Mac OS. Nếu những virus hay trojan, malware,... được viết
ra để chạy trên Windows thì nó hoàn toàn vô hiệu khi ở
trên Linux. Chính vì vậy chúng cũng vô hại nếu lỡ được
lưu vào máy tính. Nếu bạn chưa yên tâm thì tôi xin giới
thiệu một số phần mềm bảo mật nói chung cho Linux.
ClamAV
Comodo
AVG
Một số phần mềm khác
Nếu bạn muốn chuyển đổi
các file audio, video thì đã có phần mềm Handbrake,
Avidemux. Nếu muốn chuyển các file Ebook tất cả các định
dạng thì đã có phần mềm rất mạnh mẽ là Calibre. Phần
mềm chỉnh sữa ảnh như Adobe Photoshop thì bạn có thể
sử dụng Gimp, nó miễn phí nhưng chất lượng thì rất
tốt và giao diện cũng khá giống Adobe Photoshop. Ngoài ra,
bạn có thể tham khảo link bên dưới nếu muốn tìm thêm
phần mềm.
Handbrake
Avidemux
Calibre
Gimp
Ngoài ra, khi ban tìm được phần mềm nào
mình muốn download mà khó cài đặt (có thể phải cài đặt
bằng dòng lệnh - Command Line Interface (CLI)) thì các bạn
có thể vào trang bê dưới tìm và download file cài đặt
như trên Windows.
Linux free software catalog and packages search:
http://pkgs.org/
Lưu ý
Các bạn nên nhớ rằng
chúng ta đang sử dụng những phần mềm miễn phí, do cộng
đồng phát triển phần mềm trên khắp thế giới đóng
góp. Có những phần mềm hay hơn hẳn trên Windows nếu
chúng có cùng chức năng và cũng có những phần mềm trên
Linux mà trên Windows không có. Tuy nhiên, nếu bạn cần tìm
những phần mềm chuyên ngành thì rất ít có phần mềm
thay thế trên Linux. Có một phần mềm có thể giả lập
môi trường Windows để chạy các phần mềm viết cho
Windows trên Linux là Wine. Tuy nhiên, các bạn cần phải
tham khảo danh sách phần mềm nào có thể chạy trên Wine
thì hãy cài đặt. Một giải pháp khác là sử dụng phần
mềm giả lập để cài đặt cả hệ điều hành Windows
hay Mac OS trên Linux, đó là VirtualBox của Oracle. Tuy nhiên
tôi không khuyến khích bạn sử dụng Linux lại cài đặt
phần mềm lậu thông qua những công cụ giả lập này, vì
như vậy thì bạn sử dụng Linux nhằm mục đích gì ?
Wine
VirtualBox
Một trong những giải pháp khác mà tôi đã
có đề cập đến trong bài viết số 5 [3], đó là sử
dụng những ứng dụng đám mây của Google Chrome. Hiện
nay, bộ sưu tập ứng dụng trên Google Chrome Store khá
phong phú và phần lớn là miễn phí. Ví dụ như bạn có
thể sử dụng Google Docs thay cho những ứng dụng văn
phòng. Ngoài ra còn có nhiều ứng dụng khác có thể đáp
ứng nhu cầu công việc của bạn một cách tiện lợi mà
Google Chrome Store mạng lại, nó cũng có rất nhiều game
chạy trên nền web. Tuy những Chrome apps này không phải
PMTDNM nhưng chúng lại miễn phí.
Google Chrome Store
Giai đoạn làm quen với những phần mềm
mới thì có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng khi bạn đã
có thể làm chủ được nó thì lại vô cùng thú vị. Bạn
sẽ cảm thấy cách thức sử dụng phần mềm trước đây
thật hạn hẹp, trong khi thế giới phần mềm thì lại
rất đa dạng. Tôi hy vọng bạn sẽ thay đổi cách suy
nghĩ của mình và lựa chọn một cách đúng đắn về
cách thức suy nghĩ về bản quyền phần mềm.
Trong phần tiếp theo, tôi sẽ phân tích lý
do tại sao đa số người Việt nên sử dụng phần mềm
tự do mã nguồn mở. Và tôi cũng nói về cách chúng ta
phát triển ngành công nghiệp phần mềm tự do mã nguồn
mở như một ngành kinh doanh phần mềm theo cách thức khác
đi so với hiện nay.
