3. Thông tin thực và ảo
Chắc hẳn phần lớn trong chúng ta hiện nay đều có tham gia ít nhất một mạng xã hội nào đó, có thể là Facebook, Twitter, Google+, Linkedln, Pinterest, Zing me,... Chúng ta bị thu hút bởi khả năng kết nối và xây dựng các mối quan hệ thông qua internet. Thật ngạc nhiên khi chúng ta tìm được cách liên lạc với những người thân hay bạn bè cũ một cách đơn giản hơn nhiều so với cách làm ngoài thế giới thực. Những kết nối theo kiểu bắc cầu làm cho mỗi người chúng ta có nhiều bạn trong thế giới ảo hơn ngoài đời thực. Bằng cách cung cấp thông tin khó có thể xác thực, dần dần chúng ta cảm thấy thật tự do hơn khi tương tác với mọi người trên mạng, và cũng khiến ta ngày càng thể hiện bản thân nhiều hơn trên mạng theo cách mình muốn nhất. Trước đây, khi các forum nở rộ, chúng ta hăng hái tham gia tranh luận các chủ đề quan tâm và hầu như ít ai biết chúng ta thực sự là ai. Nhưng giờ đây, với các mạng xã hội chúng ta ngày càng lộ diện ra với nhiều người hơn, chúng ta cung cấp những thông tin cá nhân một cách đôi khi vô thức và ngày càng khó kiểm soát nỗi. Chúng ta để lại ngày càng nhiều dấu vết mà nếu cố ý, những người khác có thể tìm kiếm ít nhất vài thông tin nào đó về chúng ta. Khi đi ra đường, nếu một người lạ hỏi thông tin về chúng ta, chắc hẳn chúng ta sẽ dè dặt đối với họ, mặc dù ta đã có ít thông tin khi nhìn và nói chuyện với họ. Nhưng khi ai đó trên mạng làm quen với mình, chúng ta lại sẵn sàng cung cấp thông tin cho họ, mặc dù ta chưa biết họ như thế nào. Điều này có thể lý giải là vì chúng ta nghĩ nếu quen biết qua mạng thì chắc chúng ta sẽ dễ dàng cắt đuôi họ khi chúng ta muốn? Vâng, chúng ta có thể cắt đuôi họ nhưng chúng ta không thể xóa thông tin đối với họ. Sẽ chẳng có hại gì nếu chúng ta để lại ít thông tin cho các bộ máy tìm kiếm như Google hay các trang web mua sắm như Ebay. Nhưng nếu có ai đó lấy được những thông tin này của chúng ta và sử dụng với mục đích xấu thì nạn nhân đầu tiên là chúng ta và những người quen biết của mình. Đã có những người phải chịu trách nhiệm pháp lý khi tưởng rằng sử dụng blog hay Facebook để bôi nhọ người khác chỉ là thế giới ảo. Đó là một sai lầm. Bạn tạo ra trang blog hay tài khoản Facebook, bạn không thể chối bỏ trách nhiệm. Khi bạn xóa blog hay tài khoản Facebook, không có nghĩa là bạn xóa được chúng hoàn toàn. Chúng có thể được lưu ở đâu đó như bộ nhớ cache của Google chẳng hạn. Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc tạo ra thông tin trên mạng rất dễ nhưng xóa bỏ chúng hoàn toàn là điều hầu như không thể. Vì vậy chúng ta phải ý thức được những gì chúng ta tạo ra trên mạng và có trách nhiệm với nó. Trong bài viết này, tôi sẽ nói cho các bạn biết cách chúng ta sử dụng thông tin của chính mình một cách hợp lý giữa thế giới ảo trên mạng và cuộc sống thực ngoài đời, nhằm mang lại hiệu quả khi sử dụng thông tin của chính mình một cách chuyên nghiệp và kiểm soát cũng như bảo mật thông tin đó.
