4. Thời của những mạng xã hội OTT


Nghe đến những ứng dụng OTT (Over The Top) chắc cũng có nhiều người cảm thấy xa lạ với thuật ngữ này. Nhưng nói đến Viber, Whatsapp, Zalo, Line, Kakaotalk, Tango,... thì chắc nhiều người biết chúng là gì. Tôi sẽ không giải thích về OTT nữa, vì các bạn đã biết OTT là như thế nào khi sử dụng những ứng dụng trên. Hiện nay có hai loại ứng dụng mà người dùng smartphone ưa chuộng nhất chính những ứng dụng mạng xã hội (Social Network) và những ứng dụng liên lạc qua tin nhắn (Message). Trong những ứng dụng mạng xã hội cũng có chức năng gởi tin nhắn và trong một số ứng dụng tin nhắn cũng có chức năng chia sẽ (sharing) và theo dõi (following). Như vậy là có sự giẫm chân nhau giữa hai loại ứng dụng này. Chúng sẽ cư xử với nhau ra sao trong tương lai khi mà cả hai cùng phát triển và mở rộng những chức năng giẫm lên nhau đó. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày những đánh giá về từng loại ứng dụng trong hoàn cảnh hiện tại và tương lai. Liệu bước tiếp theo của một mạng xã hội có phải là những ứng dụng OTT và bước tiếp theo của nhứng ứng dụng OTT chính là mạng xã hội? 






Message

Gần đây, có những thông tin cho thấy các nhà mạng như Mobifone, Viettel, Vinaphone đang lo lắng về sự đi xuống của dịch vụ nhắn tin SMS. Họ thấy rằng càng ngày càng có nhiều người sử dụng smartphone. Những người này được các nhà mạng khuyến khích sử dụng internet thông qua các gói cước 3G tương đối rẻ so với mặt bằng chung của thế giới. Tuy là có nhiều người đăng ký gói cước 3G thì sẽ mang đến nhiều doanh thu cho nhà mạng, nhưng với sự xuất hiện của những ứng dụng nhắn tin OTT thông qua mạng internet thay vì SMS thì doang thu của dịch vụ SMS đang giảm xuống nhanh chóng. Vì vậy mà các nhà mạng bắt đầu lo lắng và tăng giá cước 3G để bù lại sự sụt giảm doanh thu SMS. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Vì với sự phát triển nhanh chóng của những ứng dụng OTT cùng với sự gia tăng số người sử dụng smartphone thì trong tương lai, doanh thu của những nhà mạng sẽ còn sụt giảm. Việc tăng cước 3G sẽ khiến người dùng sử dụng internet 3G hạn chế hơn nhưng lại gia tăng sử dụng qua wifi. Mà wifi thì dần dần xuất hiện nhiều ở nhà và cả ở công ty.

Với những phân tích trên thì trong tương lai, những nhà mạng sẽ trở thành những nhà cung cấp dịch vụ internet 3G là chính cho những khách hàng sử dụng smartphone. Họ chỉ còn khách hàng sử dụng điện thoại truyền thống, trong khi những khách hàng loại này đang càng giảm vì người dùng chuyển sang dùng smartphone. Vì vậy, có thể nói rằng những ứng dụng OTT đang làm chủ cuộc chơi. Nhưng họ lại không chia sẽ doanh thu với nhà mạng vì họ chẳng liên quan gì đến những dịch vụ khác của nhà mạng ngoài internet 3G.

Khi OTT đã trở nên phổ biến thì sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ OTT cũng trở nên gay gắt hơn. Ngoài chức năng gởi tin nhắn bằng text, image, video, voice thì họ bắt đầu tích hợp vào ứng dụng những trò chơi (game), và cho chia sẽ thông tin giống như một mạng xã hội thu nhỏ. Tôi đã sử dụng Tango thì tôi thấy họ có game cho người dùng chơi và chia sẽ với bạn bè. Còn Zalo thì có cả game, chatroom, nhật ký để cập nhật trang thái như một mạng xã hội thu nhỏ. Viber thì có chức năng Calls giữa những người dùng với nhau qua internet. Whatsapp thì chưa tích hợp những chức năng trên nhưng cũng sẽ tích hợp thêm chức năng trong tương lai nếu muốn giữ chân người dùng. Một ứng dụng nổi tiếng khác là BBM của Blackberry đang mở rộng cho người dùng Android, iOS. BBM có tất cả những chức năng của một ứng dụng OTT và còn có ưu điểm là tính bảo mật cao.