Tại sao người Việt nên sử dụng phần mềm tự do nguồn mở
Đối với người Việt thì
phần lớn chúng ta chưa quen với việc trả tiền cho việc
sử dụng phần mềm. Có lẽ chúng ta đã quen với việc
dễ dàng sử dụng những phần mềm lậu. Chúng ta dễ
dàng chi tiền để mua quần áo, thức ăn, vật dụng sinh
hoạt mà không muốn chi tiền cho những thứ mà chúng ta
không thể sờ thấy được như phần mềm máy tính, điện
thoại. Ngay cả việc nghe nhạc hay xem video, chúng ta sẽ
không trả tiền có phí bản quyền của tác giả mà chỉ
muốn thưởng thức free. Một nền kinh tế với những
người hạn chế chi tiêu thì không thể phát triển. Bạn
có thử đi mua một đĩa CD nhạc về nghe, bạn sẽ thấy
mình đã bỏ ra một số tiền để mua chúng, mình phải
thưởng thức một cách nghiêm túc và giữ chúng như một
tài sản của mình. Khi đó bạn sẽ thấy mình ý thức
được việc chúng ta chi tiền cho cái gì là cần thiết,
và rồi chúng ta cũng ý thức được rằng nếu không có
tiền thì mọi chuyện tệ hại đến mức nào, và chúng
ta sẽ ý thức được làm việc là điều kiện tối thiểu
để chúng ta tồn tại. Nếu chúng ta muốn sử dụng những
thứ mắc tiền hơn, được phục vụ tốt hơn, chúng ta
sẽ phải làm việc nhiều hơn, nỗ lực hơn. Thay đổi
suy nghĩ chính là thách thức to lớn của chúng ta khi muốn
trở nên giàu có như những nước phương Tây.
Có thể nhiều người cho
rằng chúng ta còn nghèo, nếu chúng ta phải trả nhiều
tiền cho việc sủ dụng phần mềm thì chúng ta sẽ không
thể tiếp cận được những phần mềm chất lượng tốt
như ở các nước phát triển được. Tôi nghĩ chúng ta
không thể biện luận như thế được. Chúng ta không cần
có quá nhiều máy tính như hiện nay để sử dụng cho mục
đích công việc. Phần lớn chúng ta mua máy tính và sử
dụng một cách thiếu tôn trọng chúng. Một cơ quan,
trường học chỉ cần một phòng máy tính để phục vụ
công việc, chớ không phải mỗi người mỗi cái, để
rồi chúng ta chơi game, nghe nhạc là chính. Dần dần chúng
ta xem những thứ mà chúng ta thực sự ăn cắp của người
khác trở nên quá rẻ tiền, nên chúng ta không muốn sử
dụng chúng nghiêm túc nữa. Không ai cấm chúng ta xài tiền
của mình khi chúng ta mua những món hàng xa xỉ, nhưng đó
là tiền của chúng ta và chúng ta thực sự mua chúng. Nếu
không có tiền hoặc ít tiền, chúng ta buộc phải chấp
nhận sử dụng những thứ miễn phí hay kém chất lượng
hơn. Đó không phải là sự công bằng xã hội sao?
Nếu bạn cho rằng các tập
đoàn kinh tế to lớn kia đã kiếm quá nhiều tiền từ
những người khác thì chúng ta sẽ không trả thêm cho họ
nữa thì tôi cho rằng bạn đang nguy biện. Nếu bạn làm
được như họ thì bạn có làm không? Chúng ta đấu tranh
cho sự bất bình đẳng, sự thiếu công bằng một cách
rõ ràng, chớ không phải chỉ đơn giản lấy của người
giàu chia cho người nghèo. Vậy ai sẽ muốn làm giàu nữa?
Tôi sẽ không nói nhiều về
sự công bằng ở đây, thay vào đó, tôi sẽ nói về lợi
ích của những phần mềm miễn phí cho những người
không muốn chi tiền hay không có tiền để chi cho những
phần mềm.
Tránh vi phạm bản quyền phần mềm
Nếu luật pháp ở nước ta nghiêm minh
hơn, có lẽ phần lớn mọi người, bao gồm cả những cơ
quan công quyền, trường học, bệnh viện và một số
công ty, sẽ bị kiện vì vi phạm bản quyền. Đến những
nơi tưởng chừng văn minh hơn những chỗ khác như Trường
Đại học cũng xài phần mềm lậu. Thay vì yêu cầu sinh
viên sử dụng phần mềm bản quyền hoặc phần mềm miễn
phí thì họ chia sẽ cho nhau cách vi phạm bản quyền. Sự
náo loạn giao thông trên đường hay cách giành giật vị
trí ở chỗ đông người thể hiện sự bất quy tắc của
xã hội, thể hiện ý thức kỷ luật kém của mọi người.