Liên kết và đồng nhất thông tin
Mỗi người chúng ta đều có thông tin mang tính chất pháp lý và thông tin mang tính chất xã hội. Thông tin mang tính chất pháp lý chính là những gì liên quan đến sơ yếu lý lịch của chúng ta, còn thông tin mang tính chất xã hội là những gì chúng ta tạo ra nhằm sử dụng trong các giao tiếp xã hội như nickname chẳng hạn. Khi bạn đến tuổi trưởng thành, bạn bắt đầu đi xin việc, bạn sẽ tạo cho mình một hồ sơ xin việc. Trong hồ sơ xin việc ngày nay, chúng ta thường tạo ra một bản sơ yếu lý lịch online mà chúng ta gọi là CV. Trong thời đại internet như hiện nay, chắc hẳn nhiều bạn đã tham gia tìm việc online, vì vậy CV là hồ sơ quan trọng nhất của chúng ta. Như vậy, cái đầu tiên là bạn phải liên kết được những thông tin trong sơ yếu lý lịch và trong CV của mình, sao cho chúng cung cấp thông tin chính xác và đồng nhất. Sơ yếu lý lịch cung cấp thông tin cá nhân, còn CV cung cấp cụ thể những thông tin học vấn và kinh nghiệm làm việc. Kế đến, những thông tin này cần phải đồng nhất với thông tin trên mạng xã hội mà chúng ta tham gia chủ yếu, như Facebook chẳng hạn. Bạn có thể không cung cấp đầy đủ thông tin trên Facebook nhưng không nên cung cấp thông tin sai. Bởi vì khi nhà tuyển dụng tìm kiếm thông tin của bạn trên mạng, họ sẽ khó bỏ qua Facebook. Nếu họ phát hiện bạn cung cấp thông tin sai, họ sẽ nghi ngờ tính trung thực của bạn. Các mối quan hệ và các bài post trên Facebook cũng khiến bạn trở nên dễ dàng để cho nhà tuyển dụng nhận ra tính cách của bạn. Nếu những thông tin đó khiến cho nhà tuyển dụng kết luận không đúng về bạn, bạn cũng không có cơ hội giải thích với họ. Kế đến là nếu bạn có viết blog, bạn đã biểu lộ nhiểu suy nghĩ của mình cho người khác xem. Có thể đa số không quan tâm đến bạn thật sự là ai, nhưng những người quan tâm đến điều đó sẽ có nhiều thông tin để nhận biết bạn thật sự là ai. Nếu một đối tác trong tình yêu của bạn hiểu bạn thông qua những gì bạn đã từng viết trên blog, thì tốt nhất bạn nên viết thật những suy nghĩ của mình hoặc ít nhất là viết cho thật tốt. Bạn đã bị người khác đánh giá ngay lúc bạn không chú ý đến họ vì nghĩ rẳng internet chỉ là thế giới ảo. Bạn đóng cửa phòng và ăn mặc phóng khoáng vì bạn yên tâm những người hàng xóm chẳng thể nhìn xuyên tường được, những bạn lại bật webcam để chat hay chụp hình "tự sướng" để đưa lên Facebook. Vậy bạn đóng cửa phòng của mình làm gì? Rồi một ngày xấu trời nào đó, khi nhà tuyển dụng bạn nhìn thấy những tấm hình đó, hay đồng nghiệp trong công ty chia sẽ những tấm hình đó, bạn có lấy lại được chúng không? Vì vậy, hãy đưa thông tin của mình lên mạng một cách có trách nhiệm với chính bản thân mình. Hãy xem mỗi lần mình online cũng như mỗi lần mình đi ra phố.
Sử dụng thông tin hiệu quả
Bạn có biết PR bản thân mình trước đồng nghiệp hay nhà tuyển dụng không? Hoặc là PR trước bạn bè? Trong một xã hội mà chúng ta phải luôn chứng tỏ bản thân mình với mọi người thì ngoài việc thỏa mãn tính tự tôn thì PR bản thân còn thể hiện tham vọng đối với cuộc sống. Đối với xã hội Phương Tây, những thông tin càng ngẫu nhiên và tự nhiên thì mọi người càng thích. Ví dụ như bức ảnh bạn đang nằm ngủ ngoài trời cùng chú chó lông xù đáng yêu sẽ được nhiều người thích hơn là bức ảnh bạn đang mặc trang phục công sở ngồi ở bàn làm việc. Còn đối với xã hội Phương Đông thì họ lại thích những thông tin nghiêm chỉnh hơn như việc tham dự buổi tiệc lớn nào đó hay chụp hình cùng một anh chàng đẹp trai nào đó nếu bạn là phái nữ. Nếu bạn muốn PR bản thân mình với bạn bè thì những cách làm đó sẽ thu hút họ. Tuy nhiên, tôi không có ý định hướng dẫn bạn PR bản thân như thế nào mà tôi muốn khuyên bạn nên tổ chức thông tin của mình một cách có tổ chức và có mục đích để khi bạn cần sử dụng chúng thì chúng sẽ mang lại hiệu quả cho bạn. Hãy post những tấm hình của chuyến đi du lịch của bạn nhưng đừng post tấm hình bạn mặc đồ ngủ và nằm trên chiếc giường thân quen lên Facebook. Đừng cho rằng internet ngày nay là thế giới ảo, mà nó là một phần của thế giới thực của chúng ta. Hãy đưa thông tin nghiêm túc lên Facebook của mình và sử dụng chúng như một kiểu CV online của bạn.