Tôi tự hỏi là bước tiến hóa kế tiếp của những ứng dụng OTT này là gi? Để cạnh tranh nhau, họ sẽ bổ sung thêm những chức năng mới cho ứng dụng của mình. Ngoài những chức năng game, calls, chatroom,... thì họ chỉ có thể níu kéo người dùng bằng cách cho người dùng nhiều phương thức chia sẽ hơn, nhiều cách đế kết nối hơn, nhiều chức năng giải trí ngay trong ứng dụng hơn. Vậy khi những chức năng này gộp lại, nó không phải là một mạng xã hội sao? Vậy là khi bạn chụp một tấm ảnh, rồi upload lên Facebook, bạn sẽ chờ để nhận được phản hồi (comment) từ bạn bè. Thay vào đó, bạn upload nó lên Zalo thì bạn bè sẽ thấy ngày và nhanh chóng phản hồi cho bạn dưới dạng những tin nhắn hay những đoạn chat. Mọi chuyện có vẻ đơn gian hơn nhiều phải không?

Và khi những ứng dụng OTT này trở nên thông minh hơn với thao tác của người dùng, có thể nói là chúng là cái chính yếu khi ta sử dụng điện thoại thông minh. Lúc đó, những ứng dụng mạng xã hội sẽ như thế nào? Liệu nó có bị lãng quên?

Social Network


Khác với nhứng ứng dụng OTT, các ứng dụng mạng xã hội chỉ là ứng dụng client trên các smartphone của những mạng xã hội. Nghĩa là chúng chỉ là một phần của một hệ thống mạng xã hội lớn hơn nhiều. Chúng ta thấy Facebook hay Twitter xuất phát là những mạng xã hội dựa trên nền web, sau đó họ phát triển ứng dụng client trên smartphone. Ban đầu số người sử dụng các mạng xã hội này trên nền web lớn hơn rất nhiều so với trên smartphone, nhưng dần dần số người trên smartphone sẽ tăng lên nhanh chóng cùng với sự phổ biến của smartphone. Khi mà việc chia sẽ một tấm ảnh hay một video trở nên đơn giản hơn khi sử dụng smartphone thì việc những ứng dụng client của các mạng xã hội sẽ phổ biến hơn trên nền web. Khi đó, những ứng dụng client này sẽ chiếm lĩnh thời gian sử dụng smartphone của người dùng. Vậy xu hướng phát triển của những ứng dụng client này sẽ là gì? Điều đầu tiên chắc chắn là dần dần những ứng dụng client này sẽ được tích hợp nhiều tính năng mạnh mẽ và đầy đủ hơn, ít nhất là những gì chúng ta làm được khi sử dụng mạng xã hội trên nền web thì cũng làm được trên smartphone. Kế đến là việc bổ sung thêm tính năng cho các công cụ messenger của các mạng xã hội này cũng sẽ khiến nó dần cạnh tranh với chức năng tin nhắn SMS và các ứng dụng OTT trên smartphone. Với lượng người dùng đông đảo của Facebook, nếu như công cụ messenger của nó dần dần tiện dụng hơn như một ứng dụng nhắn tin độc lập thì Facebook sẽ lấy hết phần lớn thời gian sử dụng smartphone của người dùng. Việc có thể vừa chia sẽ thông tin vừa nhắn tin sẽ khiến Facebook trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Chỉ cần những mạng xã hội như Facebook giữ được người dùng và cho họ sự tiện lợi khi nhắn tin thì ứng dụng client của nó dần trở nên bộ mặt của smartphone. Điều này được thể hiện qua tham vọng của Facebook khi mà Facebook tạo ra Launcher trên hệ điều hành Android. Launher này giúp cho chúng ta khi mở điện thoại lên sẽ chỉ nhìn thấy giao diện Facebook là chính. Điều này khó có thể áp dụng cho hệ điều hành iOS hay Windows phone. Tuy nhiên, việc được tích hợp sâu vào các chức năng của các hệ điều hành này (như notification, sharing,..) cũng là điều tốt cho Facebook. Vậy thì những mạng xã hội này có phải đang cạnh tranh trực tiếp với những ứng dụng OTT không?

Message + Social Network = Social Network


Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta hãy xem xét trường hợp của mạng xã hội Zing me và ứng dụng Zalo của VNG. Tôi tự hỏi là tại sao VNG lại tạo ra Zalo với các chức năng như thế? Ngoài chức năng nhắn tin như các ứng dụng OTT khác, Zalo còn cho phép chúng ta tìm bạn và kết bạn. Nếu như những ứng dụng như Viber hay Whatsapp chỉ có kết nối với những người bằng số điện thoại của họ thì Zalo có thể kết nối thêm bạn bè bằng cách tìm kiếm theo thông tin khác như tên, theo vị trí và khu vực, thông qua gợi ý của chính Zalo (một tính năng giống như Facebook). Ngoài ra, Zalo có phòng chat như Paltalk, cho phép các thành viên của họ có thể giao lưu mà không cần phải kết bạn trước. Trong khi đó, Zing me không thể cạnh tranh với Facebook nên nó chỉ thường được người sử dụng tham gia để chơi game online, và nguồn thu chính của Zing me chính là game chớ không phải qua quảng cáo. Điều này phù hợp với lịch sử của VNG, vốn khởi đầu bằng các dịch vụ game online. Dường như VNG đã thấy mảnh đất cho mạng xã hội không thể tăng trưởng thêm nên họ đưa vào Zalo những tính năng của một mạng xã hội thực thụ, rồi sử dụng những thế mạnh của ứng dụng OTT để gia tăng số người sử dụng. Bởi vì những ứng dụng OTT có thể truy xuất danh bạ người dùng nên mặc nhiên khi một người cài đặt Zalo trên điện thoại của họ thì cũng có nghĩa những người trong danh bạ điện thoại có sử dụng Zalo cũng xuất hiện, giống như là bỏ qua bước yêu cầu kết bạn như trên Facebook. Nếu nhìn cách thức hoạt động của Zing me và Zalo thì cũng dễ thấy rằng Zalo đã trở thành sản phẩm chủ lực của VNG, còn Zing me dần dần sẽ không còn được chú ý nữa. Điều đó cũng có nghĩa là khi nhắc đến mạng xã hội của VNG thì phải nhắc đến Zalo chớ không phải Zing me nữa.