Chúng ta sẽ dạy con cháu mình thế nào khi chúng ta hành
xử trái với lời nói. Vì vậy, khi sử dụng phần mềm
miễn phí, chúng ta chấp nhận với thực trạng chúng ta,
chúng ta không muốn hoặc không thể chi tiền cho phần mềm
bản quyền, và chúng ta thực hiện công việc của mình
một cách hợp pháp.
Trong thời đại ngày nay, bạn có ít khó
khăn hơn khi sử dụng các phần mềm miễn phí. Lên
Google, tốn chút thời gian là bạn có thể tìm được
giải pháp cho công việc của mình muốn làm.
Ngoài ra, bạn có thể mang máy tính của
mình đến các dịch vụ cài đặt máy tính, tốn vài chục
ngàn để họ cài đặt những phần mềm miễn phí giúp
bạn, bạn chỉ việc dùng. Nếu có những phần mềm bản
quyền không thể thay thế thì công ty của bạn phải chi
tiền cho việc đầu tư vào hệ thống công nghệ thông
tin của công ty. Họ không làm như thế, bạn hãy sử dụng
phần mềm miễn phí cho mục đích cá nhân, ít ra là vậy.
Có nhiều khó khăn cho sự khởi đầu, vì vậy công việc
hỗ trợ người dùng sử dụng các phần mềm miễn phí
phải có tổ chức, cơ quan công quyền góp sức. Trong bài
viết sau, tôi sẽ nói về việc chúng ta thúc đẩy xã hội
sử dụng phần mềm tự do nguồn mở như thế nào.
Có thể tự phát triển phần mềm
Vì là phần mềm tự do nguồn mở nên
chúng ta hoàn toàn có quyền sử dụng mã nguồn và phát
triển chúng theo nhu cầu công việc. Vì vậy, những phần
mềm như thế này có thể phù hợp với rất nhiều nhu
cầu khác nhau. Và bạn có thể kinh doanh những phần mềm
do mình phát triển một cách hợp pháp. Đây không phải
là cái gì đó mới mẻ, đã có nhiều công ty như thế
trên thế giới và cũng khá nổi tiếng. Ở đây, họ
không kinh doanh bản quyền phần mềm mà kinh doanh sự hỗ
trợ kỹ thuật. Khi bạn sử dụng phần mềm nguồn mở
và triển khai cho công ty của mình, bạn sẽ cần sự hỗ
trợ kỹ thuật của công ty phát hành phần mềm đó, bạn
sẽ mua sự hỗ trợ đó theo thời hạn bạn cần như một
năm, hai năm. Nếu bạn chỉ phát triển phần mềm tự do
nguồn mở này thành phần mềm của riêng mình thì nó
thật sự của riêng bạn một cách hợp pháp. Điều này
thực sự cần thiết cho các mô hình chính phủ điện tử
của những quốc gia đang phát triển. Lệ thuộc vào phần
mềm của những quốc gia khác cũng có nghĩa là bạn đang
đẩy quốc gia mình đến những nguy cơ an ninh mạng. Không
phải ngẫu nhiên mà chính phủ Trung Quốc chọn Ubuntu là
nền tảng cho hệ điều hành quốc gia của họ [4].
Vì thế, có thể tạo ra hệ
thống công nghệ thông tin cho riêng mình một cách hợp
pháp, ít tốn kém và không phải phát triển từ đầu
chính là ưu điểm của việc lựa chọn phần mềm tự do
nguồn mở.
[4]
http://www.engadget.com/2013/03/23/china-chooses-ubuntu-for-a-national-reference-os-coming-in-april/
Tương lai của phần mềm tự do nguồn mở
Lợi thế của phần những phần mềm
nguồn ngở và phần mềm tự do nguồn
mở chính là sự đóng góp của cộng đồng. Cộng đồng
ở đây có thể hiểu là cộng đồng thế giới phần
mềm. Với tính “mở”, mọi người đều có thể sử
dụng mã nguồn và thay đổi hay phát triển chúng. Với
tính “tự do”, mọi người có thể tái phân phối chúng
một cách hợp pháp ra thế giới. Nếu chúng ta bắt nhịp
được với sự phát triển của phần mềm nguồn mở,
chúng ta sẽ thấy mình có thể sở hữu những phần mềm
của riêng mình và có thể kinh doanh trên chúng. Những
phần mềm tự do nguồn mở có khả năng tương đương
với những phần mềm độc quyền của các hãng công nghệ
khổng lồ về tính năng và chất lượng. Vậy thế giới
này chỉ nên sử dụng phần mềm tự do nguồn mở không
thôi? Tôi không nghĩ thế. Những phần mềm độc quyền
là những sản phẩm có tính cách riêng, đó là khả năng
đáp ứng đầy đủ và kịp thời yêu cầu của người
một cách có trách nhiệm trong kinh doanh. Vì vậy, những
phần mềm độc quyền tiến hóa theo nhịp điệu của thị
trường. Ngược lại, những phần mềm tự do thì không
có một trách nhiệm rõ ràng đối với người dùng. Nó
thực sự được làm ra do nhu cầu của người dùng, nhưng
không phải lúc nào cũng kịp thời, đầy đủ và làm
thỏa mãn người dùng. Đôi khi nó đi trước thời đại,
đôi khi chũng đi sau, nghĩa là nó tiến hóa theo cách đôi
khi cũng ngẫu hứng. Con người cần cả hai loại phần
mềm này, chính vì vậy chúng cùng tồn tại và có thị
trường của riêng nhau.