Có thể bạn cho rằng nếu mọi thông tin chúng ta đưa lên mạng đều nghiêm túc thì đâu còn gì là tự do bản thân nữa. Vâng, có thể bạn nói đúng, như chỉ đúng với trường hợp của bạn chẳng hạn. Vì nếu thông tin trên mạng không ảnh hưởng đến công việc hiện tại của bạn cũng như đời sống cá nhân bạn thì OK, bạn có quyền tự do làm việc đó. Nhưng bạn phải biết đánh giá điều đó có đúng với mình hay không và phải kiểm soát được chúng. Làm thế nào? Hãy xem phần tiếp theo.
Kiểm soát và bảo mật thông tin
Cách đơn giản nhất là hãy hạn chế cung cấp thông tin trên mạng cũng như tìm hiểu kỹ chính sách bảo mật của các dịch vụ mà bạn muốn tham gia. Ví dụ như đối với Facebook, bạn chỉ cho phép những người thân quen thấy thông tin cá nhân của bạn, không kết bạn với một người nào đó mà chưa tìm hiểu kỹ về anh ta, không đưa tất cả hình ảnh của mình lên Facebook mà chỉ nên upload vài hình đại diện cho một sự kiện nào đó, những tấm hình còn lại có thể lưu trữ trong những dịch vụ lưu trữ đám mây như Dropbox, Box,... Bạn nên tạo cho mình một tài khoản email phụ và sử dụng nó khi đăng ký trên những diễn đàn hay trang web mua bán nào đó, không nên sử dụng email mà bạn đang sử dụng để login vô Facebook hay Goolge plus cho những trang web loại này. Bạn nên tạo 2 mật khẩu (password) riêng rẽ, một cái chính và một cái phụ. Cái chính sử dụng cho những dịch vụ quan trọng như email, Facebook, Dropbox, còn cái phụ cho những thứ khác như cho tài khoản trên các diễn đàn, webgame,... Bạn cũng nên tạo ra 2 username cho những dịch vụ tương ứng như trên nếu thấy cần thiết. Việc tổ chức thành hai username với hai password khác nhau giúp bạn tránh được những rủi ro khi bị mất tài khoản phụ mà vẫn giữ được tài khoản chính. Vì những trang web bạn sử dụng tài khoản phụ là những trang web tìm ẩn nhiều nguy cơ bị tấn công nên khi bị mất, bạn có thể tạo cái mới. Còn tài khoản chính bạn chỉ dùng để sử dụng email liên lạc, Facebook, Dropbox,... nên sẽ ít bị tấn công hơn. Nếu bạn có sử dụng smartphone, bạn nên xem kỹ phần giới thiệu và phần phản hồi trước khi download một phần mềm nào đó về máy. Nếu phần mềm đó được vote nhiều sao và không bị người sử dụng khác cảnh bảo về tính bảo mật thì bạn có thể yên tâm download về sử dụng. Ví dụ như phần mềm Dropbox, sẽ có nhiều phần mềm Dropbox hiện ra khi bạn tìm kiếm trên chợ ứng dụng, phải kiểm tra xem phần mềm náo đúng là chính hãng thì mới download về và login. Nếu không, bạn sẽ download một phần mềm nào đó cũng có logo Dropbox nhưng của một bên thứ ba cung cấp, khi bạn login vào thì cũng có nghĩa bạn đã chia sẽ tài khoản của bạn cho họ.
Những lưu ý trên là cần nhưng chưa đủ để đảm bảo tài khoản của bạn không bị mất. Vì thế hãy chuẩn bị khi bị mất tài khoản trước khi nó diễn ra. Đó là hãy sao lưu những gì cần thiết và cất chúng vào một tài khoản dự phòng như Box, Ubuntu One, ...
Cuối cùng là hãy luôn sử dụng máy tính và điện thoại của mình để truy xuất các dịch vụ như email, mạng xã hội,... Đừng sử dụng máy tính của người khác hay máy tính công cộng.
Cuối cùng là hãy luôn sử dụng máy tính và điện thoại của mình để truy xuất các dịch vụ như email, mạng xã hội,... Đừng sử dụng máy tính của người khác hay máy tính công cộng.
Bản thân tôi không thích sử dụng các mạng xã hội để tương tác với bạn bè, tôi chỉ sử dụng email là chính. Còn Facebook của tôi rất hạn chế bạn bè, cũng ít chia sẽ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, tôi có tài khoản trên hầu hết các mạng xã hội, chỉ để xem mọi người cung cấp những gì mà tôi có thể tìm kiếm được./.
Nhận xét
Đăng nhận xét