     

Những phân tích trên cho thấy rằng một ứng dụng OTT tích hợp mạng xã hội sẽ có thể đánh bại một mạng xã hội thực thụ. Tuy nhiên, với Facebook thì sao? Liệu Facebook có bị Viber hay Whatsapp đánh bại không?

Tôi không nghĩ là có thể. Bạn biết đấy, Facebook thì lớn hơn rất nhiều so với Zing me, nó cũng lớn hơn rất nhiều so với Vỉber hay Whatsapp, xét về mọi thứ. Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu Facebook mua lại một trong những công ty cung cấp dịch vụ OTT như ở trên. Facebook đang có nhiều thành viên, có thể nói là một số lượng khổng lồ. Cái họ đang đối mặt là làm sao sinh ra lợi nhuận từ những thành viên của mình. Zing me đã chọn cách kiếm tiền bằng game, còn Facebook sẽ chọn cách nào? Tất nhiên là họ chọn quảng cáo, một cách làm giống Google. Tuy vậy, khả năng kiếm tiền của Facebook còn kém Google khá xa. Google cũng có tham vọng về mạng xã hội khi họ tạo ra Google plus. Họ cũng có tham vọng về những ứng dụng nhắn tin như OTT khi họ tạo ra Hangout. Nhưng tham vọng của Google còn lớn hơn những cái đó nhiều. Họ có tham vọng bao trùm cả thế giới (tôi sẽ viết một bài về tham vọng của Google trong những bài tiếp theo). Cả Facebook và Google rồi cũng sẽ đem các ứng dụng client của mình để thay thế chức năng nhắn tin (message) trên điện thoại, có thể cả chức năng gọi điện (Calls) nữa. Khi internet đã phổ biến trên thế giới thì không nhiều người muốn Dial nữa, họ sẽ kết nối bằng internet. Những vấn đề của Facebook hay Google lúc này không phải là những ứng dụng OTT mà là giữa họ với nhau. Bởi vì những ứng dụng OTT không mang lại nhiều tiền nên những công ty cung cấp chúng cũng sẽ phát triển đến một mức giới hạn nào đó. Nếu họ tiến hóa bằng cách thâm nhập vào thị trường mạng xã hội thì họ sẽ đối mặt với những gã khổng lồ và khá độc tài này. Bên cạnh đó, những ứng dụng OTT lại đang cạnh tranh trực tiếp với nhau với mức độ ngày càng khốc liệt, nên sự phân mảnh thị trường sẽ khiến tập thể OTT không mạnh mẽ khi không có ứng dụng nào chiếm đa số vượt trội. Điều này cũng dễ hiểu vì phát triển một dịch vụ OTT không tốn quá nhiều tiền và công nghệ nên có nhiều công ty tham gia. Vì vậy, sự tiến hóa của các ứng dụng OTT khi tích hợp mạng xã hội sẽ diễn ra do sự cạnh tranh giữa chúng với nhau. Nhưng khi chúng lấn quá sâu vào sân chơi mạng xã hội thì có nghĩa chúng đã chọc giận những người khổng lồ và sẽ bị đè bẹp. Tại sao chúng bị đè bẹp? Theo tôi thì khi đó vòng đời của chúng đã hết khi mà những phương thức kết nối và tương tác mới hơn đã được tạo ra bởi những gã không lồ như Google và Facebook.



Tóm lại, sẽ có một sự bùng nổ việc tích hợp các tính năng của mạng xã hội vào những ứng dụng OTT. Nhưng khi chúng đã đến một mức độ nào đó, những ứng dụng này sẽ gặp sự cạnh tranh từ những mạng xã hội. Rồi họ sẽ bị thât bại vì những cách tương tác mới được tạo ra từ công nghệ mới do những hãng công nghệ khổng lồ như Google, Facebook.



Những công nghệ đó là gì? Tôi sẽ có bài viết về những cách kết nối và tương tác của con người trong tương lai. Hãy đón đọc nhé.

Nhận xét