Đối với những nước đang phát triển
như Việt Nam, quá trình hội nhập với thế giới khiến
chúng ta phải tuân thủ các luật chơi chung. Chính vì vậy,
vấn đề vi phạm bản quyền là điều sẽ phải hạn chế
và dần xóa bỏ, đặc biệt là trong các cơ quan công
quyền, các tổ chức, các doanh nghiệp. Nhưng nếu làm
thế, chúng ta sẽ phải chi một số tiền không nhỏ cho
đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Và sau đó, thực
sự chúng ta sẽ bị lệ thuộc vào công nghệ của các
hãng phần mềm mà đa số là từ các nước phát triển.
Lúc này, thực sự chúng ta sẽ bị tác động bởi một
quyền lực mềm trong công nghệ. Có thể nói cả xã hội
đã sử dụng những phần mềm của nước ngoài trong mọi
công việc liên quan đến công nghệ thông tin là một điều
đầy rủi ro nếu không muốn nói là nguy hiểm. Vì vậy,
với thực trạng là một người đi sau, bên cạnh việc
thúc đẩy việc sử dụng phần mềm có bản quyền thì
chúng ta cũng nên thúc đẩy sự phổ biến của những
phần mềm tự do nguồn mở. Bởi vì chúng ta có thể biến
những phần mềm như thế thành phiên bản riêng mình. Sử
dụng chúng làm nền tảng cho một hệ thống phần mềm
của riêng Việt Nam.
Mặt khác, thị trường phần mềm tự do
nguồn mở cũng là một mảnh đất màu mở. Các công ty
phần mềm tự do nguồn mở sẽ có cơ hội cạnh tranh
trực tiếp với những phần mềm bản quyền nếu xã hội
được thúc đẩy sử dụng phần mềm tự do nguồn mở.
Các công ty đầu tiên có thể cung ứng những dịch vụ
hỗ trợ, giảng dạy, ứng dụng phần mềm loại này cho
cơ quan công quyền, các tổ chức, các doanh nghiệp. Những
trung tâm đào tạo như thế sẽ cạnh tranh với những
NIIT, Aptech và sẽ có lợi thế nếu luật bản quyền được
thực thi đầy đủ. Những công ty thứ hai là những công
ty phát triển ứng dụng nguồn mở. Những ứng dụng chạy
trên các nền tảng tự do và mở không hẳn cũng tự do
và mở. Đây có thể là những ứng dụng thương mại. Và
đây cũng chính là công cụ kiếm ra tiền cho ngành công
nghiệp phần mềm còn mới mẻ này ở Việt Nam.
Rõ ràng nhiều người sẽ được lợi nếu
xã hội được thúc đẩy sử dụng phần mềm tự do
nguồn mở. Từ việc người dùng được sử dụng miễn
phí, đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng được
miễn phí nên sẽ tránh vi phạm bản quyền và tốn ít
tiền đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin hơn. Đến
việc ngành công nghệ phần mềm sẽ phát triển theo hướng
có lợi cho những nước đang phát triển như Việt Nam hơn
khi mà chúng ta có sân chơi của riêng mình và kinh doanh
những sản phẩm do mình phát triển. Và qua đó, chúng ta
cũng giành được sự độc lập chủ quyền cho quốc gia
trong lĩnh vực công nghệ phần mềm.
Tôi xin giới thiệu bài viết ở link bên
dưới để các bạn tham khảo thêm.
I'm personally a big fan of comtechsam blog. Thanks for sharing this post.
Trả lờiXóaclipping path
clipping path service